Vì sao trẻ mắc chứng đái dầm ?

27/10/2008 21:09 GMT+7

Với trẻ nhỏ có tình trạng đái dầm, người lớn cần động viên, tập trẻ đái tự chủ, đừng có những cư xử làm trẻ xấu hổ, căng thẳng thần kinh.

Không chỉ có trẻ con

Nói đến chứng đái dầm thì phần lớn nhiều người cho rằng chỉ gặp ở trẻ nhỏ, nhưng trong thực tế tình trạng đái dầm còn có thể gặp ở cả lứa tuổi đã trưởng thành. Khái niệm đái dầm là chứng tiểu không tự chủ trong lúc ngủ. Đái là một phản xạ thần kinh, khi bàng quang căng đầy nước tiểu thì hệ thần kinh chỉ huy bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài, gọi là đái. Trong trường hợp trẻ chỉ nhịn đái lúc thức, nhưng ban đêm trẻ chưa nhịn được gây nên đái không tự chủ gọi là đái dầm. Càng lớn dần lên, hệ thần kinh càng hoàn thiện và trẻ có thể nhịn đái cả lúc thức lẫn lúc ngủ .

Có 2 loại đái dầm, đái dầm nguyên phát tức là trẻ đái dầm có từ lúc nhỏ, trẻ đái dầm gần như liên tục trong tất cả các đêm, loại này thường gặp ở lứa tuổi dưới 5 tuổi và chiếm khoảng 15-20% số trẻ. Đái dầm thứ phát là loại đái dầm xảy ra ở những trẻ có thời kỳ không còn đái dầm, nhưng sau một thời gian vì lý do nào đó trẻ mắc chứng đái dầm trở lại, loại này thường gặp ở lứa tuổi từ 5 tuổi đến 12 tuổi chiếm khoảng từ 3-8% số trẻ. Bên cạnh đó có một số tuy đã lớn (thậm chí đã ở tuổi trưởng thành) nhưng vẫn mắc chứng đái dầm, loại này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng từ 2-5%. 

Về cơ chế bệnh sinh đái dầm đến nay còn nhiều điều chưa được làm sáng rõ, tuy vậy, những yếu tố thường liên quan đến đái dầm được ghi nhận đó là: khả năng phát triển của bàng quang chưa tốt, bàng quang quá nhỏ, hệ thần kinh chưa phát triển, chưa hoàn thiện, tâm lý căng thẳng (trẻ bị đái dầm hay bị mặc cảm, xấu hổ vì bố, mẹ, người nhà trêu chọc hoặc mắng mỏ...), nhiễm trùng đường niệu, mắc bệnh đái tháo đường, bệnh về thận (do đi tiểu nhiều lần làm cho giảm tỷ trọng nước tiểu), đường dẫn nước tiểu bị hẹp hay có vật cản (viêm, sỏi, dị dạng bẩm sinh, hẹp bao quy đầu).

Làm gì khi trẻ  đái dầm?      

"Nên làm gì khi trẻ bị chứng đái dầm?" là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Không nên quá lo lắng, với trẻ nhỏ chưa cần thiết cho trẻ đi khám bác sĩ ngay, mà cần có sự giúp trẻ đái tự chủ như: không cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ, cần đánh thức trẻ dậy đi tiểu vào những giờ cao điểm mà trẻ thường dái dầm. Nếu đã làm hết cách mà trẻ vẫn đái dầm thì nên cho cháu đến bệnh viện để thử nước tiểu, siêu âm, chụp đường niệu... để thầy thuốc có chỉ định điều trị thích hợp tùy theo từng nguyên nhân. Bên cạnh đó nên động viên, giúp đỡ cháu, không nên để cháu có mặc cảm, xấu hổ nhất là trẻ đã lớn tránh căng thẳng thần kinh.  

PGS.TS Bùi Khắc Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.