Sẽ có mặt bằng lãi suất huy động mới?

07/10/2008 23:02 GMT+7

Ngày 8.10, Hiệp hội Ngân hàng sẽ chủ trì cuộc họp với các ngân hàng thương mại về vấn đề lãi suất. Một trong những nội dung quan trọng nhất của cuộc họp là thống nhất về mặt bằng lãi suất huy động.

Hiện nhiều ngân hàng vẫn chỉ giảm lãi suất huy động từ từ, chưa dám giảm nhanh, mạnh vì sợ vốn dịch chuyển sang ngân hàng khác. Chưa hết, lãi suất đầu ra lại giảm nhiều hơn đầu vào nên các ngân hàng muốn thống nhất với nhau mặt bằng lãi suất huy động để việc giảm diễn ra thuận lợi, an toàn.

Liệu mặt bằng lãi suất huy động mới có bị hạ đến mức làm tổn hại lợi ích của người gửi tiền? Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank nói: "Các ngân hàng sẽ bàn bạc mặt bằng lãi suất hợp lý để cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp". Tuy nhiên, ông Vinh nhận định: mặt bằng lãi suất huy động VND nên giảm vì tháng 9.2008, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,18% so với tháng trước - mức thấp nhất trong nhiều tháng qua; lạm phát kỳ vọng những tháng tới cũng giảm. Thêm vào đó, thanh khoản của các ngân hàng hiện khá tốt thì việc hạ lãi suất đầu vào cũng tạo điều kiện để các ngân hàng hạ lãi suất đầu ra, hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Động thái "bắt tay" để tạo ra mặt bằng lãi suất huy động mới không được các chuyên gia kinh tế ngoài ngành ngân hàng ủng hộ. Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư nhận định: "Nếu cứ tiếp tục làm theo kiểu trần lãi suất huy động sẽ là một biện pháp chèn ép hàng triệu người gửi tiền và thực ra các ngân hàng có năng lực tài chính khác nhau cũng cần huy động ở mức lãi suất khác nhau".

Bình luận về việc các ngân hàng "bắt tay" nhau để tạo ra mặt bằng lãi suất huy động mới, ông Phan Đức Trung - Tổng giám đốc FPT Capital nói: "Hiện nay tình hình hoạt động của nhiều ngân hàng tại Việt Nam rất khó khăn, điều này rất không tốt cho nền tài chính quốc gia nói chung. Chính vì thế, khi tìm cách làm tình hình tài chính của hệ thống này lành mạnh hơn thì một trong số những biện pháp được đưa ra là thống nhất mặt bằng lãi suất mới, sẽ có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền tại ngân hàng". Ông Trung nói thêm: Nếu chỉ xét đơn thuần ở góc độ người gửi tiền thì các cơ quan quản lý không nên ủng hộ. Nhưng hãy nhìn sang Mỹ, ban đầu Hạ viện Mỹ không thông qua kế hoạch giải cứu cả gói trị giá 700 tỉ USD vì họ không đồng tình dùng tiền đóng thuế của người dân để cứu các ngân hàng. Nhưng sau đó, họ cũng thấy rằng, nếu không cứu các ngân hàng, khủng hoảng tài chính tại Mỹ trầm trọng hơn thì phần thiệt hại cho những người đóng thuế sẽ lớn hơn 700 tỉ USD rất nhiều. Và họ quyết định thông qua.

Trả lời Báo Thanh Niên về việc các ngân hàng thương mại "bắt tay" để thống nhất mặt bằng lãi suất huy động chung, đại diện có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) nói: "Về mặt nguyên tắc, NHNNVN khuyến khích các ngân hàng căn cứ vào tình hình lạm phát, cung cầu vốn trên thị trường và thanh khoản để điều chỉnh mức lãi suất cho vay, huy động ở mức thích hợp. Các ngân hàng thương mại cũng nên có sự thống nhất tương đối về lãi suất huy động để tránh tạo nên những cạnh tranh không lành mạnh, gây dịch chuyển vốn dữ dội giữa các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, tạo ra khả năng bất ổn trên thị trường".

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.