Nhiều quỹ đầu tư bán ra cổ phiếu

29/08/2008 09:47 GMT+7

Chỉ số cả 2 sàn giảm Thị trường đang "sung" nhưng nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước lại mạnh tay bán ra cổ phiếu. Không ít nhà đầu tư trong nước đang giật mình trước những thông tin này.

Chỉ là giao dịch bình thường

Trong 6 tháng tới, bắt đầu từ ngày 28.8, cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) là quỹ VOF của VinaCapital sẽ bán ra trên 4,2 triệu cổ phiếu. Hiện tại, VOF đang sở hữu 14,784 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng 7,52% vốn điều lệ của Hòa Phát. Trước đó vài ngày, quỹ Jaccar Capital cũng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An (mã TAC) từ 6,01% xuống còn 4,85% sau khi bán ra 219.760 cổ phiếu. Công ty quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán An Phúc cũng vừa thực hiện bán 43.000 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Ô tô Hàng Xanh... Trong lúc thị trường tràn ngập các thông tin tốt hỗ trợ như tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã được hãm phanh; giá xăng giảm liên tục 2 lần trong tháng 8 vừa qua; vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục... thì việc các quỹ đầu tư đẩy mạnh bán ra cổ phiếu khiến nhiều người thắc mắc.

Ông Louis Nguyễn, Công ty Saigon Asset Management Corporation (SAM) cho rằng, việc một số quỹ đầu tư bán ra cổ phiếu là do "họ hết tiền mặt nhưng chưa huy động được vốn". Chính vì vậy, họ buộc phải bán ra cổ phiếu và đó chỉ là giao dịch bình thường trên thị trường. Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư đã được đưa ra từ khi thị trường ở dưới mức 400 điểm và đến thời điểm này, khi thị trường đang ở mức xấp xỉ 550 điểm thì việc ra hàng để thu lợi nhuận cũng là một trong những khả năng được tính đến. Ông Louis Nguyễn cho biết, SAM cũng đã "kịp" nhảy vào sớm và đến thời điểm này, nhiều khoản đầu tư đã sinh lợi nhuận khá lớn. Vấn đề còn lại đang được tính toán là có nên ra hàng tại thời điểm này hay đợi thêm một thời gian nữa?

Nhận xét về vấn đề này, ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, đây có thể chỉ là một "hành động" để cấu trúc lại danh mục đầu tư và là hiện tượng tốt cho thị trường.

Khối ngoại cũng cụ thể hóa lợi nhuận

"Đã đến lúc người ta đầu tư theo chiều hướng phân tích hiệu quả chứ không còn đầu tư theo thương hiệu hay cổ phiếu lớn, cổ phiếu nhỏ như trước đây. Đặc biệt, các quỹ đầu tư càng chú trọng những điều này" - Huy Nam, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM.

Đối ngược với tâm lý cực kỳ hưng phấn của nhà đầu tư trong nước, trong đợt tăng điểm lần này của VN-Index, khối ngoại đang "nhả" hàng hết sức khéo léo; và song song với việc xả hàng là mua vào một số loại cổ phiếu khác. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 26.8, phiên giao dịch lập kỷ lục với 100% cổ phiếu tại sàn Hà Nội tăng giá, hầu hết là tăng trần; sàn TP.HCM cũng không hề kém khi có tới 148/160 cổ phiếu tăng giá, trong đó 90% là tăng trần. Nhà đầu tư trong nước hưng phấn đến mức cột dư bán hầu như trống trơn thì khối lượng cổ phiếu bán ra của nhà đầu tư ngoại trong phiên này cao gấp 3 lần khối lượng mua vào. Họ đã bán ra gần 37% giao dịch toàn thị trường trong khi chỉ mua vào 13% giao dịch toàn thị trường.

Tính từ phiên giao dịch nới rộng biên độ ngày 18.8 đến nay, giao dịch của nhà đầu tư ngoại và nội luôn ở tình trạng đối ngược với nhau. Nhà đầu tư nội tranh mua, không chịu bán trong khi nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh lượng bán ra, tranh thủ mua vào những cổ phiếu còn chưa kịp vào trào lưu tăng giá mạnh. Những cổ phiếu mà khối ngoại đẩy mạnh bán ra khá tương đồng với những mã mà họ đã mua vào khi thị trường ở đáy cách đây 2 tháng.

Thị trường đang khá thuận lợi. Vì vậy, việc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước bán ra chứng khoán, sau đó lại chờ cơ hội để gom hàng là những dấu hiệu cho thấy thị trường đang có tính thanh khoản tốt hơn.

Chỉ số cả 2 sàn giảm

Sau nhiều phiên tăng nóng liên tiếp, phiên giao dịch chứng khoán ngày 28.8 chứng kiến việc thực hiện hóa lợi nhuận, bán ra kiếm lời của các nhà đầu tư, khiến chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn giảm mạnh. Chỉ số VN-Index tại sàn TP.HCM mất 14,16 điểm; quay về 547,69 điểm. Tuy vậy, khối lượng giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng mạnh với 35,7 triệu đơn vị; tổng giá trị hơn 1.526 tỉ đồng. Trong đó, STB dẫn đầu với 4,72 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công, tiếp theo là SAM, SSI, FPT... Trong tổng số 160 loại chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, chỉ có 38 chứng khoán tăng giá với 28 loại tăng kịch trần, 117 chứng khoán giảm giá với 100 loại giảm sàn, và 5 chứng khoán đứng giá.

Chỉ số Hastc-Index tại sàn Hà Nội giảm 4,91 điểm, còn 185,15 điểm, trong đó các cổ phiếu ACB, KBC, PVS... giảm giá mạnh. Tổng khối lượng giao dịch vẫn ở mức cao, đạt 19,95 triệu cổ phiếu với giá trị 744,4 tỉ đồng.

T.Xuân

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.