Du lịch trị bệnh - mốt thời thượng ở Mỹ

07/07/2008 02:12 GMT+7

Hiệp hội Y học Mỹ ước tính hằng năm có ít nhất 150.000 người Mỹ đi du lịch hải ngoại kết hợp với khám chữa bệnh. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Co. trong một báo cáo hồi tháng 5 vừa qua cho rằng con số đó sẽ tăng lên 500.000 - 700.000 người nếu các hãng bảo hiểm chịu chi trả một phần hóa đơn thanh toán phí chữa trị và lúc đó, số bệnh nhân nói trên tiết kiệm được khoản chi phí lên đến 20 tỉ USD so với chữa trị và phẫu thuật ở Mỹ.

Đi chơi và trị bệnh

Ryerson, một chuyên viên phân tích thị trường chứng khoán ở San Diego, giờ đây tự hào có thể vận động vùng hông bên trái mà trước đây bà không thể. Ryerson đã phải nhờ đến các bàn tay tài hoa của chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình Ấn Độ qua một chuyến du lịch kết hợp chữa bệnh. Mason, nhân viên một tổ chức dân quyền ở West Virginia, đã được giải phẫu để cắt bỏ hết 20 inch phần da vùng bụng và lưng, nhờ đó mà giảm cân đến gần 80 kg. Công việc đó được thực hiện khi bà được hướng dẫn đến Panama, một nơi có phong cảnh đẹp ở vùng Trung Mỹ với kênh đào Panama và có chi phí chữa bệnh chỉ bằng 1/4 so với ở Mỹ. Còn Davies, một nhân viên cứu hỏa ở California, thì đi phẫu thuật và chỉnh hình răng hàm mặt ở Mexico với giá "mềm" hơn nhiều so với ở Mỹ. Công ty bảo hiểm Delta Dental đã đồng ý chi trả cho Davies một phần các hóa đơn thanh toán mà nếu ở Mỹ, chi phí đó có thể lên đến 80.000 USD, trong khi ông vừa được đi chơi Mexico, vừa trả chỉ từ 2.500 đến tối đa là 30.000 USD.

Trên đây là 3 trường hợp tiêu biểu cho dịch vụ "du lịch trị bệnh" mà theo nhiều nhà phân tích dự báo là sẽ bùng nổ ở Mỹ trong một thời gian không xa, vì hình thức chữa bệnh như thế được xem là giải pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng khủng hoảng về chăm sóc sức khỏe hiện nay. Hiệp hội Y học Mỹ ước tính hằng năm có ít nhất 150.000 người Mỹ đi du lịch hải ngoại kết hợp khám chữa bệnh. Đó là những người được công ty bảo hiểm đồng ý thanh toán một phần chi phí trị bệnh. Các hãng bảo hiểm cũng như giới chủ đã chấp thuận ngày càng nhiều các trường hợp xin đi nước ngoài để chữa bệnh của nhân viên Mỹ. Những người nghèo, không đóng bảo hiểm y tế - thành phần muốn được chữa bệnh rẻ tiền ở nước ngoài - chính là đối tượng mà các hãng bảo hiểm lớn đang nhắm tới.

Rẻ bằng 1/10

Nhìn thấy được tiềm năng và mối lợi lớn từ việc chữa trị và phẫu thuật cho du khách Mỹ nên một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Costa Rica, Hàn Quốc... đều đã chào giá với các hãng bảo hiểm của Mỹ với chi phí điều trị thật "dễ chịu". Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch chữa bệnh - một tổ chức mới thành lập ở West Palm Beach, Florida - thì một cuộc giải phẫu thay tim ở Mỹ có chi phí lên đến 130.000 USD trong khi Hàn Quốc chỉ chào giá 34.000 USD, còn Ấn Độ thì "phá giá" đến mức chỉ có 6.650 USD. Phẫu thuật cắt bỏ dạ con ở Mỹ tốn hết 20.000 USD, trong khi ở Costa Rica chỉ tốn 4.000 USD. Còn theo một bài báo đăng trên tạp chí của Đại học Delaware thì chi phí phẫu thuật ở Ấn Độ, Thái Lan hoặc Nam Phi chỉ bằng 1/10 chi phí ở Mỹ hoặc châu u và thậm chí, với nhiều loại phẫu thuật, giá còn rẻ hơn nữa. Chẳng hạn như một cuộc phẫu thuật làm đẹp da mặt nếu ở Mỹ phí tổn đến 20.000 USD thì ở Nam Phi chỉ tốn có 1.250 USD. Ngoài ra, tại các nước phương Tây, việc phẫu thuật thường phải chờ đợi khá lâu. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, bệnh nhân có thể lên bàn mổ ngay ngày hôm sau khi họ đến, nếu tình trạng sức khỏe cho phép.

Trở lại 3 trường hợp chữa bệnh ở trên, tất cả đều do Planet Hospital sắp xếp. Planet Hospital có cơ sở ở tiểu bang California, chuyên cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh kể từ năm 2002. Họ tư vấn cho bệnh nhân, cung cấp thông tin về quốc gia và cơ sở y tế sẽ chữa trị cũng như những chi tiết về trang thiết bị, trình độ chuyên môn của chuyên gia, bác sĩ... để bệnh nhân chọn lựa. Chẳng hạn như với trường hợp của Mason, sau khi biết được chuyên gia sẽ phẫu thuật cho mình ở Panama chính là vị bác sĩ nổi tiếng đang làm việc ở Florida, bà đã nhờ Planet Hospital kiểm tra lại hồ sơ cùng uy tín của cơ sở ở Panama trước khi quyết định đến đó phẫu thuật. Còn với bà Ryerson thì hãng bảo hiểm Blue Cross chi trả 80% khoản chi phí phẫu thuật hông 7.000 USD ở Ấn Độ, thay vì nếu mổ ở Mỹ thì chi phí sẽ là 55.000 USD. Còn một điều nữa là vào năm 2006, các thiết bị đặc biệt về phẫu thuật xương hông mới được phép sử dụng ở Mỹ nên không mấy bác sĩ tại nước này có nhiều kinh nghiệm đứng mổ; trong khi đó, bác sĩ Bose - chuyên viên phẫu thuật được đào tạo ở Anh, người phẫu thuật chính cho bà Ryerson tại Ấn Độ thì đã từng tiến hành hơn 1.000 ca mổ loại này.

Rõ ràng là khuynh hướng du lịch chữa bệnh này đang được cả người bệnh lẫn các hãng bảo hiểm hoan nghênh. Tuy nhiên, một số hãng bảo hiểm và nhất là giới y, bác sĩ tại Mỹ lại tỏ ra lo ngại. Hiệp hội Y học Mỹ cho rằng việc chữa bệnh ở nước ngoài vẫn là sự lựa chọn chứ không phải là yêu cầu. Quan điểm của họ là không khuyến khích chữa bệnh ở hải ngoại vì e ngại việc chẩn đoán, chữa trị và chuyển giao bệnh nhân có nhiều giới hạn. Họ cũng muốn bệnh nhân phải được chữa trị tại những cơ sở được đánh giá đủ tiêu chuẩn về trang thiết bị; còn các y, bác sĩ, chuyên gia thì được đào tạo tại Mỹ hoặc có trình độ tương đương. Đó là chưa kể nhiều bệnh nhân muốn tìm nơi chữa bệnh rẻ tiền mà không lường trước được hết những nguy cơ tiềm ẩn.

Tuyết Linh (từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.