Chính sách thuế cần sự ổn định

22/10/2008 00:29 GMT+7

Hôm qua, Quốc hội đã có một phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và một phiên thảo luận tổ xung quanh dự luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Nên có nhiều mức BHYT

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự luật BHYT, quy định buộc người tham gia BHYT phải khám, chữa bệnh tại cơ sở đăng ký ban đầu đã được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu không quy định người tham gia BHYT phải đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thì người bệnh sẽ có xu hướng lựa chọn các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến T.Ư. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB Quốc hội, dự luật quy định bắt buộc người tham gia BHYT phải khám, chữa bệnh tại cơ sở đăng ký ban đầu sẽ gây khó khăn, không khuyến khích được người dân tham gia BHYT. Thực tế, không ai muốn phải đi xa để khám, chữa bệnh. ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) đề nghị: "Nên quy định theo hướng, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế ban đầu là bệnh viện cấp huyện nhưng có thể khám, chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện cấp tương đương trên toàn quốc". Như vậy sẽ không gây thêm sức ép cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương mà vẫn thuận lợi cho người tham gia BHYT. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bổ sung: "Người có thẻ BHYT nên được khám cả ở cơ sở y tế công lập, tư nhân, phòng khám đa khoa".

ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) cho rằng, dự luật cần quy định về mức đóng BHYT khác nhau để người tham gia được lựa chọn, đặc biệt là có mức đóng cao để người tham gia có thể nhận được mức chi trả BHYT cao. "Nếu đi đến bảo hiểm y tế toàn dân thì vẫn nên chia làm 2 loại mức phí khác nhau, một là mức phí bắt buộc để từ nguồn thu này đảm bảo tính an sinh xã hội, ổn định quỹ; hai là mức phí tự nguyện để nguồn thu này thành quỹ chia sẻ trong cộng đồng. Tạo cơ chế này để người có thu nhập cao sẽ đóng mức phí cao hơn, có sự chia sẻ chi phí khám bệnh giữa người có thu nhập khá, người ít bệnh và người nhiều bệnh", bà Hằng nói. Đồng quan điểm cần có nhiều mức đóng BHYT, ĐB Củng Thị Mẩy (Hà Giang) bày tỏ: "Tôi không đồng tình với mức quy định đóng của các đối tượng đều như nhau là 6% mức lương tối thiểu. Qua tiếp xúc cử tri thì đa số cử tri cho rằng, mức đóng chung cho các đối tượng 6% là quá cao và chưa phù hợp với từng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế". Bà Mẩy đề nghị mức 3% dành cho nhóm ngân sách nhà nước bảo đảm 100% và 5% dành cho các đối tượng khác.

ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng): "Chính sách thuế không nên làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Sự ổn định là cần thiết để các nhà đầu tư yên tâm. Còn nếu điều tiết cung cầu, thì sử dụng các hình thức khác. Ví dụ như với ô tô, có thể giữ thuế ổn định, nhưng vẫn thu phí đường, hoặc lệ phí trước bạ. Chứ điều chỉnh như vừa rồi là không thỏa đáng".

Không đồng ý giảm thuế đối với bia

Chiều qua, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự luật này, danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mở rộng ra 7 loại hàng hóa, dịch vụ gồm máy bay, du thuyền, chế phẩm từ thuốc lá, ô tô dưới 24 chỗ, mô tô từ 175 phân khối trở lên, trò chơi điện tử, kinh doanh đặt cược.

Với quan điểm rằng, máy lạnh sử dụng trong gia đình không còn là vật dụng xa xỉ, đa số các ý kiến của đoàn TP.HCM cùng chung kiến nghị: Đề nghị loại bỏ máy điều hòa ra khỏi các mặt hàng chịu thuế. ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) còn kiến nghị xếp luôn cả ti vi LCD, máy rửa bát vào danh mục những loại hàng hóa không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ông Trần Bá Thiều (Hải Phòng) lại cho rằng cần phải để máy lạnh chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng, đặc biệt trong điều kiện điện chưa đủ cho sinh hoạt và sản xuất.

Đại biểu Trần Đông A (TP.HCM) phát biểu: "Bia hơi và bia tươi có thể đánh thuế cao hơn nữa, vì bia chai, bia lon chất lượng được kiểm soát còn bia tươi, bia hơi khó quản lý được, người ta có thể pha thêm các phụ gia vào, điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng".  ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho rằng nên xem xét là mức thuế suất với bia chai và bia lon khi dự luật giảm mức thuế từ 75% (hiện tại) xuống còn 45%. Đây là mức giảm đột biến. "Nếu Quốc hội đồng ý mức thuế này, chỉ qua cái biểu quyết của Quốc hội thôi, các đại gia sản xuất bia sẽ bỏ túi cả trăm tỉ đồng như chơi. Tôi đề nghị không kéo mức thuế đối với mặt hàng này từ 75% xuống 45%" - ĐB Dũng nói.

Nhiều ĐB Quốc hội cũng bày tỏ sự chưa hài lòng với việc điều hành chính sách thuế thời gian qua. ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) ví dụ: "Trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua, chúng ta điều chỉnh thuế nhiều lần đối với ô tô. Mình gọi là linh động, nhưng các chuyên gia kinh tế nước ngoài gọi là tùy tiện trong điều hành". Theo ông Dũng, mỗi năm Quốc hội họp hai lần, nếu cần thay đổi mức thuế, nên đợi Quốc hội cho ý kiến. Về phân cấp quyền điều chỉnh thuế, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch không đồng tình với dự luật quy định: Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất đối với ô tô. Cụ thể hơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long (Đắk Lắk) đặt vấn đề: "Không nên để Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất ô tô, ở đây không phải là chuyện quyền của anh, quyền của tôi mà là chúng ta phải ổn định được sản xuất kinh doanh, để cho các doanh nghiệp người ta tính toán được lỗ, lãi". Ông Long cho rằng, mức thuế phải có ổn định trong vòng 7 -10 năm.

Xuân Toàn - Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.