Nguy cơ tái nghiện cao

16/11/2008 09:34 GMT+7

Có địa phương cử hai cán bộ phải kèm một người nghiện sau cai, nhưng thực tế có nơi một cán bộ phải kèm đến hàng chục người nghiện. Đó là chưa kể nhiều cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm khiến việc quản lý người sau cai nghiện chưa đạt hiệu quả.

Bức xúc của đa số người dân ở nhiều nơi là tình trạng hút chích, mua bán ma túy, cướp giật xuất hiện trở lại dường như nhiều hơn trước đây. Một trong những quận của TP.HCM có nhiều tụ điểm hút chích và mua bán ma túy là quận 8 với hàng chục “điểm nóng”. Anh T., một người dân ở P.2, Q.8, bức xúc: “Có em còn rất trẻ, lúc lên cơn nghiện thấy nhà tôi thắp đèn sáng ngoài sân bèn nhào vào chích ma túy và phê trước cửa nhà. Dạo này tôi không dám cho con ra hiên nhà chơi. Hễ vợ chồng con cái về đến nhà là phải đóng cửa”.

Không chỉ hoang mang, sợ bị người nghiện “đói hàng” cướp giật, nhiều người có con nhỏ ở đường Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy, Tạ Quang Bửu, Bến Bình Đông, Bùi Huy Ích (khu vực cầu số 1, cầu số 2, quận 8) còn hoảng hốt khi thấy các con nghiện dứ dứ kim tiêm đe dọa mọi người sau khi “chơi hàng”. Cứ sau mỗi cữ chích hút, các con nghiện lại lững thững đi rất…vô tư.

Số điểm mua bán, hút chích ma túy gia tăng

Sau một thời gian yên ắng, khu vực công viên 23-9 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) lại là “điểm nóng” về hút chích và mua bán lẻ ma túy. Khu vực xóm Chùa (P.Cầu Kho, Q.1) vừa là tụ điểm mua bán ma túy lâu năm, vừa là nơi các con nghiện lén lút tập trung hút chích. Quận 3 trước đây ít có điểm hút chích thì gần đây nổi lên tệ nạn này ở đường Ngô Thời Nhiệm, khu vực hẻm 618 Cách Mạng Tháng 8, P.11. Tại Q.Gò Vấp, những tụ điểm hút chích và mua bán tồn tại nhiều năm qua, chưa có dấu hiệu thay đổi như khu căn cứ 26 thuộc ba phường 6, 7, 17, gần đây các con nghiện lập tụ điểm mới tại khu vực cầu Đen là nơi giáp ranh giữa hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh.

* Sau năm năm thực hiện thí điểm đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy” (từ tháng 6-2003 đến 8-2008) với kinh phí đầu tư 1.222 tỉ đồng, TP.HCM đạt kết quả: trong hơn 30.000 người được đưa vào cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, đã giải quyết hơn 15.400 người trở về địa phương, trong số đó có hơn 12.700 người tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên có 1.150 người trong số này tái nghiện, tỉ lệ là 12,14%.

* TP.HCM có 20 trung tâm cai nghiện, giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm với khoảng 1.600 cán bộ. Số cán bộ này phải phụ trách, chăm sóc hơn 30.000 người cai nghiện.

Theo Ủy ban MTTQ TP, tại Q.Bình Thạnh, số người tái nghiện và tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn quận ngày càng gia tăng. Số người sử dụng ma túy tăng gấp ba, số người mua bán ma túy tăng gấp đôi, như ở khu vực cầu Ba Lai, dốc cầu Thủ Thiêm… Tương tự, một số quận như 12, Thủ Đức xuất hiện nhiều điểm chích ma túy mới như khu vực cầu vượt ngã tư An Sương, khu tịnh xá ở đường 8, P.Trường Thọ… Khảo sát mới đây của Ủy ban MTTQ TP cho thấy tỉ lệ tái nghiện trên địa bàn P.14, Q.8 là 18,3% và tình trạng mua bán, sử dụng ma túy còn diễn biến phức tạp.

Số liệu báo cáo của UBND TP cho thấy trong 12.700 người tái hòa nhập cộng đồng tại TP, số người tái nghiện lên đến 1.150 người (chiếm 12,14%). Riêng năm 2007 và chín tháng đầu năm nay, tỉ lệ tái nghiện lên đến 19,7% trong tổng số người được đưa vào các cơ sở chữa bệnh. Những trường hợp này không qua thời gian dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện theo nghị quyết 16 của Quốc hội (vì nghị quyết này đã hết hiệu lực từ ngày 1-8-2008).

Địa phương quản lý được không?

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy có hiệu lực từ 1-1-2009 quy định chính quyền phường, xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đồng thời tổ chức quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Trong khi đó, chính quyền nhiều phường ở TP thừa nhận với tình hình thiếu người, công việc quá tải như hiện nay, chính quyền khó có thể quản lý nổi số người tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương nên chưa thể nói đến việc tổ chức tốt cai nghiện ma túy tại cộng đồng cũng như quản lý sau cai nghiện.

