Truy tìm kho bãi lãng phí

16/11/2008 22:10 GMT+7

Trong khi nhiều doanh nghiệp tìm “đỏ mắt” cũng không ra được mặt bằng để sản xuất, kinh doanh; địa phương thiếu đất xây nhà tái định cư, trường học... thì không ít đơn vị được giao quản lý những mặt bằng, kho bãi rộng lớn lại không sử dụng hoặc sử dụng không hết nên bỏ hoang.

“Cánh đồng hoang”  giữa thành phố

Vừa rà xe ở đầu hẻm số 5 Hồ Học Lãm (P.16, Q.8), chúng tôi đã nhìn thấy rõ một khoảng đất rộng. Theo danh sách kho bãi bị bỏ trống của UBND Q.8 gửi UBND TP.HCM ngày 7.10.2008, thì khu đất này do Công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec (Bộ Công thương) quản lý, sử dụng. Toàn bộ khu đất rộng gần 20.000m2, trông như một cánh đồng hoang chìm trong biển nước.

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 8, TP.HCM đã có khoảng 10 mặt bằng, kho bãi với diện tích hơn 100.000m2 bị bỏ hoang...

Tiến đến sát tường rào, một cảnh tượng hoang phế bày ra trước mắt chúng tôi, những dãy nhà kho, nhà làm việc cửa đóng im ỉm, cũng ngập đầy nước và cỏ dại. Vừa bước chân đến sát tường rào, chúng tôi lọt ngay xuống biển nước, ngập qua đầu gối. Bỗng chúng tôi nghe giọng một người phụ nữ phía sau lưng la lên: “Đừng vào trong nước ngập dữ lắm! Bên trong có chỗ ngập đến... vai anh luôn đó!”. Hỏi ra mới hay, chị tên là L. nhà ở gần kho này. Nghe chúng tôi hỏi về lai lịch “cánh đồng hoang” Petec, chị L. kể: “Trước đây là kho của dầu khí, sau đó cho một đơn vị thuê chứa bột đá. Nhưng kể từ khi bị nước tràn vào ngập dữ quá, dù kê mười mấy tấm pa-let cũng không chịu nổi, nên bên thuê đành phải rút đi và kho bỏ trống từ nhiều năm qua”, chị L. nói. 

Tương tự, dãy nhà kho số 363 Bến Bình Đông (P.13, Q.8), có diện tích hơn 2.650m2, do Tổng công ty lương thực miền Nam quản lý, cũng đang bị bỏ phế. Một nhà kho khác (số 281 Bến Bình Đông, P.11, Q.8) cũng do Công ty lương thực TP.HCM (Tổng công ty lương thực miền Nam) quản lý, rộng hơn 600m2  đang trơ gan cùng mưa nắng và trở thành điểm đổ rác của các hộ dân lân cận. Mặc dù, UBND Q.8 đã kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi khu đất này để xây dựng trường Tiểu học Lý Thái Tổ, nhưng đến nay, dự án vẫn còn trên giấy! 

Đau xót nhất có lẽ là nhà kho 30 Nguyễn Văn Của, do Công ty cổ phần bột giặt Net quản lý. Ngoài một phần cho thuê, phần còn lại là căn nhà phố 3 tầng lầu đang bị bỏ mặc trong suốt thời gian dài, gây lãng phí. Trong khi đó, theo người dân xung quanh, nhà, đất ở đây có giá trên dưới 40 triệu đồng/m2...

Chỉ tính riêng trên địa bàn Q.8, cơ quan chức năng thống kê có khoảng 10 mặt bằng, kho bãi, với diện tích lên đến hơn 100.000m2 bị bỏ trống từ nhiều năm qua, mà người dân địa phương thường gọi vui là những “cánh đồng hoang”. Hầu hết những kho bãi này đều do các đơn vị Trung ương quản lý, do chưa có kế hoạch sử dụng nên chưa “rờ” tới, cứ ôm khư khư để chờ thời. 

Cho thuê bừa bãi

Nằm ở mặt tiền Bến Bình Đông, trước mặt là kênh Tàu Hủ, bên kia bờ phía Q.5, Đại lộ Đông - Tây đang dần hiện lên, dãy nhà kho liền kề số 627 – 629 - 641 có vị trí đắc địa. Hai kho 627 – 629 Bến Bình Đông có diện tích 1.441m2 do một công ty bách hóa của TP.HCM quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, người dân địa phương chỉ biết đến 2 dãy kho trên là của Cơ sở chế biến trứng gia cầm Châu Thục Ái và Công ty TNHH in Hiệp Hưng. Thê thảm nhất là kho 641 (diện tích hơn 4.700m2) do Tổng công ty lương thực miền Nam quản lý, phần bỏ trống do mái nhà bị xuống cấp như chực đổ xuống bất cứ lúc nào, phần còn lại đã bị “biến” thành vựa thu mua sắt, phế liệu từ nhiều năm qua. Một kho bãi khác do Công ty Nông thổ sản II (Bộ Công thương) quản lý nằm tại số 275 Bến Bình Đông cũng bị đem cho thuê làm văn phòng và kho chứa hàng. 

