Mở cửa thị trường bán lẻ

30/11/2008 23:06 GMT+7

Đúng 1 tháng nữa (từ 1.1.2009) Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Cạnh tranh là điều đương nhiên mà bất cứ doanh nghiệp (DN) nào cũng không thể né tránh nếu muốn khẳng định mình. Nghe đọc bài

Những chuyển động ban đầu

Trong những ngày này, siêu thị Lotte Mart (đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM) đang gấp rút hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị khai trương vào ngày 18.12 tới, thời điểm bắt đầu cao điểm mua sắm cuối năm. Có thể xem đây là một trong những siêu thị hiện đại, quy mô nhất nước hiện nay. Đến Lotte Mart không chỉ mua sắm, khách hàng còn có thể sử dụng cả một số dịch vụ (ngân hàng, ăn uống, văn hóa phẩm, giải trí...). Tháng 12.2008, chuỗi siêu thị điện tử điện máy Best Carings cũng sẽ khai trương siêu thị thứ 3 ở Việt Nam, cũng đặt tại Q.7, TP.HCM. Best Carings được hình thành từ hợp đồng nhượng quyền thương hiệu giữa Công ty tiếp thị Bến Thành (chủ sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Carings) và Tập đoàn bán lẻ điện tử điện máy Best Denki (Nhật Bản), một trong năm nhà bán lẻ điện máy lớn nhất Nhật Bản. Như vậy, chỉ trong năm 2008, Best Carings đã phát triển lên 3 siêu thị (trước đó là Best Carings Cần Thơ và Best Carings Hà Nội).

Mới đây, một nhóm các công ty bán lẻ của Anh (gồm 10 thành viên là các nhà bán lẻ cao cấp, cung cấp dịch vụ như Marks & Spencer, Debenhams, Boots International, Ming Foods, Todays Translations Ldt...) đã đến TP.HCM, Hà Nội tìm hiểu về thị trường bán lẻ, vốn được đánh giá rất tiềm năng. Còn các “cựu binh” như Metro Cash & Carry, Big C, Parkson... cũng đang củng cố vị thế của mình trên thị trường. Nếu nhìn vào chuyển động trên thì có vẻ thị trường bán lẻ Việt Nam đang được các DN nước ngoài hết sức quan tâm. Nhưng thực tế, các DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn vào thời điểm này.

Chưa có một làn sóng đầu tư

Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam chỉ đồng ý mở cửa cho phía DN nước ngoài mở một điểm bán lẻ. Kể từ điểm thứ hai trở đi, kế hoạch mở rộng của nhà bán lẻ nước ngoài phải bị kiểm tra nhu cầu kinh tế (tức xem xét ở khu vực đó có nhu cầu để mở một điểm bán lẻ hay không). Điều này sẽ là rào cản cho các nhà bán lẻ nước ngoài thực hiện kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam, bởi khi mở rộng kinh doanh ở nước khác, họ thường mở hàng loạt siêu thị mới đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả chứ không mở một điểm.

Ưu thế của các siêu thị ngoại trong nước hiện nay là có bãi giữ xe rộng, tuy nhiên lại xa khu vực trung tâm, vốn thích hợp cho mua sắm vào dịp cuối tuần và ngày lễ hơn. Điều này không thuận tiện cho người tiêu dùng khi có thói quen đi mua sắm gần nhà và hằng ngày.
Yếu tố quan trọng nhất của ngành bán lẻ là mặt bằng. Hầu hết các vị trí đẹp nhất trong nội đô TP.HCM, Hà Nội hiện đã thuộc về các DN trong nước. Ngay ở các khu đô thị mới, các tỉnh xa, DN trong nước cũng đang tích cực tìm sở hữu các mặt bằng tốt. Theo đại diện của Công ty Đông Hưng (sở hữu hệ thống siêu thị Citimart), nhiều khả năng khi hết hợp đồng cho thuê mặt bằng 230 Nguyễn Trãi, Q.1 (TP.HCM) - mà trước đây Citimart cho Tập đoàn Dairy Farm (Hồng Kông) thuê để mở siêu thị Wellcom - Citimart sẽ lấy lại mặt bằng để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, kinh tế nhiều nước như Mỹ, Nhật, Singapore... bắt đầu lâm vào tình trạng suy thoái. Không chỉ nguồn vốn của các DN nước ngoài bị ảnh hưởng đáng kể, mà sức mua trên thế giới giảm. Ở Việt Nam tình hình cũng sẽ tương tự. Do đó, các nhà bán lẻ chưa thể nhanh chóng ồ ạt vào Việt Nam như kế hoạch ban đầu...

Tuy nhiên, không thể chủ quan với các khó khăn của DN nước ngoài mà DN trong nước có thể ung dung chờ “nước đến chân mới nhảy”. Khá nhiều “khoảng trống” mà DN nước ngoài vẫn có thể thâm nhập vào theo cách ít tốn kém nhất. Chẳng hạn, từ 1.1.2009, DN đầu tư nước ngoài có sản xuất tại Việt Nam được quyền nhập khẩu hàng để bán; hoặc DN nước ngoài sử dụng hình thức nhượng quyền thương mại, về lâu dài sẽ có những cách khác để họ nắm quyền thực chất hơn...

Có lợi cho người tiêu dùng

Khi mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, cả DN trong và ngoài nước đều có những khó khăn riêng. Tất nhiên các DN trong nước sẽ khó khăn nhiều hơn do non kém về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính. Nhưng các DN trong nước đã có sự chuẩn bị từ vài năm qua, và phải chấp nhận đối đầu chứ không thể cứ dựa mãi vào chính sách bảo hộ của Nhà nước. Sự cạnh tranh siêu thị nội, ngoại chắc chắn sẽ xảy ra, và người tiêu dùng sẽ được lợi trong cuộc đua này. Chẳng hạn ở TP.HCM, thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất nước, ngành hàng bán lẻ điện tử, điện máy bấy lâu nay vẫn là cuộc đua của các DN trong nước với nhau như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Ideas... Nay có thêm Best Carings vào cuộc, thị trường chắc chắn sẽ sôi động hơn. Hoặc trong những đợt biến động giá cả (như các mặt hàng gạo, sữa bột, rau xanh...), siêu thị nào giữ được giá cả ổn định nhất, chất lượng tốt nhất sẽ được người tiêu dùng tín nhiệm.

Trong cuộc cạnh tranh, hàng hóa rẻ và chất lượng tốt hơn tất nhiên là yếu tố được người tiêu dùng chú trọng. Nhưng thái độ phục vụ khách hàng cũng quan trọng không kém. Những siêu thị thường xuyên diễn ra cảnh khám người thô thiển, thiếu tiền lẻ thối khách hàng... sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc đua trước tiên.

Trần Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.