Không để “mồ côi” kiến thức

21/10/2008 09:26 GMT+7

“Mồ côi cha, mồ côi mẹ đã khổ rồi, không thể để “mồ côi” thêm kiến thức” - một trong rất nhiều tân SV mồ côi ứa nước mắt tâm sự những lời gan ruột...

1. Nhìn Lưu Văn Hùng (Vĩnh Phúc), tân SV khoa luật ĐHQG Hà Nội, khó ai nghĩ Hùng sẽ bước sang tuổi 19 đúng ngày 21-10 này. Ba mẹ đều mất sớm vì bệnh khi Hùng còn thơ ấu. Hùng sinh ra, lớn lên trong sự thiếu thốn tột cùng bởi nhà quá nghèo, lại thêm món nợ do mẹ trước khi ra đi phải vay mượn để chữa bệnh cho cha.

Hùng chảy nước mắt nhớ lại: mẹ ốm yếu vẫn phải cấy lúa, làm màu để nuôi hai anh em ăn học. Lúc rỗi rãi, mẹ lại đan lát thúng, rá, dần, sàng vượt sông mang lên tận Việt Trì, Phú Thọ để bán. Sau khi mẹ qua đời lúc Hùng 10 tuổi, Hùng được gửi lên “nhà Hi Vọng” ở thị trấn Lập Thạch (năm 2000 đổi tên thành “Trung tâm Hi Vọng” - dự án tài trợ của Tổ chức Giáo dục và phát triển toàn cầu - GEDA của Mỹ).

Chính nơi này đã gieo vào lòng Hùng những hi vọng về ngày mai dù nhiều cái tết, ngày lễ Hùng thèm khát một gia đình có mẹ, có bố như bao bạn khác (ở Trung tâm Hi Vọng nhưng Hùng vẫn ra ngoài cộng đồng học phổ thông).

Nhưng rồi Hùng vỡ ra một điều: “Mình mồ côi nhưng xã hội vẫn còn nhiều bạn khổ hơn rất nhiều. Những lúc có đội văn nghệ của các bạn khuyết tật về giao lưu, biểu diễn, bọn em mới biết mình mồ côi nhưng vẫn hơn các bạn khuyết tật. Các bạn đó đã chứng minh mình khuyết tật mà không mang tiếng khuyết tật; tại sao mình mồ côi nhưng vẫn lành lặn chân tay sao lại để mang tiếng... mồ côi được” - Hùng nói.

Và Hùng đã làm được điều đó. Niềm vui đỗ ĐH trộn lẫn nỗi buồn phải rời xa mái nhà Hi Vọng và các bạn. Hùng bộc bạch: “Anh em, họ hàng mừng lắm khi biết em là người duy nhất trong họ đỗ ĐH. Nhưng anh và họ hàng đều nghèo, chẳng ai dám hứa sẽ để em đi học tiếp”. Không chỉ Hùng, cả Trung tâm Hi Vọng Lập Thạch có sáu người đi thi ĐH, CĐ vừa rồi thì năm người đỗ ĐH, một người đỗ CĐ. Quả là một thành tích không thể tốt hơn, ít nhất thành tích này cũng không để Hùng và các bạn... mang tiếng “mồ côi”. Ngay sau khi xuống Hà Nội, Hùng đã xin đi trông xe, quét dọn, bưng bê... tại một quán cà phê gần trường. Nhưng sức khỏe của Hùng vốn không tốt nên sau một thời gian ngắn “thử việc”, Hùng đã phải chia tay mà chẳng biết ngày mai sẽ sống ra sao để nuôi khát vọng học hành!

Hai mẹ con bạn Nguyễn Hà Hải ở sân Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - Ảnh: Đ.B.

2. Trong số các SV nhận giải lần này có nhiều bạn không chỉ mồ côi lại còn khuyết tật, như Nguyễn Hà Hải (khoa thông tin thư viện ĐH KHXH&NV). Sinh ra ở vùng đất Kinh Bắc (xã An Bình, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), ngay lúc chào đời Hải không biết mặt cha, đã thế đôi chân cứ teo tóp dần. 18 năm qua, nhất là suốt 12 năm học phổ thông, với một nghị lực phi thường Hải vẫn đến trường đều đặn trên cái lưng còng và đôi bàn chân run rẩy của bà. Bà mất, mẹ tiếp tục làm đôi chân đưa con đến trường...

“Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ rồi cũng già yếu, lúc đó ai sẽ chăm sóc mẹ và giúp mình?” - Hải tự hỏi và cũng tự tìm câu trả lời. Chỉ có học, “học mới có kiến thức, có nghề để tự sống và tồn tại. Mình phải tự lo cho mình, cho mẹ”. Nghĩ mãi điều đó và được sự lo lắng nhiệt tình của mẹ, bạn bè, thầy cô, Hải đã học, đã thi và đã không phụ công bà, công mẹ những ngày mưa nắng đội mưa gió đẩy xe lăn đưa mình đến trường cách xa nhà 5km suốt 12 năm học phổ thông.

Hải nộp hồ sơ thi vào hai trường thì đỗ cả hai, nhưng với bệnh tật của mình, Hải chọn theo ngành thông tin thư viện.

Bây giờ, đều đặn mỗi ngày trên đường phố thủ đô hay ở sân Trường ĐH KHXH&NV, mọi người đã không lạ với hình ảnh người mẹ mới ngoài 50 tuổi tóc đã bạc nửa đầu, gầy gò, lưng đẫm mồ hôi đẩy xe lăn cho con đến lớp. Bà Nguyễn Thị Tâm - mẹ Hải - thật thà bảo: “Mệt, vất vả mấy cũng cam chịu được, chỉ sợ mai này già yếu, bệnh tật, không biết ai sẽ thay mình đẩy xe cho con”. Nỗi lo ấy dẫu sao cũng còn xa, còn bây giờ nỗi lo lớn nhất của bà là không biết lấy đâu tiền lo cho con ăn học 4-5 năm trời...

Bà Tâm vốn là công nhân công ty xăng dầu, khi bà ngoại Hải mất thì bà phải nghỉ hưu non để làm “đôi chân” cho con.

“Đã có lúc mình nghĩ sẽ nghỉ học để bà, mẹ bớt khổ, nhưng nghỉ học thì mẹ sẽ buồn hơn. Giờ chỉ mong sao học thật nhanh, sớm có kiến thức, tay nghề để đi làm giúp mẹ”.

Hai mẹ con “trụ” ở Hà Nội hơn một tháng qua, đã phải vay ngân hàng 3 triệu đồng và vay mượn thêm của người thân. Nhìn căn phòng trọ ẩm thấp chỉ khoảng 6m2 vừa đủ kê cái giường và chiếc xe lăn, người mẹ lặng lẽ bảo: “Nhà trường cũng bố trí cho Hải ở KTX, nhưng khổ nỗi tôi không thể vào ở cùng KTX với Hải được, đó là quy định, nên phải ra ngoài thuê cái gian trọ bé tẹo nhưng cũng mất 800.000 đồng/tháng này”.

Theo Đức Bình / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.