"Chữ bay" Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

18/10/2008 14:58 GMT+7

1. Hôm đó, chúng tôi vào nhà sách và Linh đã bất ngờ rú lên, rồi tru những hồi dài, khiến đám bảo vệ đến tóm cổ nó quăng ra ngoài như quăng một con nhái bén, dù tôi cố giải thích rằng Linh không điên.

>> Bấm vào đây để nghe toàn bộ tác phẩm

Khi nằm dưới gốc cây trứng cá với vài vệt xước ở khuỷu tay, nó vẫn thất thần: Tao thề là tao thấy chữ bay. Mày điên à? Mắt mày bị gì vậy?... Không, tao thấy thật mà. Mày coi kìa... Nó chỉ tay vào trong nhà sách. Một vài người đứng quanh tò mò dồn mắt vào cánh cửa và dãy hành lang kính sáng bóng trùng trùng những kệ sách rồi lại nhìn nhau. Tôi đâu thấy gì. Tất cả mọi người ở đây nào thấy gì. Mày nói làm sao ấy chứ. Mọi người bị gì ấy chứ. Chữ bay từng đàn. Đó, nó lượn qua cánh cửa. Nó bay đầy không gian kìa!

Lần đó, Linh vào nhà thương điên theo nguyện vọng của chính nó. Chắc tao bị tâm thần. Sao tao lại thấy thế giới khác với mọi người nhỉ? Vậy là tao không bình thường. Dù sao, nhà thương điên cũng chỉ dành cho những kẻ cá biệt, không thuộc về đám đông, dù không chắc hắn ta có vấn đề. Mà sao tao biết là tao đang không bình thường nhỉ? Khi đặt câu hỏi có nghĩa là tao đã xác định sự trục trặc của mình. Một suy tư triết học ư? Tôi bưng đầu: Thôi, mày đừng lý luận kiểu đó nữa. Tao nổ đầu bây giờ. Vào đó, cố tu tập một thời gian rồi trở về lấy vợ cho xong. Chắc mày bị rối loạn thần kinh thị giác. Mày bỏ bớt sách vở đi được không?

Linh gật đầu, bước chầm chậm vào trong khuôn viên xanh, nơi có nhiều người mặc pyjama trắng đi lại lờ đờ như những bóng ma. Dường như những câu hỏi vẫn luẩn quẩn trong đầu, nó quay lại cười: Mày vẫn không tin là có chữ bay hả Tự? Chữ bay thật đó. Chính tao thấy. Tao không nói láo đâu...

Tôi nhìn nụ cười lạc thần của nó: Không. Tao không tin.

Chào mày!

Linh mặc pyjama và đi lại cùng với những cái bóng trong khuôn viên xanh có mấy bờ cỏ và những ghế đá cũ. Mày cứ về trước đi. Tao ở vài hôm tĩnh tâm rồi quay về coi mọi thứ có khác  không... Tôi hỏi với theo: Mày liệu có bỏ được sách không? Nếu không thì cứ điện cho tao. Còn mấy cuốn triết bữa hổm tao mượn của mày. Tao sẽ bỏ được sách - nó dứt khoát, sự dứt khoát hiếm thấy - đừng nói chuyện sách với tao. Thật hãi hùng. Tôi nghĩ: Nó dứt khoát với sách như thế thì cũng yên tâm rồi.
Tôi thấy nó bước hẫng chân qua một lối đi trống trải. Rồi từ cái ghế đá bên vạt cỏ có vài chậu kiểng, một đám vài người mặc pyjama trắng tụ tập chỉ tay lên trời như thể có kẻ đang rao giảng một điều gì đó cao siêu hiện hữu trên những vầng mây. Tôi thấy Linh không đi nữa, mà lướt qua vạt cỏ, đến gần họ. Rồi vài ba người trong nhóm ấy cũng bay theo nó.

