Những câu hỏi quanh việc thu hồi đất tại Bến Cát (Bình Dương)

19/11/2008 00:39 GMT+7

12 hộ dân trồng cao su tại xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương vừa tiếp tục gửi đơn đến nhiều nơi, trong đó có Tòa hành chính TAND tỉnh Bình Dương để khiếu nại, khiếu kiện việc thu hồi đất của chính quyền địa phương mà theo họ là "không rõ ràng chút nào".

Khu liên hợp 1.350 ha hay Khu công nghiệp 500 ha?

Theo các hộ dân nói trên, vào khoảng giữa năm 2007, trong lúc nghề cao su đang "ăn nên làm ra" thì họ bị yêu cầu phải giao đất để làm Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây (sau đây gọi tắt là Khu liên hợp), tọa lạc trên địa bàn huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lúc đó, thông qua chính quyền huyện Bến Cát, người dân bị thu hồi đất biết được quy mô của Khu liên hợp rộng đến 1.350 ha, do Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương làm chủ đầu tư theo sự chấp thuận của UBND tỉnh Bình Dương. Dù rất "tiếc của tiếc công", các hộ dân vẫn vui vẻ chấp nhận phương án đền bù do UBND Bình Dương định sẵn và nhận tiền đền bù để tìm nơi khác làm ăn.

Đùng một cái, khi việc đốn hạ cao su, dọn mặt bằng mới bắt đầu thì người dân mới biết Khu liên hợp bị làm "chui", vì không có sự chấp thuận của Chính phủ. Bởi theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2015, Chính phủ chỉ cho phép Bình Dương xây dựng Khu công nghiệp An Tây với quy mô 500 ha. Không hề có khu nào là Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây rộng đến 1.350 ha.

Xét thấy việc quy hoạch dự án Khu liên hợp 1.350 ha là thiếu căn cứ, dẫn đến việc áp giá đền bù không có cơ sở, nên nhiều lần sau đó, các hộ dân đã gửi đơn yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương giải thích về thực trạng pháp lý của Khu liên hợp 1350 ha, cũng như giải thích cơ sở để thu hồi đất, áp giá đền bù trong dự án này. Tuy nhiên, trong lúc chưa nhận được bất cứ lời giải đáp nào thỏa đáng, thì người dân lại bị yêu cầu phải gấp rút giao đất để xây dựng... Khu công nghiệp An Tây. Ngay trong ngày 23.7.2008, trong lúc Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng Khu liên hợp ra thông báo việc giải tỏa mặt bằng bàn giao đất cho chủ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp An Tây thì UBND huyện Bến Cát ra quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến lúc này nhiều người dân không biết chuyện gì đang xảy ra. Tại sao ban đầu thì "giải tỏa, áp giá đền bù lấy đất làm Khu liên hợp 1.350 ha", bây giờ lại là "Khu công nghiệp 500 ha" mà không một lời giải thích cho dân? Tại sao quy mô dự án từ 1.350 ha xuống còn 500 ha mà vẫn kiên quyết thu hồi đất một cách tràn lan? Tại sao vẫn tồn tại Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng cho Khu liên hợp trong khi dự án đang thực hiện là Khu công nghiệp? Tại sao hội đồng của Khu liên hợp lại ra thông báo giải tỏa lấy đất cho Khu công nghiệp...?
Mặc dù còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải thích trong suốt thời gian dài như vậy nhưng vào ngày 4.11.2008, UBND huyện Bến Cát vẫn ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất cho đơn vị thi công triển khai các hạng mục công trình Khu công nghiệp An Tây. Điều này đã gây nhiều bức xúc và ức chế cho các hộ dân, dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện tiếp tục và kéo dài.

Thu hồi đất để làm gì?

Ban đầu, trong tờ trình xin chủ trương và phương án đầu tư dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây, Tổng giám đốc Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương cho biết, trong số 1.350 ha phải quy hoạch thì đất của công ty sẵn có là 510 ha. Như vậy diện tích đất phải thu hồi trong dân là 840 ha.
(Xin nhắc lại, việc UBND tỉnh Bình Dương đề nghị và được Chính phủ đồng ý chủ trương cho quy hoạch dự án Khu công nghiệp An Tây với quy mô 500 ha là đất trong quỹ đất sẵn có của Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương chứ không phải thu hồi trong dân).

