Bầu cử tổng thống Mỹ: Giờ G đã điểm

04/11/2008 12:03 GMT+7

(TNO) Ngày tranh cử tổng thống Mỹ cuối cùng là một ngày đầy biến cố đối với cả 2 phe đối lập. Về phía Cộng hòa, ứng viên phó tổng thống Sarah Palin được kết luận là không lạm quyền trong tư cách thống đốc bang Alaska. Về phía Dân chủ, ứng viên tổng thống Barack Obama đã phải vĩnh biệt người bà của mình.

Palin nhẹ nhõm, Obama đau lòng

Một cuộc điều tra trước đây cho rằng bà Palin, người đứng phó cho ông John McCain, đã lạm dụng quyền lực khi sa thải anh trai của chồng cũ khỏi lực lượng cảnh sát bang vì những hiềm khích cá nhân.

 

John McCain không bỏ lỡ một giây nào trong ngày vận động cuối cùng - Ảnh: AFP

Nay thì Ủy ban cá nhân của bang Alaska kết luận bà Palin đã không phạm luật liên quan đến vụ sa thải kể trên, coi như xóa bỏ cái gông đã đè trên cổ bà suốt từ khi bà ra đứng chung liên danh tranh cử với ông McCain từ hồi tháng 8 vừa qua.

Kết quả kể trên được công bố trong đêm thứ hai 3.11 (theo giờ Mỹ), ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong ngày hôm nay, thứ ba ngày 4.11.

Trong khi đó, trong ngày tranh cử cuối cùng, Obama thông báo tin buồn: bà của ông qua đời tại Hawai ở tuổi 86 vì bệnh ung thư. Với Obama, người bà này rất quan trọng vì chính bà đã nuôi dưỡng ông hồi ông còn nhỏ.

Cách đây 2 tuần, Obama đã cắt ngang cuộc vận động tranh cử để trở về thăm bà.

Ngày marathon

* Dự kiến sẽ có khoảng 130 triệu cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này, ở mức cao nhất kể từ năm 1960.

* Đến nay đã có khoảng ¼ cử tri đi bỏ phiếu sớm.

* Theo luật bầu cử Mỹ, phiếu đại cử tri được tính cho các bang dựa trên dân số của bang đó. California, bang đông dân nhất nước Mỹ, nắm 55 phiếu.

* Ứng viên thắng cử sẽ cần ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri.

“Lão đầu bạc” 72 tuổi Jonh McCain đã bắt đầu ngày tranh cử cuối cùng từ rất sớm tại bang Florida để rồi “đi như điện”, ngang qua các bang Tennessee, Pennsylvania, Indiana, New Mexico, Nevada và bang quê nhà Arizona. Hành trình vận động của ông kết thúc vào lúc nửa đêm, kéo dài đến 3.000km, chỉ trong vòng có một ngày.

Tại Florida, ông tuyên bố với những người ủng hộ: “Thượng nghị sĩ Obama tranh cử để dàn trải của cải ra, còn tôi tranh cử để tạo thêm nhiều của cải nữa”.

Trong khi McCain tập trung “đánh” vào các bang còn đang “lưỡng lự”, thì ứng viên trẻ tuổi Obama chọn những bang mà 4 năm trước đây, phần thắng thuộc về đảng Cộng hòa, trong đó có cả Virginia và North Carolina - những nơi chưa từng thuộc về phe Dân chủ trong suốt nhiều thập niên qua.

Và Florida luôn là một cứ điểm quan trọng, nơi đã mang lại chiến thắng cuối cùng (dù là đầy tranh cãi) cho ông George Bush cách đây 8 năm. Tại đây, Obama “nhắc” lại lời tuyên bố “nền tảng kinh tế của chúng ta là mạnh mẽ” mà đối thủ McCain đã đưa ra chỉ vài giờ trước khi Lehman Brothers sụp đổ và Merrill Lynch bị Bank of America mua lại.

“Các vị không cần phải giễu cợt, chỉ cần bỏ phiếu thôi”, ứng viên 47 tuổi hô vang trong khi đám đông đang xì xồ giễu cợt McCain.

Kết quả khó đoán

Cuộc thăm dò ý kiến ngay trước thềm bỏ phiếu của Viện Gallup và tờ USD Today cho thấy cử tri cả nước đang ủng hộ Obama ở mức chênh lệch đến 11 điểm so với McCain. Con số được đưa ra là 53% so với 42% với tỉ lệ sai sót 2%. Các cuộc thăm dò khác thì cho rằng Obama đang dẫn trước 7 hoặc 8 điểm.

 

Obama cũng tranh thủ vận động nước rút - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, không ai có thể đoan chắc được rằng ứng viên nào sẽ thắng vì cuộc đua này đang hứa hẹn rất nhiều bất ngờ. Sẽ có rất nhiều yếu tố quyết định thắng thua mà phải đợi đến khi cuộc bầu cử kết thúc, mọi chuyện mới rõ ràng, trong đó có việc liệu các cử tri có tham gia bỏ phiếu không, nhất là các cử tri mới đăng ký sau này. Chính vì vậy, trong những giờ phút cuối cùng, cả 2 ứng viên đều ra sức kêu gọi các ủng hộ viên của mình đi bỏ phiếu.

Riêng cuộc thăm dò của Trường đại học Quinnipiac cho rằng kết quả bỏ phiếu tại Florida rất sít sao, trong đó Obama có khuynh hướng được 47% phiếu bầu so với 45% của McCain. Tỉ lệ sai sót trong cuộc thăm dò này được đưa ra ở mức 2,3%. Dù sao đi nữa, chắc sẽ không có ứng viên nào hi vọng "cơn ác mộng Florida" của kỳ bầu cử 8 năm về trước sẽ tái diễn.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.