Trong khuôn viên bệnh viện tâm thần, những bộ pyjama trắng đi không chạm đất. Họ có thể làm gì họ nghĩ. Và họ sẵn sàng cùng trỏ ngón tay vào bất cứ đâu họ muốn.
Ai tin thì tin, không tin thì thôi.

***

2. Năm đó, chúng tôi mười tám tuổi.

Tôi sinh ra trước nó tám tháng.

Ba tôi và mẹ nó là đồng nghiệp ở thư viện huyện. Nghe đâu ngày trước hai người cũng có tình ý, định lấy nhau thì ba tôi làm cho một độc giả nữ xinh đẹp có bầu. Độc giả nữ xinh đẹp ấy chính là mẹ tôi. Buồn tình, sau khi chia tay ba tôi ít lâu, cô thủ thư nhu mì có đời sống âm thầm buồn tủi đã đi đến hành vi quan hệ tình dục trong công sở với một ông thanh tra văn hóa. Phải nói rằng, về mặt tâm lý tình dục thì cô thủ thư chính là kẻ động tình trước. Còn gã thanh tra văn hóa chỉ bị động trong vụ bê bối này. Ba tôi nói, cô ấy có mùi chồn hương ở dưới nách. Và trong một số trường hợp, mùi ấy có thể khiến cho những kẻ đàn ông chung thủy nhất với vợ cũng phải phạm tội.

Hành vi bùng phát ẩn ức ấy đã bị ba tôi bắt quả tang. Sau khi làm một tờ kiểm điểm dài ba trang tường thuật lại vụ việc cho giám đốc thư viện (là chính ba tôi), cô thủ thư quen sống đời cam chịu ấy bước vào thời đoạn chẳng mấy huy hoàng: có thai, sinh ra thằng Linh. Nhưng không được ông thanh tra kia cưới. Đơn giản là vì hắn đã có vợ hiền con ngoan. Hắn thề rằng, nếu vụ việc vỡ lở thì không phải chỉ hắn mất chức mà cả cuộc đời cô thủ thư cũng chẳng ra gì. Thế nên, sự việc dừng lại ở hướng xử lý nội bộ. Với sự mã thượng của một giám đốc, ba tôi tha thứ và coi đây là cách mà ông khôi phục hình ảnh với người tình mà mình từng phản trắc.

Chuyện dài dòng, éo le là thế, nhưng chỉ được kể tóm tắt trong vài bốn câu không mang một màu sắc hay cảm giác nào: “Con với nó hãy xem nhau như anh em. Vì ba từng yêu cô ấy. Mẹ thì  cướp ba từ mùi chồn hương của cô ấy. Và ba từng giằng cô ấy ra khỏi tay ba thằng Linh...”.

Chỉ có thế. Thật bình thản. Từ khi ly dị với mẹ, ba tôi vẫn thường sang nhà thằng Linh uống trà. Những khi ấy tôi và nó ngồi ngoài vườn bàn chuyện triết học. Nó thích Krishnamurti. Tôi thích Edgar Morin. Nó thích chiêm nghiệm và khám phá sự tĩnh lặng của nội tâm. Tôi thích những vấn đề thuộc về tầm nhìn thế giới, một thứ triết học đại đồng mới, cho phép người ta không an phận mà có thể chung sống hạnh phúc trên mặt đất.

Khi chúng tôi đang nói về việc xây dựng một trái đất mà con người sống chung bằng tình yêu và sự tha thứ, tôn trọng những khác biệt văn hóa và biết chăm chút cho sự giàu có nội tâm thì bất giác thằng Linh kêu: Mày nhìn chùm phong linh trên nóc nhà kìa. Ông già mày và bà già tao đang làm cho chúng giãy giụa. Sao lại thế nhỉ? Sao sự ham muốn lại bùng phát ở bối cảnh này nhỉ? Mắt nó hoang mang. Tôi trấn an: Có thể mày và tao là anh em cũng nên. Điều đó không quan trọng. Tao chỉ lạ là ở tuổi đó mà họ vẫn tập trung cho những mục tiêu rất cụ thể. Còn tao với mày thì chỉ biết đọc sách và ngẫm ngợi, chả có mục tiêu gì... Thằng Linh nói, mắt vẫn nhìn lên chùm phong linh đang kêu ling đing... ling đing... đầy bí mật. Tôi thấy nóng ở trong quần. Tôi nghĩ Edgar Morin có lý khi cho rằng, với con người ý thức thì vấn đề hang động vẫn còn đó. Vấn đề phòng kín cũng còn đó...