Và khi tiếp nhận đề nghị làm dự án Khu liên hợp, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cũng lưu ý rằng với quy mô 1.350 ha thì diện tích cao su tư nhân phải bồi thường, giải tỏa khá lớn. Mặt khác, việc chuyển đất trồng cao su sang công nghiệp phải được Chính phủ đồng ý. Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh do trước đây khi quy hoạch, Bình Dương chưa xác định có dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây, nên nay UBND tỉnh Bình Dương phải tiến hành làm thủ tục trình Chính phủ chấp thuận cho chủ trương quy hoạch dự án này.
Tuy nhiên, trong lúc chưa được Chính phủ cho phép quy hoạch Khu liên hợp 1.350 ha, các cơ quan chức năng Bình Dương vẫn tiến hành thu hồi đất, Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương vẫn chi bồi thường ào ạt với tổng số tiền đã chi gần 600 tỉ đồng cho gần 600 ha. Như vậy, nếu cộng với hơn 500 ha đất của mình, tổng diện tích đất phục vụ cho chủ đầu tư lúc này đã hơn 1.000 ha.

Đáng nói thêm, theo quy hoạch của chủ đầu tư, việc xây dựng Khu liên hợp 1.350 ha được chia thành 2 giai đoạn.  Trong 900 ha đưa vào giai đoạn 1 của dự án thì có một sân golf rộng đến 150 ha. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án với diện tích 450 ha thì chưa rõ sẽ làm gì.

Thu hồi đất để sửa sai?

Ở một góc độ khác, thay vì xây dựng Khu công nghiệp An Tây 500 ha trên phần đất sẵn có theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương và được Chính phủ cho phép, Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương lại đẩy dự án này sang phần đất hơn 650 ha thu hồi trong dân. Điều này khiến dư luận đặt vấn đề rằng việc thu hồi đất làm Khu công nghiệp thực chất là để "cắt đuôi" việc làm sai trước đây của các cơ quan chức năng Bình Dương.

Theo đó, phần đất hơn 650 ha thu hồi này nguyên trước đây do Công ty chế biến cây công - nông nghiệp xuất khẩu Bình Dương (còn gọi là Công ty Sobexco) quản lý để trồng cây cao su. Tuy nhiên, vào giai đoạn 2000 - 2002, do làm ăn thua lỗ nên Sobexco được phép thanh lý vườn cây cao su để giải thể. Thay vì chỉ được phép bán tài sản trên đất thì Sobexco chuyển nhượng luôn quyền sử dụng đất và UBND huyện Bến Cát đã giao đất và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người mua thanh lý cao su (mua trực tiếp hoặc thông qua đấu giá). Trong số người mua đấu giá có nhiều người vì ngay tình, tin tưởng việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp, nên đã đầu tư vốn để phát triển rừng cao su, một số người sau khi đầu tư đã chuyển nhượng lại cho người khác.

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng kết luận việc "Sobexco chuyển quyền sử dụng đất, UBND huyện Bến Cát cấp chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với các quy định của pháp luật về quản lý đất đai". Tuy nhiên thay vì chỉ đạo thu hồi các giấy chứng nhận cấp sai theo kết luận thanh tra, Bình Dương lại để Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương chi hàng trăm tỉ đồng đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng Khu liên hợp. Các quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Bến Cát sau đó không đả động gì đến chuyện làm sai trước đây mà chỉ nói là lấy đất phục vụ Khu liên hợp, sau này là Khu công nghiệp.

Vụ việc đến đây càng trở nên "mù mờ và phức tạp", nhiều người dân từ chỗ ngay tình trở thành nạn nhân. Không chỉ bị thu hồi đất với bao công sức đã đầu tư trên đó, nhiều nguồn tin còn cho biết tới đây Bình Dương sẽ cho thu hồi lại tất cả số tiền đã bồi thường trên phần đất mà Công ty Sobexco bán đấu giá trước đây, trong đó có 12 hộ dân trồng cao su đang khiếu kiện nói trên. Nếu điều này xảy ra thì những người ngay tình mua đấu giá cao su còn lại được gì? 

Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.