Bắp ngô chữa hăm da cho trẻ

31/08/2008 11:45 GMT+7

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã ứng dụng bột bắp ngô để chữa hăm da cho trẻ.

Sáng kiến đoạt giải thưởng

Tuần trước, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã công bố một nghiên cứu về việc dùng bắp trong chữa bệnh cho bệnh nhi. Theo đó, trong năm 2008, khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiến hành thực hiện nghiên cứu "Chăm sóc hăm da quanh hậu môn tạm của bệnh nhi bằng bột bắp".

Nghiên cứu được thực hiện trên 57 bệnh nhi (từ 30 ngày tuổi đến 15 tuổi), những bệnh nhi này được chăm sóc tình trạng hăm da quanh hậu môn tạm thời bằng bột bắp (dạng bột bắp thực phẩm được chế biến trong nước). Kết quả ban đầu đạt được 86% (da quanh hậu môn tạm khô, bớt hăm rõ rệt, hoặc không còn hăm nữa), và chỉ số hài lòng của người thân bệnh nhi là 95%. Nghiên cứu này đã đoạt được giải khuyến khích ở Hội thi Sáng tạo và nghiên cứu khoa học điều dưỡng nhi khoa hồi tháng 5 vừa qua.

Hậu môn tạm là lỗ (nơi) để thoát phân tạm thời, được thực hiện bằng phẫu thuật trong trường hợp trẻ bị các chấn thương hay bệnh lý ở đường tiêu hóa như: vết thương đại tràng, dị dạng hậu môn trực tràng, phình đại tràng bẩm sinh, hoại tử ruột do xoắn. Hăm da quanh hậu môn tạm rất thường gặp (do da tiếp xúc với phân và dịch tiêu hóa thoát ra từ hậu môn tạm).

Vùng da bị hăm thường xuyên ẩm ướt, ửng đỏ, hay có mủ (do bội nhiễm), gây ngứa ngáy, khó chịu, đau và sốt cho bệnh nhi. Do vậy, theo các bác sĩ, việc chăm sóc để phòng ngừa và hạn chế hăm da tiến triển trong thời gian chờ đóng hậu môn tạm là rất cần thiết. Biện pháp chăm sóc trước đây là vệ sinh, giữ khô vùng da quanh hậu môn tạm, khi có hăm da thì bôi thuốc, vừa tốn kém, nhưng không chữa hết hăm da.

Qua nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, chăm sóc hăm da quanh hậu môn tạm bằng bột bắp vừa đơn giản, rẻ tiền vừa hiệu quả. Từ nghiên cứu này, còn có thể mở ra hướng nghiên cứu sâu thêm về tác dụng điều trị của bột bắp trong các trường hợp hăm da khác. Thổ dân ở Úc cũng dùng bột bắp để chữa hăm lở da. 

Công dụng của bắp theo y học cổ truyền

Theo Tây y, bắp là thực phẩm giàu chất xơ, chứa các sinh tố B1, B2, B6 và một số khoáng chất khác... Còn theo y học cổ truyền, bắp có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, dưỡng vị. Các bộ phận của bắp đều được dùng làm thuốc với những công dụng giúp lợi thủy, tiêu thũng, trừ thấp, góp phần trừ một số bệnh như bướu cổ. Theo lương y Trần Duy Linh (TPHCM), y học thường dùng râu bắp trong chữa bệnh sỏi thận, sỏi mật, viêm gan, và dùng làm lợi tiểu. Dân gian thường dùng râu bắp để tăng sự bài tiết mật và làm tăng lượng nước tiểu trong các chứng bệnh viêm túi mật, tắt túi mật. Dân gian cũng dùng râu bắp nấu với mía lau, rễ tranh uống giúp thanh nhiệt khi tiết trời nắng nóng.  

Một số cách sử dụng bắp sau đây trong chữa bệnh: rang bắp khô cho vàng thơm, rồi đem nấu cháo để ăn chữa tình trạng tỳ vị hư hàn, chữa chứng rối loạn tiêu hóa; dùng bắp non và cà rốt nấu cháo cho những trẻ tiêu hóa kém, hay tiêu chảy; những người bị chứng tiểu tiện khó có thể dùng râu bắp nấu nước chung với mía và vị thuốc xa tiền thảo để uống trong ngày... 

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.