Tôi và thằng Linh đánh trần, nằm ôm nhau ngủ dưới gốc cây trứng cá. Thi thoảng bàn tay có những ngón lùn của hắn vuốt trên tấm lưng nhẫy mồ hôi của tôi. Chúng tôi chẳng biết làm gì với sự xao xuyến và chút thèm muốn len đi trong cơ thể. Cổ họng tôi nóng bỏng, lắng nghe buổi chiều trôi qua như giấc mơ. Một giấc mơ chung của hai đứa con trai mười tám tuổi, không hình hài. Nó để lại trong trí nhớ những cảm giác mơ hồ.

Chúng tôi đã gần gũi nhau như có một định mệnh nào đó, trong giai đoạn mà tình cảm giữa ba tôi và mẹ nó đang diễn ra phức tạp.

Mẹ tôi vài lần trở về nhà và thấy trên tường treo bức ảnh thời con gái của cô thủ thư xinh đẹp. Bà lẳng lặng rót ly nước lạnh uống vài ngụm, xong tạt chỗ nước còn lại vào giữa mặt mình. Tôi đồ rằng trong đám nước bám đầy da mặt bự phấn của bà không có giọt nước mắt nào hòa lẫn. Tất cả đã muộn rồi. Mẹ tôi đã đâm đơn ly dị và tôi đau đớn nghĩ rằng, bà không còn chung thủy với ba con tôi nữa.

Nhưng phạm trù chung thủy thật mơ hồ. Ba tôi không phải là một triết gia. Mẹ tôi có một mục tiêu thực dụng nào đó. Đồng lương giám đốc thư viện mười chín năm nay của ba tôi vẫn thế. Luôn ở mức rón rén với thời giá dù nền kinh tế lạm phát hay dễ thở. Ba tôi vẫn co người về phía trước, đạp xe vượt mấy con dốc đến công sở. Mười chín năm với thứ nhịp chậm đều, trên cái nền bát nháo âm thanh đủ thứ xe cộ bóng loáng. Mặc. Dường như ông không hề nghe thấy. Con đường từ nhà tôi đến thư viện ngày trước ếch nhái kêu uềnh oàng nay đã phong tỏa bởi những tòa cao tầng, phố mới, trụ sở tập đoàn. Ông giám đốc thư viện vẫn chẳng bận tâm. Trong khi đó, những dãy xanh đỏ trên thị trường chứng khoán đã khiến mẹ tôi lao vào cuộc sống ảo. Mẹ tôi nhìn cảnh các sàn chứng khoán phố Wall người ta gào thét ôm nhau hay vò đầu bứt tai trên bản tin thời sự với một trái tim phập phồng đầy cảm hứng. Còn ba tôi thì vô cảm cười khẩy: Sao thiên hạ điên thể?

Ba và mẹ tôi đã không gặp nhau trên cùng hệ thời gian.

