Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII: Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp

11/11/2008 00:16 GMT+7

Hôm nay 11.11, QH bắt đầu nội dung chất vấn và nghe trả lời chất vấn. Dự kiến sẽ có 7 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia trả lời chất vấn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau khi các bộ trưởng kết thúc phần trả lời chất vấn, ngày 13.11, Thủ tướng sẽ có báo cáo thêm và trả lời chất vấn trực tiếp của ĐBQH.

Cho đến hôm qua, đoàn thư ký kỳ họp nhận được gần 300 câu hỏi chất vấn của hơn 120 ĐBQH, tập trung vào các vấn đề: ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai, tình hình lạm phát, chính sách tiền tệ, dịch bệnh... Thủ tướng và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là những thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất.

Trước phiên chất vấn, PV Báo Thanh Niên đã ghi nhận một số ý kiến của cử tri, những nhà khoa học về những vấn đề bức xúc trong cuộc sống và những kỳ vọng của họ với QH.

 
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tư nhân (IDS):

Có mấy câu hỏi về tập đoàn cần trả lời: Thứ nhất, về pháp nhân, theo tôi bản thân mô hình tập đoàn đã đi ngược lại sự phát triển nói chung. Thứ hai, là vai trò trụ cột trong nền kinh tế của các tập đoàn. Thứ ba, về tín dụng, các khoản đầu tư cho họ đưa lại hiệu quả kém. Cuối cùng, phải đặt vấn đề phân bổ lại nguồn lực. Các tập đoàn tạo ít việc làm, nguồn lực nhiều mà hiệu quả kém, cần phải phân bổ lại nguồn lực cho các thành phần khác.

Các DN vừa và nhỏ, khu vực tư nhân là khu vực chúng ta khuyến khích phát triển (gần đây mỗi năm tạo ra hơn 1 triệu chỗ làm việc mới, trong khi khu vực quốc doanh không những không tạo ra thêm mà số việc làm lại giảm, không nói đến các chỉ tiêu khác), nhưng rất khó tiếp cận tới tín dụng và các nguồn lực khác. Chỉ cần phân bổ lại hợp lý hơn nguồn vốn vay theo hướng thu hẹp đối với các tập đoàn và DN nhà nước, nới rộng cho khu vực tư nhân, thì tăng trưởng sẽ cao hơn, bền vững hơn và giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là công ăn việc làm. Đáng tiếc việc này chưa được chú ý đúng mức, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện nay.

 
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội):

Hiện giờ Bộ GD-ĐT đang có chủ trương tăng học phí, theo tôi, trước khi tính đến việc tăng học phí, các bộ ngành liên quan phải giải trình trước QH, nguồn ngân sách đầu tư cho GD đã được cấp cho ai và sử dụng như thế nào? Liệu đã hiệu quả chưa? Chuyện quản lý tài chính trong GD rõ ràng có vấn đề. Đối với nguồn kinh phí thu thêm của các cơ sở GD, lại càng bất ổn, ngoài tầm quản lý của Nhà nước. Tôi lấy ví dụ, GD phổ cập là miễn phí, được coi là nguyên tắc chung của nhân loại. Điều 15 của Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cũng ghi miễn phí cấp phổ cập. Hiện ở VN cấp THCS đã phổ cập ở 42/64 tỉnh thành, dự kiến đến 2010 sẽ hoàn thành phổ cập THCS. Vậy nhưng cấp học này tại sao vẫn thu học phí?

 
GS Văn Như Cương:

Trên thực tế, mức chi cho GD từ ngân sách nhà nước khoảng 20% mỗi năm là một con số không nhỏ và không có nhiều nước trên thế giới thực hiện được. Bên cạnh đó mức đóng góp của người dân hiện vào khoảng trên 10% nữa. Vấn đề cần đặt ra là tại sao với mức đầu tư như vậy mà chất lượng GD của chúng ta vẫn yếu kém? Tôi khẳng định rằng, nếu chúng ta chi tiêu hợp lý, minh bạch thì không những không phải đặt nặng vấn đề tăng học phí mà còn có thể phát không sách giáo khoa cho tất cả học sinh.

Đối với các trường ngoài công lập thì sao? Một loạt các trường dán mác “chất lượng cao” để thu học phí tới vài triệu đồng/tháng mà Báo Thanh Niên phản ánh vừa qua tôi thấy rất bức xúc, QH cần phải quan tâm. Dù là trường ngoài công lập, việc thu chi được thỏa thuận với người dân nhưng tôi cho rằng Nhà nước không thể “thả nổi” việc thu chi của các trường này.

X.T - Q.Duẩn - X.Danh - M.Anh - T.Nguyễn - Thái Uyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.