Thị trấn của những người chết trẻ

13/10/2008 00:11 GMT+7

Mỗi năm, thị trấn có 20-30 người chết vì bệnh ung thư, chiếm khoảng 70% trong số các trường hợp khai tử. Hầu hết những người chết còn rất trẻ...

Lãnh đạo thị trấn Minh Đức, H.Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết thông tin trên khi tôi đến trao số tiền 14.447.000 đồng của đêm nhạc Toyota, (tổ chức tháng 7 vừa qua tại Hải Phòng), cho gia đình anh Bùi Ngọc Võ, 40 tuổi, bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Đó là toàn bộ tiền bán vé, theo nguyện vọng của ban tổ chức, dành tặng cho người chịu ảnh hưởng của nạn ô nhiễm môi trường. Văn phòng Báo Thanh Niên tại Hải Phòng đã liên lạc và UBND thị trấn Minh Đức giới thiệu anh Võ, được xem là trường hợp khó khăn nhất ở nơi ô nhiễm nhất thành phố cảng.

Nhìn đâu cũng thấy ung thư

Các khu dân cư của thị trấn Minh Đức có tên rất đẹp. Anh Võ ở khu Quyết Thắng, giáp chân núi đá hoang vu. Căn nhà nhỏ lợp phibrô xi măng mới xây còn chưa quét vôi. Anh Võ quấn chăn quanh cổ nằm lịm trên giường không nói được, chỉ chào khách bằng ánh mắt. Chân tay anh đã quắt lại, tái ngắt; cổ tấy đỏ, sưng to. Chị Cao Thị Phẩm, vợ anh, nói mà như mếu: "Nói mãi, có thương vợ thương con thì cố mà húp tí cháo. Nhưng đau lắm, có ăn được đâu. Còn được ngày nào biết ngày ấy thôi".

Hai vợ chồng anh Võ sống bằng nghề làm đá thuê để nuôi ba cô con gái đang đi học. Tết ra, anh Võ kêu đau họng, đi khám thì bệnh viện xác định đã ung thư rồi. "Ngay khu Quyết Thắng này, tháng trước ông Lộc cũng ngoài 40, khỏe mạnh bình thường, bỗng cái cổ to lù ra, đi khám viện trả về, một tuần thì chết. Trước nữa là ông Minh, mới ngoài 50, ở khu Quyết Tiến. Đầu năm thì ông Hạng ở khu Hoàng Tôn. Không tin bác cứ đi hỏi mà xem. Đều chết vì ung thư cả" - chị Phẩm nói.

Chị Phẩm đang chăm sóc chồng

Nhà chị Phạm Thị Hiển, 32 tuổi, ở khu Quyết Tâm, cạnh con đường đến mỏ đất sét của Nhà máy xi măng Chinfon. Tháng 11.2007, chị sinh con nhưng mấy tháng sau vẫn còn ra máu. Đi khám, bệnh viện phát hiện chị bị ung thư dạ con. Nạo mấy lần không khỏi, bác sĩ chỉ định cắt dạ con, buồng trứng rồi truyền thuốc. 150 triệu đồng chi phí có vẻ như đã mua lại được mạng sống cho chị, nhưng tóc rụng hết, chân đi không vững, đứa con chưa đầy tuổi phải gửi ông bà nuôi hộ. Anh Nguyễn Văn Trưng, chồng chị, cho biết ông Nguyễn Văn Trong là bố đẻ của anh cũng mới chết vì ung thư gan hai tháng trước.
Tháng 8.2006, Sở Y tế Hải Phòng có một cuộc điều tra về bệnh ung thư ở Minh Đức. Theo đó, từ 2004 đến tháng 8.2006 có 40 trong số 142 người chết được xác định vì bệnh ung thư, chiếm 28,2%. Riêng 6 tháng đầu năm 2006 có 16/29 người chết do ung thư, tức 55,2%. Lần này đến Minh Đức, tôi được ông Lê Văn Hiên, Chủ tịch UBND cùng nhiều cán bộ chính quyền, đoàn thể của thị trấn thông báo sự gia tăng đáng sợ của căn bệnh hiểm nghèo này: mỗi năm có khoảng 20 - 30 trường hợp chết vì ung thư vòm họng, dạ dày, gan, phổi, chiếm đến khoảng 70% số trường hợp khai tử. Đa số người chết vì ung thư còn trẻ, khoảng
từ 30 - 50 tuổi.

Nơi của những... Ninja

Nguyên nhân của những ca bệnh ung thư ở Minh Đức do đâu? Báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng không khẳng định nhưng nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường. Năm 2005, Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường Hải Phòng từng có một khảo sát và xác định ô nhiễm bụi ở Minh Đức có lúc, có nơi cao hơn mức cho phép đến 12 lần. Thành phần asen, một chất độc trong nước ngầm, cũng cao. Còn bây giờ, không cần đo đếm gì mà chỉ bằng cảm quan đã thấy ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí, ở đây đang ở trên mức báo động.