Suốt mười tám năm trời, ba tôi nuôi bảy con vẹt. Và bảy con vẹt rốt cuộc đều gặp nhau ở một điểm: chúng để lại một tiếng kêu thất thanh “An! An...” - tên của mẹ thằng Linh - trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nghĩa là khi chúng biết há những chiếc mỏ đỏ kêu gào tên người đàn bà ấy, thì mẹ tôi trở thành kẻ sát sinh bí mật. Tôi và ba đã bảy lần ôm xác chim ngồi nhìn nhau nhưng rồi đâu vẫn lại vào đó. Sau cái chết của con vẹt thứ bảy, ba nói với tôi: “Không nhất thiết phải nuôi chim. Tiếng nói giấu trong nội tâm là tiếng nói chẳng bao giờ bị giết chết!”. Ba tôi trầm ngâm, nhắm mắt. Và tôi hiểu rằng, trong trái tim ba tôi vẫn còn những tiếng kêu “An! An...” của con vẹt thứ bảy.

Sau mỗi con vẹt bị giết, tôi phải giải thích với mẹ rằng, loài chim vô tri. Nó chẳng biết đến thù hận của con người. Nó đang kêu “Ăn! Ăn...”, sao mẹ lại giết nó. Mẹ tôi xù lên như một con gấu rừng già: “Cha con mày coi tao chẳng ra gì. Chuyện lố bịch nhãn tiền vậy mà mày còn bênh ổng. Mày có thấy mẹ khổ không hả Tự? Mười mấy năm ổng cứ sống trên mây. Ngày thì ở thư viện với con An. Tối về lại dạy chim gọi tên người tình như thế... Tao biết cả cái kệ sách nào họ chùng lén vụng trộm với nhau, mày có biết không hả con? Mày cứ lớn lên đi rồi hiểu nỗi lòng của mẹ. Mà thôi, mày cũng là đàn ông. Đàn ông bọn mày đều chẳng bao giờ hiểu nổi cái gì...”.

Khi ấy, bản tin chứng khoán trên ti vi đã kéo mẹ tôi ra khỏi xúc cảm lằng nhằng ấy bằng một mẩu tin: Phố Wall kết thúc phiên giao dịch chẳng những không tăng mà còn giảm mạnh, chỉ số Dow Jones rớt từ 157,47 điểm xuống còn 10,325,38 điểm, ông Bush đang kêu gọi quốc hội giải cứu tài chính Mỹ...

Tôi vẫn đứng tựa cột khóc. Tôi bị xúc phạm. Nhưng trong tôi dấy lên một lòng thương, một sự đồng cảm. Tôi thương những con chim chết đói thế nào, tôi cũng thương mẹ tôi như thế. Nhưng có gì đó vẫn làm tôi không thể gần bà. Hệ thời gian giữa tôi và mẹ cũng đã đổi trục.

Đó chỉ là những cung bậc buồn của một bản giao hưởng nhiều nhạc khí. Nói đúng hơn, thực tế cũng không đến nỗi nào. Tôi vẫn nhìn mẹ với đôi mắt đầy ngưỡng mộ, người phụ nữ nhanh nhạy không ngừng nỗ lực đem lại cho gia đình sự sung túc. Và tôi luôn nghĩ về công việc thầm lặng nhưng đầy lý tưởng của ba suốt hăm mấy năm trời luẩn quẩn với cái phòng đọc đầy những ám ảnh quá khứ. Mớ sách cũ ở đó được thay bằng một mớ sách cũ khác. Nó cứ chất đống lên trong hốc tối ẩm thấp. Ngày càng ít người lui tới. Cái phòng đọc ngày xưa hoành tráng trong mắt tôi nay đã thu lại nhỏ bé và buồn tủi trong hốc xó của một khu phố đang xây dựng rộn ràng, đi đâu cũng thấy vôi vữa và biệt thự của quan chức.

Thời buổi ăn nên làm ra, người ta bỏ tiền triệu mua sách bìa cứng về chưng vào tủ, cho phòng khách có vẻ trí thức, ai bỏ thời gian vào ngồi trong cái thư viện xập xệ, mốc thếch, nơi chỉ một giám đốc tóc bạc ươn lười và một thủ thư hồi xuân ngồi nhìn ánh sáng xuyên qua những lá sách cửa sổ như những pho tượng buồn sót lại của thời gian.

