Từ sân khấu Broadway nghĩ về nhạc kịch Việt

21/11/2008 22:38 GMT+7

Vở nhạc kịch Annie get your gun vừa được công diễn tại rạp Trần Hưng Đạo (TP.HCM) đêm 21.1, và đã bán hết vé cho đến buổi cuối cùng (30.11). Từ sự ăn khách của vở diễn này, nghĩ đến những vấn đề của nhạc kịch Việt Nam.

Những bài học về chuyên môn

Với sự phối hợp giữa Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM và Đoàn hợp xướng quốc tế (gồm những người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam cùng một số nghệ sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới), vở nhạc kịch theo phong cách Broadway Annie get your gun lần đầu tiên được trình diễn ở nước ta trong 5 đêm (21, 22, 23 và 28, 30.11), đã có thời gian dài lưu diễn khắp thế giới.

 
Ông Trần Vương Thạch - Ảnh: Đỗ Tuấn

Broadway dùng ngôn ngữ âm nhạc (jazz, pop, opera rock...) để thể hiện. Thể loại nhạc kịch này hình thành từ sau khi nhóm The Beatles ra đời, được các nghệ sĩ Mỹ, Anh phát triển đến ngày nay. Phó giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM Trần Vương Thạch nhìn nhận, cần xác định để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, hiểu rõ hơn thể loại âm nhạc này, từ đó mới thưởng thức một cách thực sự.

Theo ông Thạch, nhờ sự hợp tác mà nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, các diễn viên múa, hát đã học hỏi được rất nhiều về chuyên môn, đặc biệt là thể hiện trên nền nhạc jazz theo phong cách hàn lâm, không ngẫu hứng. Điểm thứ hai là qua đó, chúng ta học thêm về cách tổ chức, dàn dựng một vở diễn opera với dàn nhạc giao hưởng, có múa, có hát cùng dàn âm thanh, ánh sáng, kỹ năng diễn xuất đạt chuẩn.

Không có cơ hội phát triển

* “Nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới không cho phép ghi hình để chiếu ti vi nhằm đảm bảo doanh thu bán vé. Có nghĩa là khi dàn dựng những vở opera, thời gian biểu diễn ít nhất phải là 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vài mươi năm. Như thế mới đảm bảo đời sống cho nghệ sĩ. Còn chúng ta lại đang lãng phí bao tài năng âm nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng - cổ điển, lẫn ca sĩ hát và diễn viên múa nhạc kịch. Bởi không có đủ doanh thu để tạo vở mới thì làm sao có chuyện phát triển? Và nghệ sĩ của chúng ta buộc phải đi biểu diễn nhà hàng, đám cưới, hội nghị để sống là điều đương nhiên” - Phó giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM Trần Vương Thạch

* “Nhờ mở cửa, chúng ta có cơ hội để tiếp xúc, học hỏi nhiều nền nghệ thuật của thế giới, từ đó có thể chọn lọc, phát triển những gì phù hợp với Việt Nam. Chỉ tiếc là chiến lược phát triển thì hầu như chẳng ai quan tâm nên làm sao có thể có được những vở opera mang tầm khu vực, nói gì đến thế giới?” - diễn viên solist Thảo Dung (tốt nghiệp trường múa Vaganova - Leningrad, Nga 1990)

“Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM từng phối hợp cùng Đoàn hợp xướng quốc tế dàn dựng nhiều vở diễn như Chào Bella, Verdiana... và nay là Annie get your gun nhưng cơ hội để phát triển gần như không có”, ông Thạch nhìn nhận. Nguyên do, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM không có được một địa điểm hay nhà hát riêng để biểu diễn, thể nghiệm những loại hình nghệ thuật mới, chỉ hợp tác thực hiện vài chương trình nhạc kịch, với vài suất diễn rồi... thôi. Điều này thực sự là phí phạm trong dàn dựng và đầu tư. Lẽ ra nó phải thành kinh nghiệm thực thụ làm nền tảng cho sự phát triển thể loại “cũ người mới ta” này.

Chúng ta đang than thở nhiều loại hình nghệ thuật đang bị mai một như cải lương, tuồng chèo..., thậm chí sân khấu ca nhạc cũng đã bão hòa bởi sự khô cứng trong dàn dựng - biểu diễn, nhưng cơ hội để thể nghiệm một hướng đi mới trong nghệ thuật thì hầu như không. Cơ may được tiếp cận với cái mới dẫu có nhưng lại chỉ thực hiện được vài vở diễn rồi rơi vào quên lãng. Vài năm gần đây, có những thay đổi đáng kể trong việc dàn dựng cải lương với hình thức thể hiện mới: phối hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, ca nhạc với nghệ thuật cải lương (Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga, Lan và Điệp)... là điều đáng mừng, nhưng rồi chỉ diễn chừng vài suất cho mỗi vở thì quá lãng phí!

Tìm tòi hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật là khao khát của nghệ sĩ song lại hết sức cần những điều kiện vật chất kèm theo (nhà hát, kinh phí) để thực hiện các thể nghiệm, nhằm tìm ra những gì mà khán giả chờ đợi. Chỉ có sự phát triển đồng bộ nếu có một chiến lược đúng đắn, hợp lý và trúng thời điểm.

Không chỉ nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, mà những lĩnh vực như ca nhạc, thời trang, điện ảnh... cũng có khả năng phát triển nếu có cách phối hợp. Điện ảnh cũng vậy. Bao giờ chúng ta mới có một bộ phim ăn khách kiểu High school musical?

Có cơ hội hội nhập với thế giới, chúng ta cũng cần chắt lọc để tạo ra sản phẩm thuần Việt. Còn với riêng loại hình giao hưởng - nhạc vũ kịch thì ngay cả một nhà hát đúng nghĩa với đầy đủ trang thiết bị cũng chưa thấy đâu!

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.