NSƯT Đặng Hùng: “Có thể sống bằng nghề múa”

17/05/2008 17:53 GMT+7

Có một gia đình múa đang thực sự đóng góp nhiều cho sân khấu TP.HCM. Vợ chồng - cha mẹ - con cái cùng tỏa sáng cạnh nhau dưới ánh đèn rực rỡ. Đó là gia đình của NSƯT Đặng Hùng - Vương Linh. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa PV Thanh Niên với NSƯT Đặng Hùng.

* Xin chúc mừng anh chị về việc con gái sắp trở về. Chương trình báo cáo với khán giả Việt Nam của Linh Nga đã được chuẩn bị đến đâu rồi?

- Thực ra, chương trình đã được mẹ con Vương Linh - Linh Nga bàn định từ nửa năm trước, giờ chúng tôi chỉ việc thực hiện. Linh Nga về Việt Nam vào cuối tháng tư. Tháng sáu, Linh Nga sẽ góp mặt trong Festival Huế 2008. Còn chương trình chính của Linh Nga sẽ được tổ chức vào hai đêm 22 - 23.8 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), với tất cả 120 diễn viên, gồm đoàn múa Những ngôi sao nhỏ, Nhà hát Bông Sen, trường múa Quảng Đông. Chương trình có hai phần: Sắc màu Trung Hoa, Hương sen đất Việt, và cuối cùng là vũ hội Carnaval. Phần I có mặt 30 diễn viên của trường Múa Quảng Đông, đặc biệt có hai giáo viên của Học viện Múa Bắc Kinh, sẽ giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật múa Trung Hoa. Nhạc sẽ được chơi sống, và nhạc sĩ Quốc Trung là người viết nhạc cho phần II, do Đặng Hùng - Vương Linh biên đạo, Phạm Hoàng Nam đạo diễn, và Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đỡ đầu.

* Hẳn anh chị tự hào về con gái mình? Anh chị có nghiêm khắc với con không?

- Chúng tôi tự hào nhìn thấy trên sân khấu, Linh Nga thể hiện được nét phương Đông rất

Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ với mục tiêu và phương hướng “đáp ứng yêu cầu yêu thích nghệ thuật múa, phát hiện và phát huy tài năng múa, huấn luyện và hướng dẫn các em học sinh thành những nghệ sĩ múa tương lai... Giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, luyện độ mềm dẻo, sức bật và sự linh hoạt của cơ thể... xây dựng những chương trình biểu diễn với những tiết mục có nội dung mang tính giáo dục cao...”. Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ đã tham gia chương trình Mừng Sài Gòn 300 năm (1998), chương trình Tuần lễ văn hóa đón thiên niên kỷ mới tại thủ đô Hà Nội (năm 2000), tham gia Festival Huế 2002, đại diện thiếu nhi Việt Nam dự Festival Thiếu nhi thế giới Ước mơ châu Á tại Tokyo - Nhật Bản năm 2004...
đằm thắm của tâm hồn và hơi thở của dòng múa Việt Nam. Chúng tôi đã học múa châu u nên muốn con gái được học thêm nghệ thuật của phương Đông. Tuy nhiên, để Linh Nga nhận được lời khen thì hơi khó, vì Vương Linh thực sự nghiêm khắc với con gái. Để có được 5 phút trên sân khấu, diễn viên phải đổ mồ hôi khổ luyện trong thời gian gấp cả trăm lần. Và bố mẹ luôn nhắc để Linh Nga không được có thái độ, lời nói, cách nhìn thiếu tôn trọng đối với bạn diễn. Nhưng chúng tôi không chỉ dạy con bằng lời nói mà chính là bằng việc làm của mình. Linh Nga biết rõ bố mẹ đã nghĩ gì, đã hoạt động, đã đổ mồ hôi trên sàn diễn thế nào. Vì vậy, để trả lời câu hỏi “Học xong có ở lại Trung Quốc không?”, Linh Nga sẽ làm chương trình để báo cáo sự trở về của mình. Niềm vui của chúng tôi là được thấy Linh Nga đã trưởng thành cả về nghề nghiệp và nhận thức. Tốt nghiệp xong, Linh Nga chỉ muốn về Việt Nam để cùng làm việc và đỡ đần cho bố mẹ đã không còn trẻ. Cháu cũng đã bắt đầu sáng tác một số tiết mục như: Vào đời để tặng bố mẹ, và Cánh diều quê hương để dành cho Festival Huế...

* Anh chị là người từng đi du học xa gia đình, xa Tổ quốc. Điều gì là thử thách lớn nhất đối với du học sinh ở độ tuổi ấy?

- Thử thách lớn nhất chính là sự cô đơn. Với Linh Nga, đó là sự cô đơn suốt thời gian học đại học: ở nhà thuê một mình, trời Bắc Kinh rất lạnh, việc luyện tập hành xác suốt quá trình học cộng với sự căng thẳng kéo dài trong thi cử. Linh Nga không có thì giờ và điều kiện để vui chơi. Niềm vui lớn nhất của cháu suốt thời gian ấy là được ngủ dậy muộn trên một cái giường êm.

*Anh chị có gặp khó khăn trong thời gian du học, nhất là khi có con?