***

Khi ba mẹ chia tay nhau, tôi mới thấy rằng điều đó tốt cho cả hai. Trong cái thế giới này, họ chưa từng gặp nhau dù thể xác bên nhau, ăn, ngủ, sinh con với nhau. Và tôi chỉ là viên sỏi rơi ra từ cái kẽ nứt vô tình nào đó trong muôn vàn va chạm mông lung này. Tôi hồn nhiên rớt ra mà  chưa từng đặt dấu hỏi cho sự có mặt lạc lõng này. Cho đến khi gặp thẳng Linh, tôi mới thấy rằng, hóa ra việc đọc sách cũng làm cho mình có anh em, có bằng hữu, và cái gì đó mơ hồ tựa khoái cảm. Nó không còn là những chuyến đi cô đơn thăm thẳm chẳng về đâu, không còn là một sự mê đắm mụ mị trong hốc tối của chính mình.

Thằng Linh nói rằng, cho tới khi vào trong bệnh viện tâm thần, vẫn có nhiều người đàm đạo về sách vở. Tôi không tin. Nó nói, dân triết trong đó nhiều lắm. Rằng, thực ra thì cuộc sống ngoài này mới điên cuồng. Những người trong đó rất minh triết. Nó làm cho tôi tin. Tôi ngưỡng mộ thế giới trong lành ở sau bức tường đó.

Với ba tôi, việc đọc diễn ra một cách kiên trì, lặng lẽ và chỉ để quyết định ký hay không ký vào  tờ đơn dài ngoằng ngoẵng những tên sách cũ mèm: 10 bí quyết nuôi heo sớm xuất chuồng, Phân bón và những vấn đề cần biết, Cẩm nang tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở, hay một cuốn mà ba tôi rất tâm đắc là Hỏi và đáp về sinh lý thời kỳ tiền mãn kinh. Tôi đã đi qua đi lại trước những kệ sách của ba và xác nhận rằng, công việc của ba cũng là một sự theo đuổi đam mê.

Tôi nói:

- Con không thấy người ta tới đọc nhiều như trước.

Ba nói:

- Nhưng nhiệm vụ nâng cao dân trí không được bỏ. Chỉ cần mỗi tháng có ba người đến đọc sách nuôi heo cũng có nghĩa là chúng ta đã tăng cường nhận thức cho ít nhất ba gia đình.

- Đọc sách ở thư viện của ba thì chắc người ta chẳng làm được gì. Nuôi heo bây giờ cũng đâu có nuôi với cám, ba ơi.

Ba tôi không tự ái, ông đến ngồi xuống trước mặt, nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Con nghĩ vậy sao? Ba cũng từng nghĩ vậy. Nhưng cái thư viện này không còn mấy ông hưu trí đến, thì cha con mình húp cháo. Chưa kể...

Tôi hiểu còn có cô An và thằng Linh đứng sau những chấm lửng ấy. Họ đã tồn tại trong những khoảng lặng của gia đình tôi mười tám năm nay. Họ sẽ vẫn đứng đó, nhìn chúng tôi, trong lúc mỗi người trong gia đình tôi nhìn về một hướng.

***

3. Dù sao thì chuyện cũng đã qua. Mẹ tôi cuốn gói ra đi với một ông chủ sàn chứng khoán. Có lẽ họ đã tìm được một hệ thời gian rất chung nào đó. Ba tôi cũng có buồn vài ngày. Ông mở cửa tủ lạnh ra, ngồi đó hứng hơi mát, huýt sáo vu vơ, không một cung bậc, tiết tấu nào nhất định. Ông đánh trần, xo ro, thi thoảng bốc vài quả nho cho vào miệng nhai rột roạt. Nho chua mà ba tôi bình thản như đang nhẩn nha ăn bánh ngọt. Còn tôi ngồi bên bàn học, không sao tập trung được. Tôi nghĩ về mười tám năm dài chúng tôi đã sống như ba thế giới với ba tính cách hoàn toàn khác biệt. Tôi không hiểu điều gì đã gắn bó người ta trong cuộc đời này, khi mà sự đơn độc nghiệt ngã diễn ra cả trong quan hệ máu mủ, hôn nhân.

