Vẽ tranh bằng lửa

22/10/2008 22:44 GMT+7

Chiếc bút lửa nóng bỏng với ngòi bằng đồng - được đốt nóng bởi nguồn điện - dịch chuyển rất nhanh trên tấm ván trắng. Chỉ trong chốc lát, một bức tranh sinh động, độc đáo xuất hiện...

Tranh bút lửa là sản phẩm độc đáo của phố núi Đà Lạt. Nhưng số họa sĩ vẽ được tranh bút lửa thực thụ chỉ có vài ba người như ông Lân, ông Lập. Nhưng do tuổi cao nên các họa sĩ này đã gác bút, và dường như chỉ còn lại họa sĩ Nguyễn Phi Anh vẫn sáng tác loại tranh này.

Họa sĩ Phi Anh và du khách nước ngoài trong xưởng vẽ - Ảnh: Lâm Viên

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà 14/2 Trần Hưng Đạo, nơi nghệ sĩ Phi Anh ngày ngày sáng tác tranh bút lửa theo đơn đặt hàng. Trên căn gác nhỏ cũng là xưởng vẽ, Phi Anh tự nhận: "Mình vẽ theo năng khiếu bẩm sinh chứ chưa học qua trường lớp nào cả". Sau ngày đất nước thống nhất, Phi Anh bắt đầu vẽ tranh, vẽ chân dung trắng đen, có thời mở phòng vẽ ở đường 3/2 (Đà Lạt). Từ năm 1982, Phi Anh chuyển sang vẽ tranh bút lửa. Thời gian đầu học nghề, không ít lần Phi Anh phải cho tác phẩm vào... bếp, bởi không điều tiết được độ đậm nhạt. Không nản lòng, Phi Anh vừa vẽ tranh sơn dầu kiếm tiền vừa kiên trì học chạm bút lửa. Sau 2 năm ròng rã, họa sĩ mới có được những tác phẩm ưng ý và bắt đầu sống được với nghề. Chỉ với cây bút lửa tự chế gắn vào chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V và những tấm ván bạch tùng, Phi Anh đã sáng tác hàng trăm bức tranh đặc sắc, trong đó có nhiều tác phẩm qua Mỹ, Đức, Pháp, Đan Mạch... theo chân du khách và Việt kiều.

Về mảng chân dung, nghệ sĩ Phi Anh có bức tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn guitar được chạm thật sinh động; một Fidel Castro gần gũi và thân thiện. Nhưng đặc biệt hơn cả là bức tranh khổ lớn Bác Hồ trong hang Pắc Bó tái hiện hình ảnh Bác thật gần gũi, giản dị nhưng cũng rất thanh cao. Bức chân dung này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), một phiên bản được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Vừa trò chuyện vừa thưởng thức tài nghệ của nghệ sĩ vẽ tranh bằng bút lửa là sở thích của không ít du khách trong, ngoài nước. Có một gia đình người Đan Mạnh mang bức hình chụp cả nhà đến nhờ Phi Anh vẽ lại lên gỗ bạch tùng. Họ ngồi hàng tiếng đồng hồ trên căn gác nhỏ, say mê xem Phi Anh thao tác như làm xiếc trên từng thớ gỗ mịn màng. Ngòi đồng chạm đến đâu, bề mặt tấm ván bị cháy sém đến đó; đồng thời tỏa ra mùi thơm dìu dịu dễ chịu. Ấn sát ngòi bút lửa xuống mặt gỗ thì vết cháy có màu nâu đậm, nếu chỉ khẽ chạm vào gỗ, màu sẽ nhạt hơn... Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những đường nét dần hiện ra trên mặt gỗ một cách sắc sảo và sống động khiến những du khách nước ngoài thán phục.

Tuy chỉ có hai gam màu cơ bản là màu trắng của gỗ, màu nâu đậm hoặc nhạt tùy theo độ "cháy" nhưng bằng sự phối sắc, tạo hình tinh tế, nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đã sáng tác nhiều bức tranh độc đáo, có tính thẩm mỹ cao. Thế mạnh của họa sĩ Phi Anh là tranh phong cảnh Đà Lạt và chân dung các vị lãnh tụ. "Mình sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, nên phố núi là một phần cuộc sống của mình" - Phi Anh tâm sự. Bởi vậy những tác phẩm phác họa đêm trăng ở thung lũng Tình Yêu, rừng thông huyền bí ẩn hiện trong sương nơi hồ Than Thở, mặt hồ Xuân Hương lăn tăn gợn sóng thấp thoáng những cánh buồm thơ mộng... được Phi Anh thể hiện rất có hồn.

Chân dung Trịnh Công Sơn

Trăn trở trước thực trạng nghề chạm bút lửa bị mai một, nghệ sĩ Phi Anh mở lớp để truyền nghề nhưng tiếc thay, đa số người học chỉ theo cảm hứng nhất thời chứ không thực sự say mê, tâm huyết; một số người lại không đủ kiên nhẫn và không đủ tiền mua gỗ bạch tùng nên chỉ theo được thời gian ngắn là bỏ học dở chừng. Hiện tại Đà Lạt có một số người trẻ cũng đang chạm bút lửa nhưng chưa có tác phẩm đạt tới trình độ cao.

Theo Phi Anh, để có một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa người nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian công sức thể hiện. Nếu chạm bút chạy theo số lượng, tác phẩm sẽ thiếu "hồn". Do đó, dù đơn đặt hàng từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm khá nhiều, nhưng Phi Anh không chạy theo số lượng mà dành nhiều thời gian công sức để thể hiện những đề tài mà ông yêu thích. Nỗi lo thất truyền nghề truyền thống và độc đáo của Đà Lạt luôn canh cánh bên lòng người nghệ sĩ tuổi 55 này. Ước vọng của ông là được truyền nghề cho thế hệ đàn em, để gìn giữ một nét nghệ thuật của phố núi Đà Lạt suốt 30 năm qua.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.