Nội - ngoại ngang ngửa

28/08/2008 19:38 GMT+7

Khác biệt Lâu nay, các nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán thường “nhìn” theo động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, đến mức có nhiều chuyên gia đã nhận định là các nhà đầu tư nước ngoài “dẫn dắt” thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhưng đó là nói khi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam với khối lượng lớn và tăng nhanh (năm 2004 mới có 13 triệu USD, năm 2005 gấp hơn mười lần lên 141 triệu USD, năm 2006 gấp gần mười lần lên 1.339 triệu USD, năm 2007 gấp gần 3 lần lên 6.500 triệu USD). Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho chỉ số giá chứng khoán tăng phi mã vào cuối năm 2006 và năm 2007 xét trên hai mặt.

 Một mặt, với số vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng; số vốn này chiếm tới trên một phần ba tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, đã trực tiếp làm tăng cầu và tăng giá chứng khoán. Mặt khác, lượng vốn đó có tác động gián tiếp lôi kéo đối với lượng vốn đầu tư trong nước (hoặc đang chưa biết đầu tư vào đâu để sinh lời, hoặc đã đầu tư vào một kênh nào đó nhưng lãi suất không hấp dẫn).

Điều đó lại càng đúng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vào lúc đó, khi mà có tới 70% nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân; kinh nghiệm đầu tư nói chung còn ít, chưa nói đến đầu tư trên thị trường chứng khoán - thị trường cao cấp nhất trong các loại thị trường; tính phong trào còn nặng; phần lớn số vốn đầu tư chứng khoán của nhiều nhà đầu tư là vay từ ngân hàng, nên khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đã phải bán đi khi giá xuống thấp...

Bước sang năm 2008, diễn biến chiều hướng giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đã có sự khác nhau. Đã có nhiều đợt, nhiều phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hay bán ròng, nhưng nhà đầu tư trong nước lại làm ngược lại, tức là bán ròng hay mua ròng. Chẳng hạn, ngày 25 - 26.8, nhà đầu tư nước ngoài bán ra gấp ba lần mua vào, nhưng đến ngày 27.8, thì lại tăng mạnh mua, giảm bán ra.

Không còn như trước

Lý giải tình hình này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu đầu tư theo kiểu “lướt sóng”: họ mua nhiều vào lúc giá thấp, nay được giá cao họ bán ra để chốt lãi và để chuẩn bị mua vào khi giá chứng khoán đảo chiều xuống thấp;  nhưng họ đã không ngờ giá chứng khoán vẫn tăng lên do nhà đầu tư trong nước vẫn đẩy mạnh mua vào, nên họ đã quay lại mua nhiều hơn bán. Có nguyên nhân do các nhà đầu tư trong nước bây giờ đã khác trước về nhiều mặt.

Một mặt, nguồn vốn đầu tư vào chứng khoán của họ phần nhiều là vốn tự có, phần đi vay ngân hàng, bạn bè, thế chấp tài sản đã hạn chế đi rất nhiều cả về hai phía (phía người cho vay và phía người vay đầu tư chứng khoán). Mặt khác, bài học thắng, thua trong các lần đầu tư trước đã giúp cho họ dày dạn thêm khi nào thì chốt lãi, khi nào thì cắt lỗ.

Mặt khác nữa, họ đã có kinh nghiệm hơn trong việc nắm bắt thông tin của doanh nghiệp, của kinh tế vĩ mô và đặc biệt họ nắm bắt tâm lý các nhà đầu tư trong nước (với nhau) tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài - trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động lớn từ yếu tố tâm lý. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường bị ràng buộc bởi kế hoạch của Quỹ, đầu tư theo sự chỉ đạo điều hành của Quỹ, còn nhà đầu tư trong nước có thể nhìn nhận thực tế rất linh hoạt trong từng giờ, từng phiên, lại luôn luôn so sánh giữa các kênh để đồng vốn của mình tạm trú ở đâu, lâu dài trú ẩn an toàn ở đâu và đã biết đánh theo xu hướng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.