Tôi nhớ đến những phút ân cần hiếm hoi của mẹ cho tôi cảm giác hạnh phúc là cái sờ chạm được. Tôi nhớ đến lời dặn dò duy nhất mẹ tôi dành cho đứa con trai có thiên hướng giống bố rằng, con hãy sống và hiểu mẹ. Và tôi nhận ra sự tuyệt vọng của bà khi cái suy nghĩ đàn bà mách bảo bà rằng, đứa con trai của bà cũng chỉ là một thằng đàn ông sống trên mây, thiếu thực tế như chính người chồng đầy hư ảo của bà.

Tôi hiểu mẹ, khi bà tự tạt nước đá vào mặt mình. Tôi ôm lấy bà mà khóc. Tôi cảm nhận sợi dây nối giữa tôi và mẹ là có thật. Thứ mà bấy lâu, cùng với sách vở, tôi trở nên lý tính và đâm ra lạnh lẽo. Sợi dây ấy bị rã đi bởi thời gian, khoảng cách và những thành kiến.

Rồi bà lại rời xa ngôi nhà. Bà nói, mẹ đã sai. Mẹ giết nhầm bầy vẹt. Lẽ ra mẹ không nên ghen tuông như vậy. Mẹ vừa hiểu ra chúng nó đói và đòi ăn.

Ba tôi trở về. Tôi bảo mẹ có đến. Ông hỏi lại, vậy à? Trông mẹ con thế nào? Tốt. Mẹ chỉ hơi buồn. Mẹ đã nhận ra bầy vẹt bị giết oan. Mẹ đã chế aspirin vào nước uống của chúng. Mẹ vẫn nằm mơ thấy chúng bay về bên cửa sổ, đậu theo hàng ngang và đồng thanh kêu “Ăn... Ăn...”. Tôi nói giọng hơi mờ đi vì xúc động. Không sao. Mẹ không nên sống trong mặc cảm tội lỗi như thế. Điều gì rồi cũng sẽ quen...

Ba tôi móc áo lên tường và nằm khùm trên phản. Một dáng vẻ teo thắt khổ hạnh. Một cơ thể sẵn sàng cho sự bốc hơi. “Không oan đâu con. Chúng là những con vật gọi được ý nghĩ của ba. Chúng là những con chim biết gọi tên người. Ba muốn mẹ con không phải dằn vặt về chuyện ấy nữa...”.

***

Ngoài hiên ngập một màu trăng. Tháng mười. Những đợt gió hiu hiu. Tôi vặn nhỏ đèn. Và mắt cứ nhìn ra cửa sổ chia bốn ô ngay ngắn.

- Ba có tin tức gì của thằng Linh không?

- Nghe nói nó xin ở lại trong đó. Cô An rất khổ sở... Bác sĩ bảo nó vẫn đọc sách và bây giờ còn thêm thói quen đưa đầu vào dưới chụp đèn bàn, nhìn sợi dây tóc của bóng đèn và nói lảm nhảm.

- Sao... Vậy là sao hả ba?

- Nó tìm được mấy ông bạn mê triết. Nó đã thi xong các khóa cơ bản để xuất viện. Nó hoàn toàn bình thường. Nhưng nó không thích trở lại ngoài đời. Có lẽ màn ngắm bóng đèn chỉ là màn kịch nó bày ra để được ở lại trong ấy...

- Nó còn triệu chứng thấy chữ bay không?

- Ba không biết. Hôm nào con mua ít trái cây vào thăm, hỏi nó xem.

- Con hỏi thiệt, có bao giờ ba nghĩ cô An cũng là người lạ lùng không?

