Người nghèo thêm khó

23/05/2008 03:30 GMT+7

Đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn TP.HCM vừa được Ban xây dựng đề án chính thức trình UBND TP hôm 21.5, và nếu được thông qua thì hàng chục ngàn người mưu sinh bằng phương tiện này vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn...

Hai phương án

Theo số liệu của Ban xây dựng đề án, toàn TP hiện có hơn 21.143 xe 3, 4 bánh tự chế, bao gồm xe cơ giới của người tàn tật 393 chiếc; xe cơ giới và thô sơ thu gom rác 2.938 chiếc; xe cơ giới và thô sơ 3 bánh có đăng ký biển số do Sở Giao thông - Công chính cấp 2.354 chiếc và xe tự chế không có giấy tờ hơn 15.457 chiếc. Ban đưa ra 2 phương án chuyển đổi.

Phương án 1: hỗ trợ lãi vay 6%/năm trong 3 năm để thay thế xe 3, 4 bánh thu gom rác, chất thải vệ sinh (thay bằng loại xe đẩy tay thùng 660 lít và xe tải 550 - 1.000 kg)  và thay thế xe cơ giới 3 bánh có đăng ký biển số (thay bằng loại xe tải <1.000 kg), người chọn xe tải để thay thế được hỗ trợ 1 suất học thi lấy bằng lái xe B2 (3 triệu đồng/người/lớp); mua tặng 100 hộ nghèo có thu nhập dưới 5 triệu đồng/người/năm, mỗi hộ 1 xe mô tô 2 bánh (khoảng 15 triệu đồng/xe) để thay thế xe 3, 4 bánh tự chế làm phương tiện mưu sinh; hỗ trợ ban đầu cho các hộ nghèo có xe 3, 4 bánh tự chế 5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ học lái xe, đào tạo nghề 3 triệu đồng/người/lớp; lồng ghép các chương trình vay vốn tại các quỹ xóa đói giảm nghèo (quỹ 140), quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (quỹ 71) và Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi (từ 0,5% đến 0,65%/tháng) cho những người đang sử dụng xe 3, 4 bánh không có biển đăng ký; tổng ngân sách chi cho phương án 1 dự kiến khoảng 50 tỉ đồng.

Phương án 2, dựa trên phương án 1, được bổ sung thêm cơ chế hỗ trợ lãi vay trên số dư thực tế cho những người có xe 3, 4 bánh tự chế không có biển đăng ký: 4%/năm khi vay tại các quỹ 140, quỹ 71 và Ngân hàng Chính sách xã hội; 6%/năm khi vay tại các tổ chức tín dụng khác; tổng ngân sách chi cho phương án 2 hơn 83,3 tỉ đồng.

Ban xây dựng đề án cũng kiến nghị lộ trình thực hiện việc chuyển đổi từ tháng 6.2008 đến tháng 12.2008 đối với xe của người tàn tật, xe thu gom rác, chất thải vệ sinh và xe cơ giới 3 bánh có đăng ký biển số; từ tháng 6.2008 đến tháng 12.2009 đối với nhóm xe không có biển đăng ký. Ngoài ra, các phương tiện này chỉ được hoạt động trong hành lang quy định, riêng khu vực nội thành chỉ được hoạt động từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Người nghèo vẫn khó

Đã 4 lần đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh được trình UBND TP nhưng đều bị bác bỏ và đây là lần thứ 5 đề án này được trình. Điểm khác biệt lớn nhất của đề án lần này so với đề án trình lần thứ 4 là kinh phí chi cho việc chuyển đổi đã giảm từ khoảng 700 tỉ đồng xuống còn 50 - 80 tỉ đồng. Theo một thành viên Ban xây dựng đề án, với số tiền 50 - 80 tỉ đồng, TP chỉ có thể hỗ trợ lãi suất vay cho người phải chuyển đổi phương tiện. Nhưng vấn đề là làm sao những người mưu sinh bằng xe 3, 4 bánh tự chế có thể vay tín dụng, ngân hàng hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng để thay phương tiện lại không thấy đề án đặt ra. Trong khi đó, hầu hết họ đều là người nghèo, không có tài sản thế chấp, vốn đối ứng... thì việc đi vay vốn thương mại ở các tổ chức tín dụng là gần như không tưởng! Một khi vốn không vay được, thì "bài toán" hỗ trợ lãi suất đặt ra "cũng chỉ để cho vui" và việc chuyển đổi phương tiện cũng không thể thực hiện.

Cũng cần nói thêm, cho dù người có xe 3, 4 bánh tự chế chuyển đổi được phương tiện theo đề án, thì việc mưu sinh của họ cũng không dễ dàng gì khi hành lang lưu thông bị giới hạn và thời gian lưu thông trong khu vực nội đô chỉ từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. "Khoảng thời gian này có ai thuê chúng tôi đâu, ngoại trừ một số xe vận chuyển hàng hóa từ các chợ đầu mối về chợ lẻ. Vì thế, có cho chúng tôi chạy cũng bằng không!" - một người mưu sinh bằng xe ba gác máy đậu trên đường Lê Lai, quận 1, chiều 21.5, lo lắng. Và đây cũng là nỗi lo của hàng vạn người cùng cảnh ngộ khi mà việc chuyển đổi phương tiện mưu sinh của họ vẫn chưa có lối thoát.

Minh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.