Vắt kiệt sức cho xuất khẩu

15/10/2008 22:50 GMT+7

5,5 tỉ USD cho mỗi tháng còn lại là con số mà cả nước phải đạt được để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 65 tỉ USD của cả năm 2008.

Khó khăn

 Ngày 15.10, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm và thúc đẩy xuất khẩu cuối năm để đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra. 

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay đạt 48,56 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007. Tháng 9 tuy tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã giảm 11,9% so với tháng 8, trong đó kim ngạch xuất khẩu dầu thô, hàng dệt may, giày dép, gạo, thủy sản... đều giảm. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: "Mục tiêu của xuất khẩu 3 tháng cuối năm là phải đạt thêm 16,5 tỉ USD nữa. Tuy nhiên, để đạt được con số này là rất khó khăn, bởi lẽ nhiều mặt hàng đã cạn kiệt nguồn cung và đã tăng trưởng kịch trần nên ít có khả năng tăng đột biến. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới lại đang lâm vào chu kỳ khủng hoảng, từ đây đến cuối năm chưa thấy mặt hàng nào có thể tăng giá mà chỉ có thể giảm, hoặc chỉ có thể phục hồi lại mức giá cũ sau khi đã giảm nhiều".

Ông Phạm Thế Dũng - Tổ trưởng Tổ điều hành xuất nhập khẩu liên bộ - cũng thừa nhận: "Trong tháng 9, chúng tôi dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt từ 5,5- 5,6 tỉ USD, nhưng con số cuối cùng chỉ đến 5,3 tỉ USD. Với khó khăn hiện nay thì chỉ có thể đạt khoảng trên 5 tỉ USD mỗi tháng".

Doanh nghiệp lo lắng  

Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) lại chưa được đáp ứng những điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Nguyễn Công Quyền - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - thông báo: "Theo thống kê của hiệp hội, với những khó khăn trong năm nay, chỉ có khoảng 50% DN gỗ có thể trụ được, 30% DN lâm cảnh khó khăn, 20% còn lại đã và sẽ phải phá sản". Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội Tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cũng lo lắng: "Mỹ và các thị trường khác đang thắt chặt tín dụng, khách hàng nhập khẩu thay vì trả tiền ngay khi giao hàng như trước thì hiện nay lại yêu cầu được trả chậm sau khi bán được hàng, dẫn đến xuất khẩu đình trệ. Các nhà máy chế biến thủy sản cũng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, bình quân mỗi nhà máy thiếu khoảng 40% nhân công. Hàng chế biến xong thì lại phải chờ đợi nhà máy sản xuất bao bì vì họ thường xuyên trễ hẹn do cúp điện. Tình hình kẹt kho, kẹt cảng, thiếu xe container vận chuyển cũng hạn chế khả năng xuất khẩu của DN". 

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết Bộ Công thương sẵn sàng làm việc với từng hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn. Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiến nghị để tạo điều kiện cung cấp đủ vốn, giảm lãi suất cho vay, giảm các chi phí liên quan đến doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Mỹ và EU siết chặt gỗ nhập khẩu

Theo hiệp định "Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ" (FLEGT) do EU khởi xướng, mỗi chuyến hàng xuất khẩu vào EU sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra các bằng chứng gốc của lô hàng xem có hợp pháp hay không. Hiệp định này nhằm chống lại việc khai thác gỗ lậu gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Đạo luật Lacey của Mỹ có hiệu lực vào cuối năm nay cũng quy định hành động lấy gỗ, khai thác, sở hữu, vận chuyển, bán hoặc xuất khẩu không tuân thủ quy định của luật pháp ở bất cứ quốc gia nào cũng được xem là vi phạm tại Mỹ.

Quang Thuần


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.