Có thể phải tính lại lộ trình điều chỉnh lương

04/11/2008 22:31 GMT+7

Quốc hội và Chính phủ đang tính toán những gì cho bài toán kinh tế - xã hội năm 2009 là câu hỏi được đặt ra với Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội Trịnh Huy Quách.

* Thưa ông, giá dầu thế giới giảm mạnh so với dự toán ngân sách năm 2009, những phương án nào được dự phòng để bù đắp khoản thiếu hụt cả chục nghìn tỉ đồng thu ngân sách?

- Dự đoán giá dầu sẽ lên hay xuống vào thời điểm này chỉ là tương đối để lập dự toán. Cách đây 3 tháng, các chuyên gia cao cấp của thế giới thậm chí còn dự đoán giá dầu sẽ lên đến 200 USD/thùng, nhưng đến nay thì giảm xuống dưới 70 USD/thùng, có người còn dự đoán sẽ xuống 50 USD/thùng. Tất nhiên dự đoán vẫn là dự đoán nhưng điều dễ dàng nhận ra là do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế sẽ kéo giá dầu giảm theo, khó đạt được ở mức mà Chính phủ trình. Để bù đắp phần nào vào khoản thâm hụt tới chục nghìn tỉ đồng đó thì Ủy ban TC-NS của Quốc hội và các cơ quan Chính phủ đang bàn để báo cáo Quốc hội. Nếu giá dầu ở mức 70 USD/thùng như đề nghị bổ sung của Chính phủ thì chúng ta sẽ phải nâng thuế suất nhập khẩu xăng, dầu trở lại. Đồng thời sẽ phải giảm chi, kể cả chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên. 

* Có thể cắt giảm những khoản mục nào trong chi đầu tư xây dựng và chi thường xuyên, thưa ông?

- Cho đến thời điểm này tôi chưa thể trả lời chính xác được vì vẫn đang là vấn đề phải bàn bạc kỹ. Chẳng hạn, cắt giảm một số dự án, công trình không đủ thủ tục, tạm đình hoãn những công trình chưa khởi công và chưa thật sự cấp bách, giảm bớt phần để lại đầu tư và phần hỗ trợ cho một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn…; có thể tính toán lại lộ trình điều chỉnh lương (kế hoạch hiện tại là tăng lương tối thiểu từ quý 2/.2009 - PV), tạm dừng khoản phụ cấp công vụ mà Chính phủ đề nghị… Xét về tổng thể, tôi cho rằng cần nghiêm túc xem xét lại chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bằng ngân sách nhà nước để tập trung có trọng điểm hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

* Việc cắt giảm phần hỗ trợ để lại cho các tập đoàn (hàng chục tỉ đồng/đơn vị/năm) có nằm trong kế hoạch rà soát, tăng cường quản lý hoạt động của các đơn vị này không, thưa ông?

- Quản lý vốn và hoạt động của tập đoàn kinh tế nói chung là vấn đề dư luận quan tâm, vì vậy, theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong chương trình giám sát 2009, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về hoạt động này và sẽ có kết luận cụ thể hiệu quả đến đâu, cái gì nên tiếp tục, cái gì cần điều chỉnh.

* Biện pháp cắt giảm đầu tư công thực hiện năm 2008 hiệu quả đến đâu và có tiếp tục thực hiện trong năm 2009 không, thưa ông?

- Ủy ban TC-NS đã có báo cáo thẩm tra về vấn đề này. Trong thực tế, tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách hầu như không đổi, mà chỉ cắt giảm đầu tư công đối với những công trình, dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả để chuyển sang cho những công trình, dự án được xem là cấp thiết hơn sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm. Tôi cho rằng vấn đề sẽ cần được xem xét một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Việc rà soát này, ngoài việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, thì điều quan trọng là nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư công nói riêng và đầu tư xã hội nói chung, bởi xét cho cùng phần lớn kinh phí đảm bảo cho đầu tư công là lấy từ dân, nếu đầu tư công chưa hiệu quả hơn đầu tư xã hội thì nên chuyển hướng cho dân tự đầu tư sẽ tốt hơn. 

* Nếu nói như ông, có nghĩa là vấn đề thâm hụt ngân sách không đáng lo ngại trong năm 2009?

Vay để đầu tư phát triển là điều bình thường, nhiều khi là cần thiết. Nhưng nếu vay đầu tư mà kém hiệu quả thì không chỉ chúng ta mà cả con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả. Theo tôi, trước khi nói đến việc tăng cường đi vay để đầu tư thì phải đảm bảo kiểm soát được hiệu quả vốn đầu tư - TS Trịnh Huy Quách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
- Chính phủ trình bội chi là 4,8% GDP. Đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS băn khoăn về tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức cao này, nhất là nó lại được duy trì trong nhiều năm. Mấy năm nay chúng ta thu ngân sách liên tục cao trong tỷ trọng GDP, chẳng hạn năm 2000 khoảng 20%, đến 2007 trên 27% và năm nay là 26,8%, nhưng bội chi vẫn duy trì xấp xỉ 5% thì rõ ràng là điều rất đáng quan tâm. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC-NS cũng nói rằng đó là nguyên nhân góp phần đẩy lạm phát lên cao, ảnh hưởng không tốt tới tài chính quốc gia.  

* Ngoài nguy cơ về giảm thu, bội chi cao thì năm 2009 được dự báo như thế nào, thưa ông?

- Giảm thu ngân sách nhà nước là khá hiện thực, vì ngoài thu từ dầu thô giảm thì thu thuế nhiều khả năng cũng sẽ có xu hướng giảm do nguy cơ sản xuất xã hội đi vào đình trệ dưới tác động của xu thế chung của thế giới. Để đảm bảo lành mạnh hóa cán cân thu - chi, đồng thời góp phần tiếp tục khống chế lạm phát, tôi cho rằng trong năm 2009 cần phải kiên định và nhất quán trong việc tiết giảm chi tiêu ngân sách nhà nước. Tất nhiên đây là vấn đề không đơn giản. Hy vọng rằng những kết quả bước đầu về điều hành chính sách tài khóa thắt chặt sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm bổ ích để điều hành ngân sách nhà nước trong năm 2009.

Tuyết Nhung (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.