- Khi du học ở Liên Xô, chúng tôi đã quen rồi, nên nếu có khó khăn cũng chẳng để ý, có thiếu thốn cũng chẳng biết là thiếu. Khi Vương Linh đã mang thai Linh Nga 5 tháng, chúng tôi vẫn đi sang Ba Lan, và Vương Linh phải nịt bụng để biểu diễn. Hậu quả là Linh Nga bị sinh non khi mới được 7 tháng, chỉ cân nặng hai ký. Thế là con thì được nuôi trong lồng kính, còn vợ thì phải nằm bệnh viện. Hằng ngày tôi nấu cháo chân giò bỏ vào phích mang vào bệnh viện nuôi vợ, suốt 2 tháng chẳng hề nhìn thấy mặt con. Hôm đón Linh Nga về, cả ký túc xá của trường múa làm tiệc mừng. Chân dung vui của cháu được vẽ trên cửa, hoa đầy các cầu thang, còn các cô chú thì chuẩn bị sẵn nào xô, nào xẻng, nào búp bê, xe kút kít..., và cả hổ bông để làm quà cho cháu. Mùa đông nước Nga lạnh ngắt, Linh Nga được quấn trong bao nhiêu lớp khăn áo ấm nhưng các cô chú quá thích búp bê bé tí biết chớp mắt, biết động đậy chân tay nên tranh nhau bế bồng, chơi đùa với cháu... Thật may là sau đó cháu cũng chẳng bị sao... Tiệc mừng đón Linh Nga có chả giò là món chính, đã được kéo dài suốt 3 ngày, rất may là cả bọn đã không bị ban giám hiệu kỷ luật...

* TP.HCM là nơi đầu tiên tổ chức được lớp múa như Những ngôi sao nhỏ. Kinh nghiệm để có thể thành công với hoạt động này?

- Năm 1995, khi nảy ra ý định, chúng tôi đã bàn với cô Kim Dung, và được cô rất tán thưởng. Thế là lớp múa Những ngôi sao nhỏ ra đời với 25 học sinh đầu tiên, ở ba độ tuổi 15, 12 và 8, trong đó có Thùy Chi con cô Kim Dung và Linh Nga. Với độ tuổi này của các cháu, việc giảng dạy gặp bao điều khó. Các cháu đều đang lớn, đang tập bài múa này thì chỉ thời gian ngắn các cháu đã cao vụt lên, phải chuyển sang học bài khác. Phải yêu các cháu như yêu con, hiểu tâm lý trẻ thơ, và phải kiên trì lắm thì mới duy trì được lớp. Thế nhưng thật hạnh phúc là vào dịp sinh nhật 5 năm, Những ngôi sao nhỏ đã làm xôn xao Hà Nội khi xuất hiện ở thủ đô, và được Thủ tướng Phan Văn Khải lúc ấy lấy chương trình Những ngôi sao nhỏ để tiếp khách.


Gia đình hạnh phúc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hai NSƯT Đặng Hùng - Vương Linh đã tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Nghệ thuật sân khấu Motskva - Liên Xô cũ năm 1986. Về nước, họ được biên chế ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - Hà Nội, cùng chuyển vào TP.HCM, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.

* Kế hoạch dài hạn anh chị dành cho Những ngôi sao nhỏ?

- Ngay từ khi mới mở lớp, chúng tôi đã chủ trương không chỉ dạy các cháu múa mà còn dạy các cháu làm bạn, làm người. Nên khi đến lớp múa, các cháu không được đeo nhẫn, vòng, không mặc những quần áo quá cầu kỳ... Những ngôi sao nhỏ hiện nay có 150 học sinh từ 5 đến 16 tuổi. Thực sự Vương Linh không chỉ là cô giáo mà đã làm cả công việc của người mẹ, người chăm sóc trẻ. Cô giáo luôn phải nhắc nhở từng cháu về trang phục, giày tất, kẹp tóc... Còn với các cháu tuổi nhỏ thì trong nhiều lần đi biểu diễn, cô giáo phải mang cả... bô theo cho các cháu. Điều đáng mừng là hiện nay, trường Múa Quảng Đông - Trung Quốc đã nhận đào tạo tiếp học sinh Những ngôi sao nhỏ. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ còn tiếp tục dài lâu...

* Nghề múa có thể nuôi sống người ta ở VN không, trong trường hợp của anh chị?

- Khi từ Hà Nội vào TP.HCM, chúng tôi chỉ có chiếc xe đạp, nhưng không hề lo lắng. Chúng tôi đã rời Hà Nội, vào TP.HCM vì nhận ra rằng ở Hà Nội vào mùa đông không ai muốn ra đường, mùa nắng không ai muốn vào rạp, mà chỉ muốn ở nhà. Ngay trong năm, bảy năm đầu chưa có nhà riêng, sống tạm tại Nhà khách Công đoàn, chúng tôi cũng đã có thể sống bằng nghề múa. Ngoài biểu diễn, chúng tôi còn sáng tác, dàn dựng, dạy múa, không từ chối bất cứ công việc nào... Hiện nay mọi việc tất nhiên đã tốt hơn nhiều...

* Anh chị sẽ nói gì với những bậc cha mẹ có con cái muốn theo nghề múa?

- Điều chúng tôi luôn nhắc các phụ huynh là, con họ phải thực sự có khả năng múa và thực sự yêu nghệ thuật múa.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.