40 năm đi tìm người yêu

19/08/2008 10:07 GMT+7

Suốt 40 năm, có một người luôn nghe ngóng, ghi từng mẩu tin và xuôi ngược tìm kiếm người yêu mình là liệt sĩ. Con người có tình yêu mãnh liệt ấy là bà Vũ Thị Lui (thường gọi là Lưu Liên, hiện ở khu ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội), đã làm được điều diệu kỳ ở tuổi 62.

Hạnh phúc vỡ òa trong nước mắt

Đakrông, những ngày đầu tháng 5 nắng như đổ lửa, thế nhưng trên cao điểm 222 hay còn gọi là đồi Yên Ngựa - một trận địa khốc liệt trong chiến tranh giải phóng đất nước - đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ tỉnh Quảng Trị và thân nhân từ miền Bắc vào vẫn lặng lẽ, cần mẫn xới từng bay đất, nhẹ nhàng vốc từng nắm xương cốt của các liệt sĩ. Trong đoàn người ấy có bà Lưu Liên, người phụ nữ đứng tuổi, đã có gia đình nhưng vẫn đi tìm hài cốt người yêu là liệt sĩ Trần Minh Tiến (Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102). Chỉ còn mấy ngày nữa là tròn 40 năm ngày anh đã chiến đấu anh dũng và nằm lại mảnh đất này. Cầm trên tay tấm ảnh liệt sĩ Tiến, những dòng nước mắt lăn dài trên má bà.

Ngược thời gian về trước, họ là đôi trai tài gái sắc nổi tiếng một thời ở thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Gia đình Tiến khó khăn, nhưng bù lại anh học giỏi và đặc biệt có năng khiếu văn nghệ - thể thao, là "linh hồn" của đội bóng đá trường Lê Hồng Phong. Năm 1963, 17 tuổi, Trần Minh Tiến được tuyển vào bộ đội, thuộc Sư đoàn 308. Thời trẻ bà Liên là cô gái không những thông minh, xinh đẹp mà còn hát hay, múa giỏi, thường xuyên tham gia Đoàn văn công Xung kích tỉnh Hà Tây. Trong hoàn cảnh gia đình đôi bên không "môn đăng hộ đối", bị nhà gái phản đối nhưng hai người vẫn yêu nhau tha thiết. Tháng 3.1968, đơn vị anh nhận lệnh lên đường vào mặt trận phía Nam. Đêm chia tay, hai người ngồi bên nhau nói về ước mơ tình yêu và hạnh phúc. Anh tặng chị chiếc nhẫn làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn chị trao anh chiếc khăn tay trắng thêu hai bông hoa hồng.

Viết hàng trăm lá thư cho liệt sĩ

Từ ngày anh Tiến lên đường, hằng đêm cô gái Lưu Liên thường có những giấc mơ kỳ lạ, đó là hình dung ra những chặng đường anh hành quân, những công việc anh làm... Mơ thế nào cô ghi vào nhật ký thế đó. Thật không ngờ, sau này những đồng đội của anh đọc được đều không khỏi kinh ngạc bởi tất cả quá chính xác. Khoảng thời gian từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6.1968, Lưu Liên luôn sống trong sự lo âu, bất an, nhớ nhung quay quắt, cô lo điều xấu nhất sẽ xảy ra cho anh. Đến một buổi sáng cô kể lại với người thân một giấc mơ kinh hoàng rồi khóc hết nước mắt. Đó chính là ngày 1.6.1968 - đúng ngày Trần Minh Tiến hy sinh.

Đầu năm 1969, khi gia đình nhận được giấy báo tử và tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ Tiến, Lưu Liên đã tuyệt vọng tới mức không còn muốn sống. Đêm nào chị cũng khóc. Để vơi đi sự khổ đau, nhớ thương, chị tiếp tục viết thư tâm sự với người yêu liệt sĩ như lúc anh còn sống. Hễ vui buồn hay những đêm không ngủ là chị lại cầm bút viết thư. Nhưng còn đâu địa chỉ của anh nữa mà gửi! Vậy là cứ đến ngày giỗ của anh hằng năm, chị lại đem số thư đó ra đốt. Chị tâm niệm ở thế giới bên kia, nhất định anh sẽ đọc được những dòng thư đó.

Bền bỉ suốt 40 năm qua, chị vẫn làm công việc ấy, kể cả khi đã có chồng con, có một gia đình hạnh phúc. "Chú nhà cô rất chia sẻ và cảm thông. Trong cuộc sống bộn bề sự lo toan, có những lúc cô cần một niềm tin, một điểm tựa nào đó, cô viết lại thư hỏi anh ấy nhưng chính cô cũng tìm được câu trả lời trong bức thư. Đó là sự cân bằng mặt tâm lý" - bà nói. Sáng 9.5.2008, tại lễ truy điệu và tổ chức an táng các hài cốt liệt sĩ vừa được tìm thấy ở Nghĩa trang quốc gia Đường 9, bà Lưu Liên cũng đốt 2 bức thư viết cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Bà Lưu Liên tâm sự: "Khi chú đi B thì cô cũng có ý định là tổ chức lễ cưới trước khi chú ấy ra chiến trường, nhưng vì chú sợ cô góa bụa nên không cưới. Chính vì không cưới nên chú dặn cô là nếu mà không trở về thì sau này hòa bình em tìm anh về, mà anh tin là chỉ có em mới tìm được anh thôi, không ai tìm được anh. Thế là cô vì lời hứa với chú, nên sau khi hòa bình là cô bắt đầu nghĩ đến việc đi tìm". Lúc đó điều kiện kinh tế rất khó khăn và bà cũng đã lập gia đình nên cũng chỉ là nghe ngóng tin tức, nhờ đài báo thông tin. Mãi đến năm 2000, bà bắt đầu đi tìm, quá trình đi tìm gắt gao, riết róng hơn.

Bà Liên đã vào cái làng Cát ấy 5 lần rồi, trưởng bản đã quen mặt, các em bé nhận ra cô Lưu Liên vào. 3 lần bà leo lên ngọn đồi đấy, lên tận chỗ chiến đấu ấy. Lần thứ nhất lọ mọ đi một mình, lần thứ hai có một cựu chiến binh dẫn đi mới biết được nơi chiến đấu, nơi hy sinh của người bạn mình. Thế là bà hứa bằng mọi giá phải tìm được, và điều kỳ diệu đã đến. Nguyện vọng suốt 40 năm qua của bà đã đạt, trong đau khổ mà vô cùng sung sướng, bà thanh thản và xúc động vì đã tìm được người yêu ngày xưa...                                     

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.