Nửa thế kỷ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”

18/11/2008 08:32 GMT+7

(TNO) “Lành mạnh, thanh cao, vị tha và ái quốc”, ông Thiếu Sơn nói không sai một tấc một ly nào cả, khi giới thiệu thơ Kiên Giang. Nhà thơ Kiên Giang tuyệt nhiên "không cầu kỳ, không giả tạo” mà đạt tới chỗ sâu thẳm nhất trong linh hồn mọi người, một cách thuần nhiên…". >> Nghe Hoa trắng thôi cài trên áo tím qua giọng ngâm của NSƯT Hồng Vân >> Xem video clip

"Quê hương thơ ấu của Kiên Giang sẽ nằm trong nước Việt như Kinh Thư nằm trong nước Tàu. Một quê hương bình dị thiết tha và hình như chúng ta đang đánh mất. Chỉ kêu gọi về trong những trận chiêm bao".

Đó là những gì cố thi sĩ Bùi Giáng nhận xét về nhà thơ Kiên Giang trong quyển Đi vào cõi thơ của mình. Có lẽ, đó cũng là những gì tạo nên tình yêu trong hồn thơ của một thi nhân Nam bộ. Sự lãng mạn và thanh khiết đã làm nên sức sống 50 năm cho một chuyện tình, một bài thơ còn vang vọng mang tên Hoa trắng thôi cài trên áo tím.

Trong không gian nhỏ nhắn, ấm cúng của phòng trà Văn Nghệ, một lần nữa khán giả được thả hồn vào những bản tình ca trữ tình, vào những vần thơ trầm lắng với đêm nhạc mang tên Thơ và nhạc mà nhân vật chính không ai khác là nhà thơ Kiên Giang.

Nhà thơ quê gốc Kiên Giang này tên thật là Trương Khương Trinh, năm nay đã bước qua tuổi 79. Suốt một đời thi sĩ, giọng thơ đậm chất miền đồng bằng của ông để lại cho văn học trữ tình một gia sản không nhỏ. Thơ ông hồn hậu chất ca dao, phảng phất ý tình và tính cách của con người miền sông nước.

Nói về điều này, nhà văn Nam Cao từng lý giải rằng: "Vốn liếng về từ ngữ duy nhất của Kiên Giang là ca dao được mẹ dạy cho từ thuở ấu thơ. Nhưng vốn quan trọng hơn vẫn là cái tâm, lòng yêu nước, muốn giới thiệu tâm hồn người dân nghèo xóm mình với cả nước để cùng chia sẻ buồn vui". Chính vì thế mà dường như đọc những câu thơ của ông như:

“Ong bầu đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn"

Hay:

"Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương”

người ta luôn cảm giác được một sự quen thuộc lạ kỳ mà tưởng lầm rằng đó là một câu ca Nam bộ vậy.

Với bút danh Hà Huy Hạ, Kiên Giang cũng là soạn giả của những vở cải lương vang danh một thời như: Áo cưới trước cổng chùa hay Người vợ không bao giờ cưới.

Bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của Kiên Giang sáng tác năm 1958 là những hoài niệm đẹp về một mối tình học trò trong bối cảnh chiến tranh. Sau đó, bài thơ được chắp cánh và lan nhanh khi nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Sống nửa thế kỷ, Hoa trắng thôi cài trên áo tím để lại những kỷ niệm trinh nguyên của tuổi học trò và vẫn còn sâu đậm trong lòng thi sĩ.

Ông đã tâm sự về tình yêu của đời mình, mối tình gửi vào thơ hơn nửa thế kỷ một cách chân tình nhất: "Cô là cô bạn gái học chung lớp, rất hiền và dễ thương, thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học, tôi lẽo đẽo theo sau cô đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Tuy cả hai bên đều có tình cảm nhưng chẳng ai dám nói cả, không dám cả nắm tay và nhìn thẳng vào mắt nhau, cho đến khi tôi có vợ và cô có chồng... Đến giờ, con cái của tôi và của cả cô ấy đều biết câu chuyện tình này và chúng tôi quý trọng mối tình trong trắng và thanh khiết ấy".

Người đứng tuổi đến nghe bài thơ để hoài niệm về một thời tình tứ đã qua, để đồng cảm với tình yêu thời trẻ của mình. Người trẻ tuổi đến đây để cảm về những mối tình của mấy chục năm trước, của nửa thế kỷ trước. Mà theo bạn Đoan Trang thì mặc dù bài thơ cách tuổi mình cả mấy thập niên nhưng nó vẫn gợi lên trong những bạn trẻ sự ngưỡng mộ về một tâm tình sâu sắc, một câu chuyện tình trong sáng và lãng mạn, những chuyện tình mà có lẽ bất cứ người nào qua thời tuổi trẻ cũng không thể nào quên.

Cũng là tình yêu ấy, nhưng tình yêu thời trước nó khác tình yêu bây giờ, khác về cách thể hiện, tâm tư. Nhưng sự lãng mạn thì chẳng thua gì, tình yêu lúc nào cũng thế!

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.