Cần “chia lửa”

07/11/2008 01:18 GMT+7

Trong 8 nhóm giải pháp để “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”, Chính phủ đã đề cập đến cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, chính sách tài khóa cần “chia lửa” hơn nữa với chính sách tiền tệ để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hai công cụ. Vậy chính sách tài khóa cần “chia lửa” như thế nào? Có thể có nhiều, ở đây xin đề cập đến bốn điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, bản thân thu chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm bền vững. Thu ngân sách nhà nước năm 2008 đạt tỷ lệ cao so với dự toán và tăng rất cao, thu từ thuế xuất nhập khẩu, thu từ đất đai và những khoản thu này chiếm đến hơn một nửa tổng thu, trong khi những khoản thu này đang xu hướng giảm. Nhưng bội chi ngân sách năm 2008 vẫn tiếp tục ở mức cao so với GDP và tăng cao so với năm trước. Cũng từ đó có thể thấy rằng, tỷ lệ bội chi 4,8% GDP trong dự đoán ngân sách nhà nước năm 2009 chưa hợp lý, cần được xem xét hạ xuống.

Thứ hai, để giảm bội chi, cần giảm mạnh hơn đầu tư công, trong đó có ba điểm cần chú ý. Điểm thứ nhất là cần có những tiêu chí rõ ràng, thống nhất. Điểm thứ hai, quy trình cần làm ngược lại: thời gian qua chủ yếu là sự tự nguyện, sự hưởng ứng từ dưới lên, chứ không phải là được quyết định từ trên xuống. Điểm thứ ba, cắt giảm mạnh hơn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước có nguồn từ ngân sách.

Thứ ba, nhiều nước đã chính thức nâng mức bảo đảm tiền gửi của dân cư ở các tổ chức tín dụng lên mức khá cao, thậm chí bảo đảm toàn bộ. Bảo hiểm tiền gửi của VN cao nhất mới ở mức 50 triệu đồng, cần được nâng lên, nếu không được toàn bộ thì cũng nâng mức tuyệt đối hoặc quy định tỷ lệ ở mức cao. Điều này có ý nghĩa về nhiều mặt. Một mặt là nâng cao lòng tin của người gửi tiền để tránh những đột biến xấu. Mặt khác góp phần làm cho hệ thống ngân hàng ổn định (nhưng cần tránh sự ỷ lại của các ngân hàng yếu kém cứ nâng lãi suất huy động cao để thu hút tiền từ dân cư rồi cho vay đầu tư vào những lĩnh vực nóng nhiều rủi ro). Mặt khác nữa là thu hút lượng tiền trong dân cư, khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm và có như vậy lãi suất cho vay mới không cao để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thứ tư, nợ xấu của các ngân hàng thương mại, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng đó là nói chung toàn hệ thống, tỷ lệ này ở các ngân hàng có mức cao thấp khác nhau. Hơn nữa, theo cảnh báo của một số chuyên gia, nợ xấu của các ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng lên khi các khoản cho vay với lãi suất cao đến kỳ đáo hạn; khi thị trường bất động sản xuống giá, đóng băng sẽ làm cho việc giải chấp tài sản khoảng 100 nghìn tỉ đồng, các khoản vay thế chấp bằng bất động sản còn gấp trên 4 lần). Đã có đề xuất Chính phủ cho thành lập công ty mua - bán nợ để xử lý tổng thể nợ xấu cho nền kinh tế, trong đó có hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng, mua lại nợ xấu. Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đã phải chi ra một số tiền khổng lồ cũng nhằm giải cứu các ngân hàng, hiện VN chưa đến mức phải giải cứu như các nước trên, nhưng việc dự phòng, “vượt trước ngăn chặn” khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tràn đến.

Thứ năm, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng thiểu phát. Khi đó, để trị thiểu phát, chắc chắn phải chuyển sang kích cầu đầu tư, tiêu dùng trên cơ sở nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn; nhưng nếu không có sự chia lửa của chính sách tài khóa thì dễ dẫn đến nới lỏng quá mức, dễ quay trở lại tái lạm phát, mà tái lạm phát thì khó chữa hơn cả lạm phát.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.