Hầu như lần nào đến Minh Đức, tôi cũng chụp được ảnh hai nhà máy xi măng ở đây xả khói ra khiến cả thị trấn này phủ đầy bụi trắng. Qua đấu tranh của người dân, Nhà máy xi măng Chinfon nay chỉ xả khói vào ban đêm. Nhưng ở Nhà máy xi măng Hải Phòng thì trời mưa hoặc giữa ban ngày, khói lò vẫn xả cuồn cuộn. Người Minh Đức không mấy khi mặc áo trắng vì sợ bụi. Có giặt áo quần thì phải hong trong nhà, nếu để ngoài sân chỉ tiếng đồng hồ đã đầy bụi trắng.

Không chỉ khổ vì khói xi măng, Minh Đức còn nhiều cơ sở công nghiệp khác có thể gây ô nhiễm: Nhà máy tàu biển Phà Rừng, Nhà máy hóa chất Minh Đức, mỏ đá Tràng Kênh... Một nữ cán bộ UBND thị trấn "kể tội" Nhà máy đất đèn Tràng Kênh: "Độc nhất là ông này. Khói mà phả vào mặt thì mắt mũi cay xè, hắt hơi cả ngày không dứt. Làm ở đấy da dẻ ai cũng xám lại, anh nào mau mau xin về thì còn sống được vài năm, chứ có ở thì cũng chẳng kịp nhìn thấy cái sổ hưu nó như thế nào". Nhà máy đất đèn có từ thời Pháp thuộc, khi đó Minh Đức còn là một khu đồi núi hầu như không có người ở, nay dân số tăng lên, nhà máy nghiễm nhiên ở trong khu dân cư...

Các cán bộ thị trấn lại tiếp tục đọc vanh vách danh tính những người đang là nạn nhân của bệnh ung thư: ông Long làm ở mỏ đá Tràng Kênh, nhà ở khu Quyết Hùng, sắp chết; ông Chiện ở cạnh cổng phụ Nhà máy xi măng Chinfon cũng vậy, đến hỏi ai cũng biết...

Năm 2007, TP Hải Phòng đã xây dựng cho Minh Đức một nhà máy nước sạch. Các doanh nghiệp cũng đóng góp để làm 3 km đường nội thị, sắp tới có thể còn có một dự án xử lý nước thải. Nhưng nước sạch vẫn chưa đến với đa số, dân vẫn phải dùng nước mưa, nước giếng khoan hoặc giếng khơi. Có đường mới, song bụi vẫn ở trên mức chịu đựng khiến địa phương phải thuê 2 chiếc ô tô suốt ngày tưới nước ra đường. Nhưng bụi vẫn không giảm nên người dân luôn phải che mặt kín mít khi ra đường. Đến nỗi, một đồng nghiệp của chúng tôi về Minh Đức chụp ảnh đã phải thốt lên rằng, đây là thị trấn của những Ninja!

Chỗ nào cũng bụi, nhưng điển hình nhất là đoạn đường cấp phối dài khoảng 3 km qua hai khu dân cư Quyết Tâm, Quyết Hùng. Từ sáng đến tối, khó tìm thấy một phút vắng tiếng xe tải hạng nặng chở đất sét cho Nhà máy xi măng Chinfon. Nhà nào cũng đóng kín cửa, cổng che bạt nhưng bên trong vật gì cũng phủ bụi cả lớp. Thấy tôi dừng xe hỏi chuyện, một phụ nữ tên Ngà ở khu Quyết Hùng chỉ vào đứa con nhỏ: "Suốt ngày cháu nó sổ mũi, chảy nước mắt rồi ho bác ạ. Bụi kinh lắm!". Hai cô gái trẻ mặt đeo khẩu trang kín mít xưng tên là Vân và Sen đi qua, góp chuyện: "Bác xem đá chặn ô tô chở đất đây này. Khổ quá không chịu được, chúng cháu vần đá ra chắn xe đấy".

Gặp đá chặn đường, lái xe nhảy xuống lăn đi chạy tiếp. Mỗi chiếc xe chở đất đều đậy hờ một tấm bạt trên thùng nhưng chẳng ăn thua gì vì đường xấu, xe bẩn, bụi vẫn hoàn bụi. Nhà nào có điều kiện thì mua máy bơm, phun nước ra đường cho đỡ bụi. Ô nhiễm môi trường ở Minh Đức không hề giảm mặc dù người ta có vẻ đã tròn trách nhiệm sau khi đã xây được nhà máy nước, làm mấy km đường và tổ chức vài chục người quét dọn, tưới nước... Một cụ già ở khu Quyết Thắng - đang phun nước trước nhà - nói khi thấy tôi chụp ảnh: "Các chú cứ nói mạnh về môi trường hộ chúng tôi xem có chuyển biến được tí nào không, chứ bụi bặm độc hại như thế này thì sống làm sao nổi!".

Phóng sự của Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.