Tại những phường “trọng điểm” về ma túy trên địa bàn TP, chúng tôi đều nghe nhiều tiếng thở dài của các cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội. “Địa bàn phường khá phức tạp vì giáp ranh với những phường trọng điểm ma túy như P.14, P.12 và Q.5 nên nguy cơ tái nghiện rất cao” - ông Đào Xuân Vũ, cán bộ phụ trách tệ nạn xã hội P.13, Q.8, nói. Ông Vũ cho biết phường có 178 đối tượng đi cai nghiện và đang quản lý 22 người hồi gia. Còn ông Lê Tấn Thành, chủ tịch UBND phường, âu lo: “UBND Q.8 vừa chỉ đạo mỗi phường phải cử hai cán bộ đoàn thể kèm một đối tượng. Nhưng người thì thiếu, phường thì quá tải công việc”.

Theo ông Thành, việc quản lý người hồi gia tại địa phương chủ yếu do công an đảm nhiệm nhưng hiện lực lượng công an phường còn thiếu đến ba người. Ông Nguyễn Ngọc Giang, chủ tịch UBND P.14, Q.8, cho rằng mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng khó đạt hiệu quả khi môi trường còn nhiều trường hợp buôn bán ma túy.  Sau ba năm tham gia tổ cán sự tình nguyện P.Cầu Kho, Q.1, bà Nguyễn Thị Rin băn khoăn: “Với 110 người nghiện hồi gia hiện nay, chúng tôi làm không xuể”. Hiện nay, đa số cán sự tình nguyện là cán bộ kiêm nhiệm, hoặc có công ăn việc làm riêng nên thời gian dành cho việc tiếp cận, tư vấn người nghiện sau cai khá hạn hẹp.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Nguyễn Văn Minh cho biết sở đang tổ chức tập trung đào tạo nghề trong sáu tháng cho các trường hợp không thuộc nhóm có nguy cơ tái nghiện cao đã chấp hành cai nghiện được 18 tháng.

Để quản lý người sau cai nghiện hiệu quả, từ giữa tháng 9-2008, sở tổ chức cho các trường, trung tâm phân loại học viên theo hoàn cảnh, trình độ học vấn, tình trạng nghề nghiệp, tính chất nghiện... nhằm bố trí khu chức năng quản lý theo từng nhóm đối tượng. Đồng thời sở phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên có kế hoạch dạy văn hóa và dạy nghề phù hợp cho người sau cai nghiện. Tuy nhiên, theo ông Minh, điều quan trọng là phải ngăn tối đa dòng người nghiện mới thay vì phải giải quyết hậu quả. Đưa vào trường, trung tâm giáo dục chỉ là giải pháp sau cùng.

* Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM Nguyễn Ngọc Thạch:

Đưa chương trình phòng chống ma túy vào học đường

Giải pháp đầu tiên là phải phòng chống ma túy từ trong học đường vì đại đa số lứa tuổi nghiện là học sinh, sinh viên. Chúng tôi đã tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH ký với Sở GD-ĐT đưa chương trình tuyên truyền, phòng chống ma túy trong học đường vào chương trình dạy chính khóa ở cấp II và cấp III, lồng qua bộ môn giáo dục công dân. Mặt khác đề xuất chương trình “Toàn dân giúp đỡ người sau cai nghiện” và người đang nghiện trị bệnh tại gia đình và cộng đồng từ 1-1-2009.

* Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Q.1 Đoàn Thị Thủy Tiên:

Nên phân loại hoàn cảnh người nghiện

Nên cân đối lại nguồn kinh phí, trước kia dồn cho các trung tâm cai nghiện, bây giờ dồn về địa phương để tiếp tục phòng chống ma túy tại địa phương. Dễ tái nghiện nhất là người nhiễm HIV/AIDS và đây là đối tượng phần lớn gia đình không nhận lại con em mình. Vì vậy các trung tâm nên phân loại, tìm hiểu hoàn cảnh của người bị nhiễm HIV/AIDS để giữ lại trung tâm hoặc Bệnh viện Nhân Ái. Không nên nặng về thủ tục mà phải có sự liên thông giữa bệnh viện - trung tâm cai nghiện - gia đình - chính quyền địa phương. Ngân sách TP.HCM nên điều tiết cho Bệnh viện Nhân Ái lo cho những đối tượng này.

* Giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy Đặng Thành Vân:

Gia đình là điểm tựa quan trọng

Đã 26 năm làm công tác này, theo tôi, điều quan trọng nhất là tập trung ngăn chặn phát sinh người nghiện mới cũng như sự lây lan nghiện. Dù các ngành chức năng có giúp đỡ bằng mọi hình thức thì tự bản thân người nghiện cũng phải giải quyết “vấn đề” của mình vì nhiều việc xã hội không thể làm thay. Ngoài ra cai nghiện ở đâu, cỡ nào các em đều phải quay về gia đình, do đó gia đình và địa phương là nơi quan trọng hàng đầu.

Võ Hương - Trung Cường / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.