Đối thoại lịch sử giữa hai bờ eo biển Đài Loan

11/06/2008 23:04 GMT+7

Trung Quốc và Đài Loan đã bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử sau hơn 9 năm gián đoạn, một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang được cải thiện.

Hôm nay, Trung Quốc và Đài Loan sẽ bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán tại Bắc Kinh để khởi động cuộc gặp mang tính chất lịch sử trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Dẫn đầu phái đoàn Đài Loan gồm 19 người là ông Giang Bính Khôn, Chủ tịch Tổ chức trao đổi hai bờ eo biển và đồng thời là Phó chủ tịch Quốc dân đảng cầm quyền, theo Hãng tin Reuters. Cùng với sự có mặt của 2 thứ trưởng thuộc nội các Đài Loan trong chuyến thăm lần này, đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai bờ eo biển Đài Loan từ hơn nửa thế kỷ nay.

Trước chuyến thăm trên, báo giới Đài Loan đã đưa chi tiết các nội dung mà phía Đài Loan sẽ đề nghị trong cuộc gặp với Trung Quốc. Theo đó, Đài Loan hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận mở đường cho 36 chuyến bay trực tiếp qua eo biển Đài Loan vào mỗi cuối tuần. Các chuyến bay phải bay qua không phận của Hồng Kông hoặc các khu vực khác vì lý do an ninh. Mỗi bên sẽ có 6 hãng hàng không cung cấp các chuyến bay nối liền các sân bay tại Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng với các sân bay ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hạ Môn. Chuyến bay không phục vụ người nước ngoài và chỉ dành riêng cho công dân Đài Loan và du khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, phía Đài Loan mong muốn sẽ điều đình được một lượng du khách thường xuyên từ Trung Quốc. Đài Bắc hy vọng sẽ nhận được 3.000 du khách/ngày từ Trung Quốc sẽ đến Đài Loan trong những ngày cuối tuần, và con số này sẽ tăng lên 10.000 người/ngày sau 4 năm. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận yêu cầu trên. Hiện chỉ có khoảng 80.000 người Trung Quốc đến Đài Loan thăm thân nhân trong dịp nghỉ lễ mỗi năm.

Nếu thỏa thuận được thông qua theo như dự kiến, Hãng hàng không Hạ Môn của Trung Quốc sẽ bắt đầu cung cấp chuyến bay thẳng nối liền Trung Quốc và Đài Loan vào đầu tháng 7. Đó chỉ là một chuyến bay ngắn, với quãng đường 150 km qua eo biển Đài Loan, nhưng giới chuyên gia kinh tế đánh giá việc thiết lập đường bay mới kể từ khi gián đoạn vào năm 1949 có thể mang lại sự khác biệt lớn đối với kinh tế Đài Loan. "Việc không có đường bay thẳng nối liền eo biển Đài Loan là một trong những trở ngại lớn khiến Đài Loan chưa thể vươn mình từ một nền kinh tế sản xuất để trở thành một nền kinh tế dịch vụ giá trị cao", ReportonBusiness dẫn lời nhà kinh tế Sean Yokota của UBS Securities. Chính quyền Đài Loan tuyên bố sẽ thu hút được nhiều đầu tư từ bên kia eo biển Đài Loan và cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Để thực hiện điều này, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho hay sẽ chi mạnh cho cơ sở hạ tầng trong 8 năm tới, với tổng số tiền đầu tư là 120 tỉ USD. Theo UBS, các chính sách đang được xem xét bao gồm việc giảm các giới hạn cho Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và thị trường vốn tại Đài Loan, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.