- Lạ lùng thế nào? Ba thấy cô ấy mạnh mẽ, dám sống cho tình yêu và công việc. Hai mươi năm nay cô ấy vẫn ngồi ở góc đó. Phải yêu nghề lắm, mới chăm lo cho dân trí... cho văn hóa đọc...

- Con không tin. Văn hóa đọc chỉ là ngôn từ rỗng. Ba có thấy cái thư viện một giám đốc một thủ thư của ba là chỗ khép kín nhất của thành phố không? Nếu thằng Linh khỏi bệnh, tụi con vô đại học, ba với cô An lấy gì lo...

- ...
- Ba! Ba có nghe không?

Ba tôi nằm lặng, như hồn đã thoát xác, bay đến một cõi trời nào.

Đêm bên ngoài vẫn ngập trăng. Và gió quất vi vút. Thoảng mùi một cơn mưa nào đó xa lắm. Tôi trở mình nằm úp mặt. Chiếc phản phẳng lì đã nhiều đêm làm tôi đau lưng ê ẩm.

Nửa đêm.

Tôi vẫn nằm nhìn bốn cái ô vuông đầy trăng trên cửa sổ. Ba vẫn ngủ say. Và thi thoảng trở mình, nói ấm ớ: “An, sách đổ... Sách đổ...”.

***

4. Linh nói:

- Mày thấy không, mẹ tao ngày càng trẻ. Trong mắt tao, hình ảnh lặng lẽ cam chịu của bà làm cho tao cảm phục đã không còn. Bà ấy đang sống cho dục vọng. Bằng mọi giá. Bất chấp tất cả. Điều gì xảy ra bên trong một bóng đèn đang cháy? Nó có đang chết không?

Tôi nói:

- Sao mày không trở về. Rốt cục thì câu chuyện chữ bay là có thật không? Mày đã đánh lừa được mọi người. Mày giỏi lắm Linh à. Nhưng mà tương lai của mày không phải ở nhà thương điên với mấy ông bạn ngộ chữ. Mày phải trở về. Tao và mày đã lớn lên trong kho sách ấy, cái kho sách cũ kỹ, đầy mạng nhện lại là nơi tao và mày được sinh ra. Mày hiểu không? Mày phải trở về.

Mẹ tôi nói:

- Vặn tủ đá ở nhiệt độ vừa phải kẻo thức ăn đông cứng. Vừa mất công rã đông vừa ăn không ngon. Và đừng để ba con ngồi trước tủ lạnh mở toang. Rất tốn điện. Và có khả năng ổng cũng sẽ đông cứng.

Ba tôi nói:

- Người ta vẫn có thể đọc sách dạy nuôi lợn sao cho mau chóng xuất chuồng. Mục tiêu nâng cao... À, con biết không. Khi con làm đàn ông, con sẽ hiểu điều gì quan trọng. Và cả những điều không quan trọng có khả năng trở thành quan trọng. Con sẽ hiểu. Nó không quá khó.

Mùi chồn hương ở người đàn bà ấy đã mất.

Cô An nói:

- Mãi mãi, tôi là người đàn bà lặng im.

Và tôi trong cái thư viện này, vẫn lặng lờ trôi giữa những giá sách cũ kỹ. Tôi thích màu của thứ ánh sáng tháng mười lọt qua những thanh lá sách của khung cửa sổ. Ở đó có nhiều cuốn triết học khá nặng. Những cuốn sách thường ngã xuống và được dựng lên. Ánh sáng buổi chiều tháng mười lọt qua những lá sách.

***

5. Và cuối cùng, lại là Linh:

- Chữ bay là điều có thật. Chữ bay đầy không gian. Đến là khó thở. Ai tin thì tin. Không thì thôi.

Và tôi thấy nó bay qua hành lang những người bận pyjama trắng. Nhiều người bay theo. Và họ chao lượn như thế trong không gian tuyệt vời trong suốt ấy.

Họ là thiểu số thấy được những điều mà mọi người thường không thấy. 

Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.