TP.HCM: Có hơn 430 giáo dục viên đồng đẳng

02/10/2008 16:23 GMT+7

(TNO) Ngày 2.10, tại UBND TP.HCM đã diễn ra Hội nghị tổng kết 15 năm (1993-2008) chương trình can thiệp giảm tác hại, phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn TP.HCM.

Trong 15 năm thực hiện chương trình, các cơ quan chức năng đã đưa vào ứng dụng thí điểm 4 mô hình can thiệp giảm tác hại, phòng lây nhiễm HIV, gồm: Giáo dục đồng đẳng tiếp cận cộng đồng; quán cà phê phòng chống HIV/AIDS; lồng ghép phòng chống AIDS và phòng chống ma túy trong các trung tâm cai nghiện và tại cộng đồng; cung cấp dịch vụ trọn gói cho người nghiện chích ma túy, gái mại dâm và người sau cai tái hòa nhập công đồng…

Các mô hình trên đã không ngừng phát triển; trong đó, đáng kể nhất là việc phát triển mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng (từ 9 người đến nay đã phát triển với nhiều mô hình lên đến 439 người)…  góp phần đáng kể vào việc giảm tác hại do HIV gây ra.

Cụ thể, nếu như năm 2000, tỷ lệ sử dụng bao cao su ở  gái mại dâm đường phố với chồng và người yêu là 25%, khách quen 43%, khách lạ 55%,  thì đến nay tỷ lệ này đã tăng lên lần lượt là: 40%, 69% và 77%...

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì hạn chế lớn nhất của chương trình là mức độ phân phối bao cao su, nhất là bơm kim tiêm chưa đạt được mức mong muốn, mức an toàn để đảm bảo khống chế lây nhiễm HIV…

Theo TS, BS Lê Trường Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM, thì để chương trình đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, thành phố sẽ có những phương thức thích hợp, hài hòa để phát triển các hoạt động giảm tác hại tại cộng đồng cũng như ở các khu vực đặc thù. Trước mắt, các biện pháp can thiệp sẽ mở rộng  ra các trại tạm giam, với việc bao cao su được đưa đến những nơi này. Đồng thời tập trung mở rộng các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục, không chỉ với nhóm nguy cơ cao mà còn cả những nhóm bắt đầu và những người chịu ảnh hưởng (vợ, chồng, con...).

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.