Suvarnabhumi thành trại tị nạn

30/11/2008 00:49 GMT+7

Sân bay Suvarnabhumi đã trải qua 4 ngày bị người biểu tình chiếm đóng khiến nó trông nhếch nhác và bẩn thỉu hơn bao giờ hết.

Sân bay hay trại tị nạn?

Cảng hàng không quốc tế quan trọng này được bắt đầu xây dựng dưới thời cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Có lẽ ông Thaksin khi ấy không ngờ được rằng nó lại trở thành nơi mà những người chống đối ông, Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD), “ăn dầm nằm dề” trong một nỗ lực lật đổ em rể ông, Thủ tướng Somchai Wongsawat. Đến ngày thứ ba, theo quan sát của phóng viên Báo Thanh Niên, nhà vệ sinh đã bắt đầu ngập nước lõng bõng. Người biểu tình xếp hàng dài đi vệ sinh trong lúc nhiều người khác tranh thủ tắm luôn tại đây. Chỗ đi vệ sinh của Suvarnabhumi quá ít so với tầm vóc của sân bay này đã được phản ánh từ lâu. Giờ đây, với hàng ngàn người biểu tình, nhà vệ sinh sắp trở thành một “thảm họa” như những gì đã xảy ra tại Phủ Thủ tướng, nơi PAD chiếm 3 tháng nay.

Trong khi đó, ngoài con đường trước sảnh sân bay, nơi sân khấu biểu tình được lập lên và người ta ngồi tràn đầy, nước đọng và bao rác chất khắp nơi. Người biểu tình kẻ ngồi người nằm ngủ. Có người còn mang cả lều trại đến “bám trụ” bên trong sảnh sân bay. Người ta thậm chí mang theo con nhỏ để cùng biểu tình. Những người khác thì xếp hàng dài đợi được “phát chẩn” thức ăn, mì ăn liền miễn phí. Lãnh đạo biểu tình thì la hét khí thế trên sân khấu gần như 24/24. Trạm y tế tạm được dựng lên khắp nơi cả trong lẫn ngoài sảnh sân bay. Thỉnh thoảng nhân viên y tế tình nguyện lại hối hả khiêng cáng đi điều trị cho những người biểu tình ngất xỉu do trụ lại quá lâu.

An toàn cho báo chí

Hai ngày trở lại đây, an toàn cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại sân bay Suvarnabhumi là chuyện được đặc biệt quan tâm. Phóng viên một tờ báo tiếng Thái nhắc nhở: “Hết sức cẩn thận nhé. Bảo vệ của Panthamitr (tên tắt tiếng Thái của PAD) đang tìm cách kiếm chuyện với báo chí đấy”. Nhiều cơ quan truyền thông ở Thái những ngày qua đã lên tiếng chỉ trích việc bao vây sân bay hoặc cho đăng tải một số thông tin khiến PAD không hài lòng. Trong đó, kênh truyền hình nhà nước NBT là một ví dụ. PAD công khai cho đề biển ghi “NBT phát tin sai sự thật”. Cũng chính vì lý do đó, người ta không hề thấy bóng dáng NBT ở Suvarnabhumi. Thực ra, phóng viên NBT có mặt ở sân bay nhưng gỡ hết logo, không mặc áo của kênh truyền hình này để bảo đảm an toàn. 

Phóng viên nước ngoài thì có lẽ ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, những phóng viên gốc Á có khuôn mặt hao hao giống người Thái, trong đó có phóng viên Báo Thanh Niên, được các đồng nghiệp khuyên rằng nên nói tiếng Anh khi gặp bảo vệ của PAD để tránh rắc rối. Phóng viên Báo Thanh Niên đã phải thủ sẵn một chiếc “hand-clapper” (dụng cụ vỗ tay), vật được coi là biểu tượng của PAD, và sợi dây chuyền mà một bảo vệ PAD tặng để lúc cần giơ ra, tránh rắc rối.

Cái lý của người biểu tình

Nhiều người không hiểu tại sao PAD lại có thể chiếm sân bay như vậy mà không màng đến lợi ích của đất nước. Chị Monsikan Supasiri, một người biểu tình đến từ tỉnh Phare, nói kiên quyết: “Chúng tôi sẽ trụ lại đây chừng nào chính phủ từ chức mới thôi. Họ tham nhũng rất nhiều. Chúng tôi trụ lại đây có thể ảnh hưởng đến đất nước. Nhưng thứ nhất, là để buộc thủ tướng từ chức. Thứ hai là, việc chính phủ cầm quyền gây thiệt hại còn nhiều hơn thiệt hại do việc chiếm sân bay gây ra”.  Tại một góc sân bay, PAD treo biển xin lỗi. Nội dung như sau: “Mục đích duy nhất của chúng tôi là chiến đấu với chính phủ cho đến khi thủ tướng từ chức. Nếu làm như vậy mà gây ảnh hưởng đến quý vị (ý nói hành khách), chúng tôi vô cùng xin lỗi”. 

Tuy nhiên, PAD có lẽ không lường được trước rằng, với việc bao vây sân bay, hình ảnh của đất nước du lịch này sẽ bị ảnh hưởng.  Trước mắt, mỗi ngày sân bay Suvarnabhumi bị đóng cửa, thiệt hại về kinh tế sẽ là 3 tỉ baht (khoảng 86 triệu USD) trong việc vận chuyển hàng hóa. 

Việt Phương (tường thuật từ Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.