Giải quyết quá tải cho cầu Tân Thuận

25/06/2008 22:35 GMT+7

Một số doanh nghiệp cho rằng, tình trạng hàng hóa ứ đọng tại cảng ở TP.HCM vừa qua là do cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát xe chở hàng quá tải qua cầu Tân Thuận 1 (cầu cũ). Nhưng thực tế không phải vậy.

Ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TP.HCM cho biết: Sau khi UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 38 ngày 11.12.2006 về tăng cường kiểm soát xe chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế của xe và vượt tải trọng cho phép của cầu, đường bộ trên địa bàn TP.HCM, Thanh tra Sở GTCC phối hợp với Phòng CSGT đường bộ Công an TP đã tiến hành kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đường: Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh và cầu Tân Thuận 1. Ông Việt khẳng định việc kiểm tra xử phạt xe quá tải qua cầu Tân Thuận 1 không ảnh hưởng đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong một số cảng ở TP.HCM.

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTCC), trong tháng 7.2008 cầu Tân Thuận 1 sẽ được khởi công sửa chữa với quy mô lớn nhằm gia tăng tải trọng. Trong thời gian sửa chữa cầu Tân Thuận 1 (tối đa khoảng một tháng) tất cả xe cộ không được qua lại cầu. Hiện Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đang khẩn trương lập phương án phân luồng giao thông cầu Tân Thuận 2. Theo đó, trong tháng 7, cầu Tân Thuận 2 sẽ được lắp đặt dải phân cách để xe cộ, bao gồm cả xe tải trên 25 tấn lưu thông 2 chiều qua cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại có thể xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng do tất cả phương tiện, trong đó bao gồm cả xe tải, xe container trên 25 tấn lưu thông 2 chiều qua cầu Tân Thuận 2, nhất là nguy cơ quá tải trên một số tuyến hành lang như Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng... vì hiện nay nhiều đoạn đường này bị rào chắn để thi công lắp đặt cống thoát nước, ống cấp nước. Hơn nữa, khu vực này vốn thường xuyên bị kẹt xe.

Theo ông Việt, tình trạng tồn đọng hàng hóa tại một số cảng là do nhập siêu tăng và vấn đề tính tỷ giá USD. Cầu Tân Thuận 1 được xây dựng từ thời Pháp, sau khi kiểm định thử tải, lâu nay cơ quan chức năng đã cắm biển báo chỉ cho lưu thông đối với xe tải trọng từ 25 tấn trở xuống nhằm đảm bảo an toàn cho xe cộ qua cầu. Xe tải trọng trên 25 tấn từ hướng Q.7 phải đi theo đường Nguyễn Văn Linh, ra Quốc lộ 1A để về các tỉnh miền Đông hoặc miền Tây.

Trả lời PV Thanh Niên về việc 10 chiếc cầu trên đường Nguyễn Văn Linh đều có cắm biển báo hạn chế tải trọng 30 tấn, ông Lê Hồng Việt cho biết, việc cắm các biển báo trên tuyến đường này do Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện. Thanh tra Sở GTCC nhận thấy việc cắm biển báo hạn chế tải trọng tại một số cầu trên đường Nguyễn Văn Linh mới xây dựng là không đúng với nội dung văn bản 1600/GTĐB ngày 25.7.2003 của Cục Đường bộ Việt Nam về "cắm biển báo hiệu đường bộ trên các đường giao thông" và văn bản 7398/GT-GT ngày 12.8.2003 của Sở GTCC TP.HCM về cắm biển báo trọng tải cầu. Các văn bản nói trên đều quy định: "Đối với các cầu xây dựng mới hoặc đã cải tạo nâng cấp theo hoạt tải tiêu chuẩn H30 - XB80 thì bỏ biển báo hạn chế trọng lượng xe". 

Ngày 28.5 vừa qua, Sở GTCC đã có văn bản đề nghị Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam có ý kiến về mức độ an toàn và điều kiện sử dụng công trình khi tháo dỡ biển hạn chế tải trọng 30 tấn, không cắm biển "hạn chế trọng lượng xe" tại các cây cầu trên đường Nguyễn Văn Linh theo quy định của Cục Đường bộ Việt Nam. Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTCC, cho biết Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở GTCC về việc không để biển hạn chế tải trọng của các cây cầu trên đường Nguyễn Văn Linh. Hiện Sở GTCC đang có văn bản đề nghị Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng phối hợp tháo dỡ các biển báo này để tạo điều kiện cho xe tải chở hàng hóa lưu thông.     

N.Đ.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.