Học sinh mắc tật khúc xạ : Ngày càng tăng

23/10/2008 14:41 GMT+7

Theo khảo sát của các y bác sĩ BV Mắt TPHCM, tỷ lệ mắc tật khúc xạ (cận-viễn-loạn thị) trong lứa tuổi học sinh hiện nay rất đáng báo động. Nếu như năm 1994 chỉ có 8,65% thì năm 2004 là 25,3% và con số vừa được BV công bố mới nhất trong tháng 9-2008 lên đến gần 40%. Ngoài những ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc học tập, sinh hoạt, mỗi năm tổng số tiền mà các gia đình phải chi tối thiểu trên… 8 tỷ đồng chi phí mua kính cho các học sinh đeo.

57% học sinh nội thành bị cận thị

Theo kết quả một nghiên cứu gần đây nhất của BV Mắt TPHCM, trong tổng số 2.774 học sinh (HS), có đến 1.081 em bị cận thị, 0,47% em bị viễn thị. Trong đó, HS tại các trường khu trung tâm thành phố bị tật cận thị cao nhất với 57% (cứ 10 HS có khoảng 6 em phải mang kính do cận thị, chưa kể bị viễn thị), ở trường khu vực vùng ven 38,8%.

Lứa tuổi HS cấp 2-3 có tỷ lệ mắc tật khúc xạ (TKX) cao nhất, chiếm đến gần 90%. Tuy số HS bị TKX cao, nhưng tỷ lệ các em mang kính vẫn còn hạn chế. Điều đáng lo hơn là trong số HS có mang kính nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp mang kính không đúng với thị lực, điều này càng làm cho mắt tăng độ nhanh, ảnh hưởng đến các hoạt động học tập và sinh hoạt.

Trong quá trình khám khảo sát, các bác sĩ còn phát hiện nhiều em HS có tỷ lệ bất đồng khúc xạ giữa 2 mắt khá cao, nhiều trường hợp trên 4 độ, thậm chí 2 mắt chênh nhau lên đến trên 10 độ. Đây là mối quan tâm lớn của các bác sĩ chuyên khoa và chuyên viên khúc xạ, bởi nếu không phát hiện và chỉnh kính kịp thời thì nguy cơ bị nhược thị là rất cao đối với các em. Với thực trạng trên, tỷ lệ HS mắc TKX tại TPHCM cao tương đương với tỷ lệ TKX ở HS của Trung Quốc, Singapore và cao hơn so với các nước trong khu vực như Nepan, Ấn Độ, Chile…

Trong thời gian qua, những kiến thức cơ bản về các bệnh lý mắt trong học đường được tuyên truyền khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông và ngay tại trường học, thế nhưng thái độ và hành vi sai lầm của HS và cả cha mẹ HS, giáo viên vẫn còn đáng lo ngại. Rất nhiều cha mẹ HS và giáo viên cho rằng: nếu đeo kính điều chỉnh cận thị sẽ làm… tăng độ cận thị (!). Song song đó, hàng loạt HS và phụ huynh cũng không biết khi mắc TKX có thể dẫn đến mắt bị nhược thị và lé. Ngay cả lời khuyên căn bản: trong 6 tháng - 1 năm nên đi kiểm tra thị lực và mắt, thế nhưng rất nhiều bậc phụ huynh và giáo viên cũng không nắm điều này để hướng dẫn cho các em HS. Bởi theo các bác sĩ, khi cơ thể còn phát triển thì tật khúc xạ còn thay đổi.

Cần một chiến lược hiệu quả

Phó Giám đốc BV Mắt TPHCM Lê Thị Thanh Xuyên phân tích, tại TPHCM, tình trạng các lớp học có sĩ số HS trên 40 em/lớp rất phổ biến. Nhiều lớp có sĩ số lên đến 50-60 em, nhiều em phải ngồi với khoảng cách xa bảng hơn 7m. Điều đáng lo ngại là khoảng 50% HS phải ngồi học trong hoàn cảnh thị lực nhìn < 5/10 ở ít nhất 1 mắt và 26% với cả 2 mắt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập và sinh hoạt của các em.

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng về mặt xã hội cũng là điều đáng quan tâm. BS Xuyên ước tính, hiện nay số HS trên toàn địa bàn TPHCM là trên 1 triệu em, với tỷ lệ TKX chung trong HS là 39,35%, tức có khoảng 393.500 em cần phải đeo kính. Nếu chi phí trung bình 1 cặp kính là 200.000 đồng (thực tế nhiều gia đình chọn kính giá gấp đôi) thì mỗi năm phải chi một số tiền tối thiểu là khoảng 80 tỷ đồng tiền kính, một kinh phí không nhỏ mà xã hội và gia đình HS phải gánh chịu.

Trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ cho các em HS nghèo, BV Mắt TPHCM còn tổ chức đợt khám khảo sát và cấp kính miễn phí cho nhiều em HS cấp 2-3 tại quận 4, Gò Vấp, Thủ Đức và Bình Chánh. Trước khi được cấp kính, có đến 107/618 HS có thị lực <1/10 (chỉ nhìn thấy ngón tay trong khoảng cách dưới 5m). Ngay sau khi được cấp kính, hiệu quả thị lực được cải thiện rõ, có đến 98,3% HS có thị lực >6/10. Sau đợt khảo sát, nhiều ý kiến của phụ huynh HS và giáo viên đều cho rằng chương trình sàng lọc TKX và cấp kính miễn phí cho HS nghèo tại TPHCM là rất hữu ích bởi hiệu quả cải thiện chất lượng thị lực cho HS, giảm đáng kể tỷ lệ mù và thị lực thấp do TKX.

Theo BS Lê Thị Thanh Xuyên, đợt khảo sát và cấp kính miễn phí trên chỉ là một phần đóng góp rất nhỏ của BV Mắt, bởi điều quan trọng là ý thức và sự phối hợp (giữa ngành giáo dục, y tế, gia đình và ý thức tự giác của HS) thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tích cực, một chiến lược hiệu quả để phòng tránh các TKX trong lứa tuổi các em HS. Bởi nhìn chung, thái độ của HS về TKX còn rất thấp, phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ trung bình và yếu.

Các đối tượng liên quan đến TKX cần phải có các giải pháp truyền thông thích hợp, giúp thay đổi thái độ, hành vi có lợi cho sức khỏe, phòng chống TKX một cách hiệu quả. Biện pháp giữ mắt tốt nhất là lựa chọn những loại thức ăn bổ mắt, giữ khoảng cách nhất định giữa mắt với tập vở-bảng-ti vi, máy vi tính, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, tránh ngồi học suốt ngày trong phòng với khoảng cách nhìn hạn chế bởi các bức tường và vách ngăn xung quanh.

Theo Trương Ngọc / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.