Xét xử đường dây mua bán phụ nữ

11/06/2008 00:30 GMT+7

Sáng ngày 10.6, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đường dây mua bán phụ nữ do Hứa Huệ Muội (Giám đốc Công ty TNHH thương mại XNK Minh Việt Linh) và Quan Chí Phát tổ chức.

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước và sơ hở trong việc thực hiện quy định tổ chức, đăng ký, quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại địa phương cấp cơ sở, các bị cáo nói trên đã câu kết với nhiều người khác đứng ra tuyển chọn các cô gái ở các tỉnh có nhu cầu lấy chồng người nước ngoài đưa về TP.HCM sống tập trung trong các "lò" của Trần Đức Tiến (tức Tư Râu), Tchên Hòa Tchên (Sáu Ngầu), Huỳnh Thị Lanh, Mai Thị Nhãn (Thu mắt kiếng), Nguyễn Thị Hiếu... để cho Quan Chí Phát và Hứa Huệ Muội tuyển chọn. Những cô gái đạt tiêu chuẩn, vượt qua vòng "sơ tuyển" sẽ được Phát, Muội "mua" từ 6 đến 8 triệu đồng/người. Sau đó, các cô gái này được tổ chức làm hộ chiếu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, khám sức khỏe... để Phát, Muội cử người hoặc trực tiếp đưa sang Malaysia bằng visa du lịch, giao cho các "ông chủ" nước ngoài với giá 1.200 - 1.800 USD/cô. Tổng cộng, Quan Chí Phát đã đưa đi trót lọt 13 chuyến với 41 cô gái, Muội đưa đi 12 chuyến, gả bán 28 cô.

Tại phiên tòa, Muội luôn né tránh ống kính của các phóng viên, trả lời tòa giọng nhỏ nhẹ, khi các cô qua Malaysia được đưa cho những người đàn ông ở đây xem mắt chọn lựa người ưng ý, rồi đưa về nhà sống thử 1 tháng với phí đặt cọc 800 - 900 USD. Sau đó, nếu kết hôn thì thanh toán nốt số còn lại, không thì lấy lại tiền cọc hoặc đổi cô khác. Vị chủ tọa bức xúc hỏi: "Tức là các cô này bị thoải mái sử dụng như những món hàng, không thích thì có quyền đổi, trả?". Muội bào chữa: "Đó là các cô về nhà chồng để tìm hiểu, chứ không phải sống thử. Nếu có ăn ở với nhau là mất cọc!". Vị chủ tọa hỏi tiếp: "Còn số phận các cô gái sau đó ra sao?". Muội đáp: "Các cô không lấy được chồng thì về lại nước không có tổn thất gì hết". Vị chủ tọa truy: "Ai đảm bảo các cô không bị tổn thất gì về thể xác, tinh thần". Muội lí nhí: "Dạ, bị cáo bảo đảm!", rồi quay qua đổ lỗi cho các cô: "Trước khi đi, các cô là những người lầm lỡ, đa số không còn trinh tiết. Bị cáo chỉ làm một thời gian, "lỗ" quá nên thôi không làm nữa".

Quan Chí Phát khai, khi dẫn các cô gái qua Malaysia, Phát phải đi bằng nhiều cách, có khi đi trực tiếp, có khi đi đường bộ lòng vòng qua nhiều nước vì sợ bị công an Malaysia phát hiện. Vị chủ tọa hỏi: "Các cô gái này muốn về nước thì được không?". Phát quả quyết: "Được". Vị chủ tọa đặt vấn đề: "Các cô này không có hộ chiếu, không có tiền, không biết ngoại ngữ. Nếu là bị cáo thì có dám trốn về không?". Phát cúi đầu ấp úng: "Không".

Trong khi đó, có mặt tại phiên tòa, các cô gái - nạn nhân của những kẻ buôn người nghẹn ngào kể lại những tháng ngày đen tối trên đất người. Do hoàn cảnh khó khăn nên các cô muốn lấy chồng nước ngoài để hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi đến nơi các cô thật sự vỡ mộng. Các cô bị giữ hộ chiếu, bị quản thúc đưa đi nhiều nơi xem mắt. Nếu không ai chọn làm vợ thì các cô bị ép đi bán dâm, bị hãm hiếp, đánh đập, bỏ đói, lột hết nữ trang... May nhờ lòng tốt của những người khác nên các cô gọi điện báo gia đình nộp tiền chuộc mới được giải thoát hoặc được giúp đỡ bỏ trốn qua nhiều nước mới về được quê hương.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, mua các cô gái với giá rẻ rồi đem bán với giá cao hơn hưởng lợi và bỏ mặc các cô ở nơi đất khách; hiện nay nhiều cô vẫn còn lây lất ở nước ngoài không biết sống ra sao. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Quan Chí Phát 12 năm tù, phạt tiền 30 triệu đồng; Hứa Huệ Muội 10 năm tù, phạt tiền 20 triệu đồng về cùng tội "mua bán phụ nữ". Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố Trần Đức Tiến, Tchên Hòa Tchên, Huỳnh Thị Lanh, Mai Thị Nhãn, Trần Kim Hạnh vì hành vi của những đối tượng này cũng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

L.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.