Sẽ còn họp và thẩm định lại

23/10/2008 11:55 GMT+7

Sáng 22.10 đã có buổi gặp mặt, trao đổi giữa Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM với đại diện Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, Hội m nhạc TP.HCM, Trung tâm Văn hóa TP.HCM, các nghệ sĩ, nghệ nhân nhạc dân tộc và phóng viên các báo xung quanh kết quả nghiệm thu công trình cải tiến đàn tam thập lục của nghệ sĩ Cao Hồ Nga.

Theo bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên phó giám đốc sở, người chủ trì buổi trao đổi, sau khi các báo đăng tải thông tin về công trình cải tiến đàn tam thập lục của nghệ sĩ Hồ Nga, Sở VH-TT&DL đã nhận được một vài thư góp ý từ các cá nhân, vốn là những người am hiểu về đàn tam thập lục tại VN.

Những góp ý này xoay quanh việc ủng hộ các nghệ sĩ trẻ tìm tòi và cải tiến các nhạc cụ dân tộc, nhưng đồng thời không đồng tình với nhận định “ở VN chưa có cá nhân hay đơn vị nào cải tiến đàn tam thập lục” hoặc “ngay ở các nước có sử dụng đàn tam thập lục như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... cũng không có ai cải tiến như cô (Hồ Nga) đang làm...”. Ngoài những góp ý gửi về Sở VH-TT&DL còn có những tranh luận khá gay gắt trên mặt báo về tính ứng dụng của cây đàn cải tiến và liệu những cải tiến đó có cần thiết hay không... Trước những ý kiến, thông tin nhiều chiều gây tranh cãi trên, Sở VH-TT&DL phải xem xét lại việc công nhận công trình này.

Nghệ sĩ Hồ Nga và đàn tam thập lục do cô cải tiến đã được hội đồng khoa học gồm: nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Trần Long Ẩn và các chuyên gia Nguyễn Hữu Phần, Vũ Thành, Nguyễn Thị Thanh Bình đánh giá xuất sắc với điểm trung bình 93,6/100 tại buổi nghiệm thu công trình sáng 16-7-2008 tại Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM.

Sau ba giờ thảo luận, các đơn vị tham gia đã gút lại những điểm sau:

1. Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của nghệ sĩ Cao Hồ Nga trong việc cải tiến đàn tam thập lục VN và vẫn công nhận là cô đã cải tiến, khắc phục được các nhược điểm của đàn qua bốn nội dung: xử lý được việc ngắt tiếng khi đánh lên; tạo điều kiện thuận lợi cho nhạc công thuận tiện dùng cả hai tay khi sử dụng, không phải dùng một tay đánh và một tay chặn như cách thức truyền thống; sử dụng hai pedal ngắt tiếng làm phong phú thêm phần diễn tấu của chiếc đàn; tạo âm thanh vang - pizzicato - ngắt.

2. Tuy nhiên, Cao Hồ Nga không phải là người VN đầu tiên cải tiến đàn tam thập lục. Trước đó, tổ cải tiến nhạc cụ của Đoàn ca nhạc dân tộc T.Ư và một số nghệ sĩ như Xuân Nhung, Kim Anh, Tạ Thâm... đã âm thầm có những cải tiến trên chính cây đàn “sư tổ” (có hai pedal ngắt tiếng) do Trung Quốc tặng. Những cải tiến âm thầm này vẫn luôn được các nghệ sĩ đời sau công nhận dù chưa qua đăng ký hay tuyên bố chính thức nào.

3. Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đã thụ lý hồ sơ đăng ký công trình “Cải tiến đàn tam thập lục” theo đúng quy trình. Hình thức là không sai nhưng nội dung, chất lượng khi xét duyệt thì chưa ổn bởi chưa có đầy đủ thông tin và chưa mời đúng những chuyên gia, nghệ sĩ gạo cội về đàn tam thập lục của VN tham gia hội đồng khoa học để thẩm định, góp ý thấu đáo cho công trình.

4. Sở VH-TT&DL TP.HCM và các đơn vị liên quan tiếp tục có những cuộc họp để đánh giá lại vấn đề. Nếu nhận thấy kết quả công nhận công trình cải tiến đàn tam thập lục của Hồ Nga là chưa chuẩn xác thì hoàn toàn có thể công nhận lại. Việc cải tiến có cần thiết hay không, có ứng dụng được trong thực tế hay không... cũng sẽ được trả lời chính thức khi có những kết quả cuối cùng.

Theo Q.N / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.