Nằm ở góc giao lộ Nguyễn Văn Của – Bến Bình Đông, kho 557 trông giống như một căn biệt thự rộng lớn (diện tích 1.881m2) nhìn thẳng ra kênh Tàu Hủ. Với vị trí như vậy, kho 557 được xem là miếng đất “vàng”. Kho này do Trung tâm thương mại Sài Gòn, thuộc Công ty lương thực thành phố (Tổng công ty lương thực miền Nam) quản lý sử dụng. Dù mặt tiền kho 557 luôn cửa đóng im ỉm, song anh T., cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.8, cho biết: Qua 2 đợt kiểm tra trong năm 2007, cơ quan chức năng phát hiện một phần diện tích kho được cho thuê làm xưởng lắp ráp xe đạp. “Riêng phần còn lại do mái che bị xuống cấp nặng, nên bị bỏ trống từ nhiều năm qua. Mỗi khi vào kiểm tra các thành viên trong đoàn ai nhìn cũng thấy xót”, anh T. nói. Một người dân ở đây vừa chép miệng tiếc cho số phận của khu đất, vừa nhẩm tính: “Nếu tính giá nhà, đất ở thời điểm hiện nay, với hơn 30 triệu đồng/m2 thì khu đất này không dưới 50 tỉ đồng”. 

Đất công biến thành nhà ở 

Ngoài đem cho thuê, một số kho bãi khác còn bị các đơn vị quản lý chiếm dụng, cải tạo và bố trí cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) làm nhà ở. Đó là tình cảnh bi đát của kho 481 Bến Ba Đình (P.9, Q.8), có tổng diện tích lên tới 12.330m2. Trước đây, kho 481 do Công ty Kho bãi (thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn) quản lý và cho Công ty cổ phần hóa chất – vật liệu điện thuê để sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng “giật mình” khi phát hiện trong quá trình sử dụng, đơn vị thuê kho đã tự ý “bốc” ra hơn 2.000m2 (tính tròn), để phân nền nhà ở và bố trí cho 24 hộ. 

Tương tự, tại kho 15 Lương Ngọc Quyến (P.13, Q.8), cơ quan chức năng nhận thấy, trong khu đất rộng hơn 1.200m2, ngoài một phần đang được sử dụng làm cơ sở sản xuất than đá, một phần làm xưởng in, còn có 5 hộ dân đang sinh sống. Các hộ dân này do Công ty vật tư khoa học kỹ thuật – Chi nhánh TP.HCM (thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) bố trí nhà ở theo tiêu chuẩn nhà cho CBCNV. Trong số 5 hộ trên, có một hộ sau khi được mua nhà theo Nghị định 61, nay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (!). 

Vừa qua khỏi cầu Kênh Ngang 2 (P.15, Q.8), chúng tôi không còn nhận ra mặt bằng 338 Bình Đông (góc Lương Văn Can), bởi dãy mặt tiền nhà kho hiện đã biến thành dãy nhà liên kế được đánh số 338A, 338B, 338C.... Trong đó, ngoài căn chính đóng chặt cửa, 4 căn còn lại bán tạp hóa, quần áo. Tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân cho biết, những căn nhà “mọc” từ kho này đã có từ nhiều năm qua. Ban đầu, họ chỉ ngăn lại, trổ cửa buôn bán, dần dần đặt thêm số nhà và hình thành nên căn nhà. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.8, đơn vị chủ quản kho 338 (Công ty cổ phần ong mật TP.HCM) báo cáo, tại đây đang có 12 hộ CBCNV của công ty đang ở. Tuy nhiên, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.8, khẳng định: Một số hộ đã bán lại cho người ngoài vào ở! 

Thu hồi kho bãi, nỗi khổ trần ai !


Những khu nhà kho nay đang được cho thuê lại hoặc bố trí làm nhà để ở - ảnh: Minh Nam

Hiện nay, ngoài một số ít kho bãi đã được đơn vị giao trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích công cộng, điển hình như Công ty cổ phần bách hóa điện máy Sài Gòn (giao khu nhà tập thể số 503 Bến Bình Đông cho Q.8 sử dụng), thì vẫn còn nhiều đơn vị được giao quản lý, sử dụng hoặc thuê lại vẫn chây lì, bất chấp sự can thiệp của các cơ quan chức năng, thậm chí cả UBND TP.HCM.

Trong số đó, phải kể đến mặt bằng khu II (diện tích khoảng 12.330m2) nằm ở vị trí khá đẹp ven Bến Ba Đình, P.9, Q.8, do Công ty cổ phần hóa chất – vật liệu điện thuê lại của Công ty kho bãi TP.HCM. Ngày 21.6.2007, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đã ký quyết định (số 2697) thu hồi toàn bộ khu đất trên giao cho UBND Q.8 lập dự án đầu tư xây dựng trường học.

Dù vậy, việc lấy lại kho không hề đơn giản, khi Công ty cổ phần hóa chất – vật liệu tỏ ra thiếu hợp tác, cản trở việc khảo sát, đo vẽ hiện trạng khu đất... Trước sự chây lì của bên thuê, Công ty kho bãi TP.HCM đã nộp đơn đến Tòa án Nhân dân Q.8, kiện đòi lại kho Bến Ba Đình. Vụ việc dùng dằng hơn một năm, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, ngày 26.9.2008, Sở Xây dựng thành phố đã thống nhất kiến nghị UBND TP cho cưỡng chế, thu hồi toàn bộ diện tích khu đất trên, trong đó có việc cưỡng chế, thu hồi 2.036m2 hiện do 24 hộ dân làm nhà ở.

Tương tự, việc thu hồi kho số 338 Dương Bá Trạc (P.1, Q.8) cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Ngày 28.5.2007, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định số 2335 thu hồi khu đất diện tích 4.751m2 tại số 338 Dương Bá Trạc của Công ty cổ phần điện máy TP.HCM (là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương), để làm trường học, do đơn vị sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần điện máy TP.HCM luôn lấy lý do “đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả” để dùng dằng việc bàn giao khu đất trên.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.