Những “chiêu” của các nhóm biểu tình Thái

05/11/2008 00:04 GMT+7

Lực lượng biểu tình ủng hộ và phản đối chính phủ ở Thái Lan có nhiều cách để “tỉ thí” với nhau chứ không chỉ là những cuộc va chạm trên đường phố.

Hai phe, hai màu

Tình hình chính trị Thái Lan cho đến nay vẫn xoay quanh chuyện ủng hộ và phản đối cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cho đến khi đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) lên cầm quyền, lực lượng phản đối ông Thaksin là Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) tiếp tục tổ chức biểu tình rầm rộ để phản đối chính phủ mà họ cho là đại diện của ông Thaksin.

PAD đã bắt đầu kêu gọi những người ủng hộ mặc áo vàng như một cách để bày tỏ sự trung thành với Quốc vương Thái Lan. Từ đó trở đi, những cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn người biểu tình mặc áo vàng đã gắn liền với hình ảnh của PAD.

Trong khi đó, những người thuộc Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), một lực lượng ủng hộ chính phủ đương nhiệm và ông Thaksin, lại mặc áo đỏ khi biểu tình. Việc UDD chọn màu đỏ có từ năm ngoái khi lực lượng này biểu tình phản đối cuộc đảo chính năm 2006 và Hiến pháp do lực lượng đảo chính hậu thuẫn. Đến bây giờ, UDD vẫn giữ “màu cờ sắc áo” này. Trong cuộc tập hợp ủng hộ ông Thaksin tại sân vận động Ratchamangala ở Bangkok ngày 1.11, gần 100.000 người đã phủ kín sân vận động bằng một màu đỏ. Vì thế mà người ta gọi ngày 1.11 vừa qua là ngày “thứ bảy đỏ”.

Câu chuyện vàng-đỏ chưa dừng lại ở đó. Sẽ thật là ngốc nghếch khi ai đó mặc áo đỏ vào khu vực biểu tình của PAD và ngược lại. Bởi màu áo mà họ mặc có thể bị một trong hai lực lượng biểu tình hiểu lầm là người của... phe kia. Vì vậy mà đã có người đắn đo khi mở tủ quần áo và chọn đồ để mặc, bởi màu sắc giờ đây là một vấn đề. Những người có quan điểm chính trị trung lập cũng thật sự phải suy nghĩ về việc này bởi họ không muốn bị hiểu lầm. Một số chính trị gia cũng tránh mặc áo đỏ hay vàng ở những địa điểm biểu tình. Thực tế, chuyện mặc áo màu gì không quá nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng mấy đến an toàn tính mạng, miễn là ở ngoài khu vực biểu tình của mỗi phe.

Vỗ tay và... vỗ chân

“Hand-clapper” (cái vỗ tay) là một từ mới xuất hiện khi các cuộc biểu tình của PAD nổi lên từ hồi tháng 5. Thay vì vỗ tay tán thưởng sau mỗi câu phát biểu của lãnh đạo biểu tình, những người của PAD đã dùng “hand-clapper” để tạo tiếng động. Cái vỗ tay được làm bằng nhựa với 3 lớp hình bàn tay mà khi người ta lắc, 3 lớp này sẽ vỗ vào nhau để gây tiếng động.

Tiếng động tạo ra từ những cái vỗ tay nhựa là âm thanh quen thuộc tại những cuộc biểu tình của PAD. Dần dà, cái vỗ tay trở thành biểu tượng của PAD. Hand-clapper được sản xuất hàng loạt và được bày bán tại khu vực biểu tình với nhiều màu mắc, kích cỡ khác nhau.

Thậm chí còn có những cái “hand-clapper” nhỏ xíu để vừa gọn trong túi hoặc được gắn trên móc chìa khóa. Có phụ nữ còn đeo khuyên tai hình... cái vỗ tay. Bởi vậy, khi đi bất cứ nơi đâu, nếu thấy ai cầm cái vỗ tay hoặc có vật dụng gây tiếng động này trong túi, người ta có thể nhận ra ngay đó là một người ủng hộ PAD. Đặc biệt, nhiều người còn “thủ sẵn” cái vỗ tay nhựa trong túi để lúc cần thì đưa ra vỗ.

Tuy nhiên, buồn cười hơn là UDD đã cho sản xuất ngay những “foot-clapper” (cái vỗ chân) để đáp trả lại “hand-clapper” của PAD. Về thiết kế, cái vỗ chân của UDD không khác cái vỗ tay của PAD. Chỉ có khác là nó có hình bàn chân mà thôi. UDD cũng dùng những cái vỗ chân này để tạo tiếng động trong lúc tụ tập. Để tăng thêm sức mạnh của sự phản đối PAD, một số người của UDD còn dán ảnh lãnh đạo biểu tình của PAD lên cái vỗ chân như một sự khinh bỉ và... nhạo báng.

Chừng nào mâu thuẫn chính trị tại Thái Lan chưa chấm dứt, chừng đó PAD và UDD sẽ còn “tỉ thí” trên nhiều phương diện và bằng nhiều cách khác nhau.

Việt Phương (VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.