Trạm thu phát sóng và sức khỏe

22/11/2008 21:51 GMT+7

Trong thời gian gần đây, vấn đề trạm thu phát sóng được khá nhiều cơ quan báo chí đề cập với kết quả của nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của trạm thu phát sóng (BTS) tới sức khỏe con người. Vậy nghiên cứu nào mới đáng tin cậy?

Trong số các nghiên cứu được công bố (cả chính thức và không chính thức), nghiên cứu của một vị giáo sư về vật lý Việt Nam tiến hành trên thỏ về “ảnh hưởng của bức xạ điện từ siêu cao tần đối với cơ thể sống” được coi là có kết quả giật gân nhất. Nghiên cứu này rút ra kết luận từ việc chiếu tập trung bức xạ điện từ tần số 2.450 Mhz vào thỏ liên tục, với công suất 25W ở nhiệt độ 360C, rồi tiếp tục nâng lên 35W ở nhiệt độ 39,50C thì thỏ bị co giật, thở gấp. Trên thực tế, tần số sóng điện từ của các trạm BTS ở trong khoảng từ 450 - 1.800 MHz (thí nghiệm là tần số cao hơn nhiều: 2.450 Mhz). Việc chiếu sóng điện từ với tần số cực cao (không thuộc dải tần số phát sóng của các trạm BTS), lại tập trung liên tục vào những điểm nhất định và trong một thời gian tương đối dài, ở nhiệt độ lên tới 39,50C thì kết quả của việc thỏ bị thở gấp, thậm chí co giật là không quá khó hiểu.

Việc nghiên cứu mới ở mức đề tài khoa học, với những điều kiện đặc biệt ngặt nghèo (tần số cực cao, nhiệt độ cực cao), không phù hợp với sức khỏe của động vật cũng như con người, cũng chưa được kiểm chứng thực nghiệm trên thực tế với các điều kiện bình thường lại được gắn kết với chuyện phát sóng của trạm BTS có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người như trong thí nghiệm là một chuyện khá nực cười nhưng lại... có thật.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006 về ảnh hưởng của sóng vô tuyến di động tới sức khỏe con người đã nêu rõ: “Tần số hoạt động của các hệ thống điện thoại di động hiện nay trong khoảng từ 450 MHz đến 1.800 MHz, sóng vô tuyến này không phải là bức xạ ion hóa như các tia X hoặc tia gamma, không gây ra hiện tượng ion hóa hoặc phóng xạ trong cơ thể.

Trường sóng vô tuyến thâm nhập vào các mô với độ sâu tùy thuộc vào tần số - tới 1 cm tại tần số của sóng thông tin di động. Năng lượng vô tuyến được cơ thể hấp thụ và tạo thành nhiệt, nhưng tiến trình điều hòa nhiệt thông thường của cơ thể sẽ tải nhiệt này đi. Rõ ràng các ảnh hưởng của sóng vô tuyến đến sức khỏe liên quan đến sự sinh nhiệt này, nhưng với mức năng lượng sóng vô tuyến quá thấp thì không thể gây ra sự tăng nhiệt và không có nghiên cứu nào cho thấy có ảnh hưởng có hại cho sức khỏe tại các mức phơi nhiễm dưới các giới hạn theo hướng dẫn của các tổ chức quốc tế” (Kết luận của Tổ chức Y tế thế giới).

Còn tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn số 616/BKHCN-KHCN ngày 20.3.2006 gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Dân, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Sức khỏe là một vấn đề hết sức nhạy cảm nên việc người dân quan tâm đến ảnh hưởng của việc phát sóng các trạm BTS tới sức khỏe ra sao cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, vấn đề là khi chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học được kiểm nghiệm và công nhận về ảnh hưởng của các trạm BTS này đối với sức khỏe con người mà có một bộ phận rất nhỏ người dân vẫn có những lo lắng thì các mạng di động - những đơn vị trực tiếp quản lý các trạm BTS này phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền đến người dân về vấn đề này”. Ông Dân nhận định, nguyên nhân nằm ở vấn đề tâm lý và có thể là những vấn đề khác nữa chứ không phải là vấn đề mang tính khoa học.

Th.S Lê Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.