Những căng thẳng trong doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

11/11/2008 01:03 GMT+7

Chiều 10.11, hơn 100 đại biểu đại diện cho Công đoàn VN và các nhà đầu tư Hàn Quốc tại VN tham dự cuộc đối thoại trực tiếp tại Hà Nội, do Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) VN phối hợp với Phòng Công nghiệp - Thương mại Hàn Quốc tại VN (KORCHAM) tổ chức.

Chủ nợ lương, nợ BHXH... và bỏ trốn

Mục đích của cuộc gặp này nhằm giúp người lao động VN và các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong bối cảnh các vụ tranh chấp lao động xảy ra tại các công ty Hàn Quốc ở VN có chiều hướng gia tăng.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ VN, tình hình quan hệ lao động trong các DN Hàn Quốc tại VN đang còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số vụ tranh chấp lao động đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại VN trong 13 năm qua, với 437 vụ (sau Đài Loan 566 vụ), tập trung chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Các vi phạm của DN Hàn Quốc xảy ra ở hầu hết các chế định của pháp luật lao động, trong đó tập trung vào các vấn đề: không xây dựng thang bảng lương, nợ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động, tự ý kéo dài thời gian thử việc, trả lương không tương xứng với công sức người lao động bỏ ra; tổ chức tăng ca, làm thêm giờ trái quy định của pháp luật; sa thải lao động không có lý do chính đáng; áp dụng chế độ quản lý tùy tiện, hà khắc....

Tính đến ngày 30.9.2008, trên địa bàn TP.HCM có 87/254 DN Hàn Quốc nợ BHXH với số tiền lên tới gần 42 tỉ đồng; một số DN còn nợ lương, thưởng của người lao động trong khi chủ DN bỏ trốn về nước, đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến đình công kéo dài.

Ông Mai Đức Chính cũng cho biết, rất ít DN Hàn Quốc hợp tác với tổ chức Công đoàn các cấp để giải quyết vướng mắc; nhiều DN thậm chí còn có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động của Công đoàn, khiến việc giải quyết các vụ tranh chấp lao động ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, vị đại diện TLĐLĐ VN đề nghị, các công ty Hàn Quốc một khi thực sự muốn làm ăn lâu dài tại VN thì cần phải chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, hợp tác hơn nữa với tổ chức Công đoàn, hai bên cần thường xuyên gặp gỡ, đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

"Điều đáng tiếc và bất khả kháng"

Tại cuộc đối thoại, đại diện phía Hàn Quốc bày tỏ tán thành chủ trương tăng cường đối thoại của TLĐLĐ VN, nhưng chưa nêu những biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tranh chấp lao động đang xảy ra tại các DN Hàn Quốc.
Trao đổi riêng với PV Thanh Niên, ông Hong Sun, Ủy viên Ban chấp hành KORCHAM, cho rằng đại bộ phận hội viên của KORCHAM tại VN là những doanh nghiệp đàng hoàng, chấp hành tốt các quy định về kinh doanh và sử dụng lao động theo pháp luật VN. "Tuy nhiên, bất cứ xã hội nào cũng có những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật nên việc một số DN vừa và nhỏ của Hàn Quốc làm ăn tiêu cực ở VN là điều đáng tiếc và bất khả kháng đối với chúng tôi", ông Hong Sun nói.

Ông Hong Sun cũng cho rằng, hầu hết DN của Hàn Quốc đều trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước VN, chỉ có một số ít DN vừa và nhỏ vi phạm, do không nắm được quy định mới của Chính phủ, một phần do hệ thống luật, thông tư và các quy định của VN thường xuyên thay đổi nên các doanh nghiệp Hàn Quốc nắm bắt được cũng rất khó khăn. "Việc khắc phục tình trạng mức lương trả cho người lao động thấp là rất khó khăn, phải tùy theo tình hình cụ thể của từng công ty. Đối với một số công ty sử dụng nhiều lao động như: may mặc, sản xuất giày dép, túi xách... thì phần lương trả cho người lao động chiếm tỷ lệ rất cao trong giá bán. Nếu DN tăng lương tối thiểu thêm một chút thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến xuất khẩu của họ. Các DN Hàn Quốc sang đầu tư VN là vì nhân công rẻ hơn ở nước khác", ông Hong Sun nói.

Ông Hong Sun cho rằng, các DN Hàn Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. "Lúc này, hai bên cần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua cuộc khó khăn này. Sau khi đã vượt qua tình trạng khó khăn, chắc chắn các DN Hàn Quốc sẽ bù đắp lại cho người lao động VN", ông Hong Sun đề nghị.

 

Công nhân Công ty Vina Haeng Woon bao vây công ty để đòi lương - Ảnh: B.Thiên

Cũng trong chiều qua 10.11, tại TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH có buổi làm việc với 9 công ty TNHH vốn Hàn Quốc đóng trên địa bàn, gồm: Đại Sáng Vina, Mido, Quang Sung Vina, Sunrising Kim Vina, giày Anjin,  Vina Haeng Woon, Kwangnam, Lucky và Dae Yun Việt Nam. Đây là những công ty đang nợ lương công nhân, nợ BHXH, thường xảy ra tranh chấp lao động hoặc đã ngưng hoạt động. Tới dự buổi làm việc còn có Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, LĐLĐ TP, cơ quan BHXH và các sở, ban ngành liên quan. Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến thời điểm này, hầu hết những công ty trên đang nợ tiền BHXH, trong đó nhiều nhất là Công ty Kwangnam (Q.Phú Nhuận) nợ trên 7 tỉ đồng, Công ty giày Anjin (Bình Tân) nợ 6,5 tỉ đồng. Công ty Kwangnam đã bị TAND Q.Phú Nhuận tuyên buộc phải trả hơn 7 tỉ đồng tiền nợ BHXH, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và giám đốc công ty đã rời khỏi VN. Còn Công ty giày Anjin hiện đứng trước nguy cơ phá sản, vì ngoài số nợ BHXH 6,5 tỉ đồng, còn nợ ngân hàng 20 tỉ đồng, nợ tiền trợ cấp thôi việc của công nhân trên 400 triệu đồng, nợ tiền thai sản trên 553 triệu đồng và nợ tiền thuê mặt bằng 1,3 tỉ đồng.

Bảo Thiên

Lê Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.