Những đứa trẻ bị bạo hành

12/05/2008 22:56 GMT+7

Đôi khi em muốn chết quách cho xong! Sống mà lúc nào cũng bị gò bó, đánh đập... Nhìn mấy đứa bạn cùng tuổi được ba mẹ quan tâm, em tủi thân lắm!". Lời bộc bạch tuyệt vọng của cậu bé M.T, học sinh lớp 9, khiến chuyên viên tư vấn không khỏi nao lòng.

M.T tiếp tục kể trong nước mắt: Đối với em, ba mẹ chỉ nhăm nhăm vào một câu hỏi: "Hôm nay được mấy điểm?". Nếu em trả lời 9, 10 điểm thì không sao, còn nói 6, 7 điểm là bị đánh! Bị đánh riết, em đâm lì đòn, không khóc được nữa nhưng trong lòng nỗi buồn cứ chất chồng cô ạ! Vào ngày sinh nhật của mình, M.T ngỏ ý muốn mời bạn bè đến nhà chơi một lần cho biết nhưng ba mẹ cậu gạt phăng đi. "Đôi khi em muốn chết quách cho xong! Sống mà lúc nào cũng bị gò bó, đánh đập... Nhìn mấy đứa bạn cùng tuổi được ba mẹ quan tâm, em tủi thân lắm!" - M.T bộc bạch.

Khác với M.T, N.N (một học sinh lớp 5 tại TP.HCM) từ nhỏ chỉ sống với mẹ và gần như không biết mặt cha (cha em đi nước ngoài biền biệt). Trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, N.N sống khép kín và đầy mặc cảm. Có những lúc mải suy nghĩ về người cha, N.N trở nên lơ đãng, thiếu tập trung vào bài giảng của thầy cô. Thay vì tìm hiểu lý do để thông cảm, chia sẻ, cô giáo chủ nhiệm nhiều lần mắng N.N là "đầu óc bã đậu", "tôi nghĩ em ngồi nhầm lớp rồi!", "sao em ngơ ngơ như người mất hồn vậy!"... trước tất cả học sinh trong lớp. N.N về nhà nằng nặc đòi mẹ chuyển trường, nếu không cậu bé sẽ bỏ học vì "quá nhục nhã với bạn bè"...

Gần đây, một trung tâm tư vấn ở TP.HCM tiếp nhận một trường hợp tương đối phức tạp nhưng cũng khá phổ biến trong xã hội. H.H, 16 tuổi, học lớp 10, quen S., một sinh viên 19 tuổi ở trọ cùng xóm. Từ ngày có người yêu, H.H học khá hẳn lên. Tuy nhiên, mẹ của H.H không chấp nhận tình cảm này. Một hôm, sau khi bị mẹ la mắng nặng lời, H.H đã bỏ nhà đi. Cô nữ sinh tìm đến nhà người yêu ở Tây Ninh để tá túc. S. đã ra sức thuyết phục và đưa H.H về trình diện bà mẹ cô gái. Bà mẹ này một hai cho rằng S. đã dụ dỗ đưa con bà "đi bụi" nên tìm mọi cách làm khó dễ S. Bà còn khóa trái cửa nhốt H.H... Gọi điện cho chuyên viên tư vấn, H.H tâm sự: "Từ lâu, em đã thất vọng chuyện mẹ em đã có gia đình nhưng vẫn công khai cặp bồ với người khác. Mẹ đã không làm gương cho tụi em mà còn rất khe khắt, can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư của em...".

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn - FDC (trực thuộc T.Ư Hội Kế hoạch hóa gia đình VN) khẳng định: bạo hành và trấn áp tinh thần giữa cha mẹ với con cái, giữa giáo viên với học sinh vẫn đang là một hiện tượng đáng báo động. Theo bà Thương, hậu quả của nó là đứa trẻ bị rối nhiễu tâm lý, biểu hiện: mặc cảm thu mình lại; thiếu tập trung tư tưởng... "Kỹ năng sống số 1 của vị thành niên, thanh niên là giao tiếp. Càng giao tiếp nhiều, bản thân càng nhanh được xã hội hóa. Thế nhưng, trẻ bị bạo hành thường rút mình trong vỏ ốc, khả năng giao tiếp bị thui chột. Vậy là hỏng bét rồi!" - bà Thương giải thích. Nguy hiểm hơn, theo bà Thương, đứa trẻ sống trong những gia đình có bạo hành khi lớn lên thường lặp lại cách hành xử bạo hành với vợ, với con mình...

Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.