Câu lạc bộ Gigabidea

27/10/2008 20:44 GMT+7

Gần đây, một số sinh viên (SV) trường ĐH Kiến trúc TP.HCM lại rủ nhau đi học vào ngày thứ bảy, chủ nhật chứ không la cà quán xá vỉa hè, thật lạ! "Lần theo dấu vết" thì phát hiện ra họ đã cùng nhau quây quần trên một căn gác, say mê nghe, nói và trao đổi. Học những gì xã hội sẽ cần

Không ai nghĩ đó là một lớp học, vì trong không gian lầu 2 tại nhà của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Phước Thiện, những SV sau khi nghe thầy chia sẻ kiến thức về kiến trúc, quy hoạch, cảm xúc trong thiết kế… đã cùng phản hồi ý kiến, thảo luận quan niệm, đóng góp ý tưởng. Họ đều là thành viên của câu lạc bộ (CLB) có tên Gigabidea.

Ý nghĩa của tên CLB này là: Nơi tập hợp thật nhiều ý tưởng, không phải kílô hay mêga mà lên đến hàng "gigabyte-idea", vốn là điều mà dân "kiến" rất cần trong sáng tạo. Xuất phát từ tâm huyết muốn được chia sẻ kiến thức với SV ngành kiến trúc, những thứ mà hiện nay trong trường chưa cập nhật giảng dạy, KTS Nguyễn Phước Thiện - giảng viên của trường đã thành lập CLB này để giúp cho SV có thêm những kiến thức về xu hướng kiến trúc trên thế giới, phương pháp tư duy sáng tạo, kỹ năng thiết kế… bằng một cách học hoàn toàn chủ động và thoải mái.

Nhiều năm nay ông đã âm thầm hệ thống hóa lại những tài liệu, kiến thức thu thập được trong quá trình tu nghiệp ở nước ngoài. Rồi ông tự bỏ tiền mua phần mềm dạy học qua mạng, những giáo trình điện tử của nước ngoài để chia sẻ với những SV kiến trúc thực sự đam mê học hỏi. Những buổi học này hoàn toàn miễn phí. CLB Gigabidea hoạt động dưới hình thức 5 cấp độ, tương đương với 5 năm học ở trường. Mỗi nhóm khoảng 20 thành viên sinh hoạt trên website www.thienkts.edu.vn và mỗi tuần offline một buổi vào thứ bảy hay chủ nhật. Theo nguyên lý giáo dục mới, KTS Phước Thiện muốn SV có tư duy "học những cái mà xã hội sẽ cần chứ không phải cái xã hội đang cần". Có nghĩa chúng ta học để trở thành con người của tương lai, vì xã hội tiến rất nhanh.

Những chuyến đi bổ ích

Có hơn 10 năm giảng dạy ở trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, KTS Thiện nhận ra những kiến thức trong trường thực sự chưa đủ để đào tạo nên những kiến trúc sư giỏi. Nhà trường chỉ cung cấp phần nào kiến thức cơ bản ở mức độ… đủ làm đồ án tốt nghiệp, còn kiến thức chuyên sâu và kỹ năng hành nghề thì sau tốt nghiệp phải tự học hỏi, trau dồi thật nhiều mới mong cống hiến. Ông cho rằng SV kiến trúc có một lỗ hổng rất lớn về ngôn ngữ kiến trúc và phương pháp sáng tạo. Phần lớn các trường ĐH hiện nay "sử dụng phương pháp lao động cũ cho một công cụ sản xuất mới", chưa cập nhật và thích nghi được với sự thay đổi đến chóng mặt của thế giới.

Ngay từ những năm 1960, ngành Thiết kế đô thị đã được manh nha ở phương Tây và đến năm 1980 nó trở thành ngành học quan trọng dùng để đào tạo bậc thạc sĩ trong lĩnh vực kiến trúc ở nhiều nước, thì ở Việt Nam đến nay Thiết kế đô thị chưa được đưa vào giảng dạy như một ngành học riêng. Tại những buổi sinh hoạt, có những bạn trẻ tận Vĩnh Long, Bạc Liêu cũng lặn lội tới để mong tiếp cận với cách học mới, kiến thức mới này. Và đôi khi SV lại rất ngạc nhiên khi nhận ra âm nhạc, điện ảnh, kịch nghệ cũng có vai trò rất quan trọng đối với một kiến trúc sư! Vì cảm xúc trước cuộc sống là một yếu tố không thể thiếu cho sự sáng tạo.

Không chỉ vậy, mỗi năm các nhóm, tùy theo từng cấp độ, lại được đi du khảo tại các địa phương trong vòng 1 tuần để nghiên cứu và sáng tác. Như năm ngoái, KTS Thiện đã tổ chức cho CLB đi du khảo ở Huế. Sau khi kết thúc chuyến đi, nhiều đồ án sáng tác nhỏ đã được đưa lên trang web để các thành viên góp ý như: phương án cột đèn giao thông và biển báo, phương án quầy bán vé và hướng dẫn du lịch cho các khu di tích, phương án quán cà phê… cho Huế. Những nơi mà sắp tới CLB dự định sẽ đến là Đà Lạt, miền Tây Nam Bộ.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.