Giáo dục đạo đức cho học sinh: Bốn mối lo ngại trong cách sống

24/11/2008 22:40 GMT+7

Hơn 150 nhà nghiên cứu, nhà tâm lý và nhà giáo đã có cơ hội bày tỏ quan điểm tại hội thảo về giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học mang tên “Học nhân ái, biết sẻ chia” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 24.11 tại Hà Nội.

Là nhà nghiên cứu về tâm lý, ông Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM đã bày tỏ những lo ngại khi quan sát thấy những biểu hiện tâm lý bất thường ở không ít trẻ em hiện nay. Theo ông, hiện trẻ em có 4 dấu hiệu đáng lo ngại đó là: sống khép kín, thiếu cởi mở và tiếp xúc với mọi người xung quanh; một số trẻ sống ích kỷ, không quan tâm tới người khác; một số trẻ ỷ lại và luôn mong muốn được thỏa mãn nhu cầu của mình một cách vô lý; một số trẻ giải quyết các vấn đề bằng bạo lực. 

Theo ông Duy, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận không nhỏ trẻ em hiện nay có điều kiện sống quá đầy đủ, được cha mẹ quan tâm, lo lắng hết mực nên các em trở nên ích kỷ, không  biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh. Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh chưa quan tâm tới việc giáo dục cho trẻ cách sống biết sẻ chia. Đồng thời, việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội cũng chưa thực sự hiệu quả nên những bài học về đạo đức của các em chưa trở thành  hiện thực.

Muốn học trải nghiệm phải đưa trẻ ra khỏi 4 bức tường để học hỏi những điều xung quanh -  Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM

Theo nhà sử  học Dương Trung Quốc thì cần phải giáo dục cho trẻ lòng nhân ái, vì nhân ái là cái gốc cho sự phát triển của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Ông Đinh Phương Duy cùng đồng ý quan điểm này và nói: “Tôi cho rằng, gieo nhân ái sẽ gặp tài năng cho nên cốt lõi của giáo dục là phải giúp các em biết yêu thương. Khi các em biết chia sẻ thì sẽ biết cách nuôi dưỡng cảm xúc và thân thiện với mọi người xung quanh”. 

Cũng theo ông Duy, môi trường để hình thành lòng nhân ái là “học trải nghiệm”, học đi đôi với hành, được thực nghiệm trong cuộc sống và vừa học vừa chơi để hình thành các giá trị đạo đức một cách tự nhiên. Ông cho rằng: “Muốn học trải nghiệm phải đưa trẻ ra khỏi 4 bức tường để học hỏi những điều xung quanh”. Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Quế, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT)  thì hiện nay  việc giáo dục đạo đức cho học sinh vẫn còn hạn chế như: giáo viên vẫn còn e ngại, lúng túng trong cách giảng dạy; chỉ dạy các em trong 4 bức tường mà chưa tạo điều kiện cho các em được có cơ hội trải nghiệm. 

“Mục tiêu của giáo dục tiểu học là dạy chữ, dạy người nhằm phát triển nền tảng nhân cách cho các em, nên giáo dục đạo đức là hết sức quan trọng. Bộ GD-ĐT đã rất quan tâm đến việc này và thường xuyên phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội để tạo điều kiện cho các em được học hỏi, vui chơi và phát triển toàn diện”, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT nói.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.