Vì sao tài xế xe buýt bỏ việc hàng loạt?

08/05/2008 22:33 GMT+7

Chỉ riêng ở các HTX, từ đầu năm đến nay đã có trên 50 tài xế xe buýt bỏ việc, chuyển sang lái xe cho các công ty khác", ông Phùng Đăng Hải -Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM - cho biết.

Theo ông Hải, trong khi điều kiện tuyển dụng rất ngặt nghèo (phải có bằng E2, nhiều năm kinh nghiệm...) thì lương các HTX trả cho tài xế xe buýt chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM ngày một trầm trọng đã khiến nhiều tài xế không thể điều khiển xe buýt theo kịp biểu đồ giờ (đã được ấn định) và bị phạt tiền khá nặng (bỏ sót một chuyến bị phạt 800 nghìn đồng). Ông Hải nêu ví dụ: "Theo quy định của biểu đồ giờ thì tài xế phải đảm bảo xe buýt qua lộ trình Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt là 15 phút. Thời gian gần đây đoạn đường này liên tục ùn tắc, nhiều vụ kéo dài cả tiếng đồng hồ. Xe buýt dính chùm giữa hàng nghìn phương tiện khác thì làm sao mà chạy được?". Một số tài xế thậm chí không dám ngừng ăn cơm trưa vì phải chạy để bù giờ do bị kẹt xe. Rồi thì tình trạng "vé tập, vé tháng bị làm giả ngày càng nhiều cũng gây tâm lý lo lắng, buồn bực cho các xã viên", ông Hải nói. Các nguyên nhân này đã dẫn tới tình trạng xe buýt nằm không vì không có tài xế ở một số HTX.

Công ty CITRANCO cho biết chỉ trong quý 1/2008, hoạt động xe buýt của công ty (100 xe) lỗ 1,5 tỉ đồng. Công ty xe khách Sài Gòn với 700 xe buýt bị lỗ 2 tỉ đồng trong quý 1/2008. Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM hiện có trên 800 xe buýt trực thuộc 6 HTX. Các HTX này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn dù mới đây, UBND TP.HCM đã đồng ý tăng thêm 122 tỉ đồng để bù lỗ cho xe buýt trước tình hình giá nhiên liệu tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải TP.HCM (CITRANCO), mức phạt mà Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông - Công chính (GTCC) áp dụng đối với xe buýt hiện nay quá nặng. Ông Long cho biết, hợp đồng vận chuyển năm 2007 quy định xe buýt vi phạm lỗi không bật máy lạnh thì bị phạt 400.000 đồng. Sau khi công ty kiến nghị thì Sở GTCC giảm mức phạt này xuống 200.000 đồng. Thế nhưng sang năm 2008, mức phạt này lại tăng lên 800.000 đồng; nhiều mức phạt khác từ đầu năm 2008 cũng tăng lên gấp đôi so với năm 2007.

Một số tài xế xe buýt cho biết từ đầu năm 2008, mỗi lỗi bỏ chuyến bị phạt đến 800 nghìn đồng trong khi năm 2007 chỉ bị phạt 200 nghìn đồng. Khu vực nhà ga chợ Bến Thành không có chỗ cho xe buýt dự phòng đậu buộc xe phải đậu ở nơi khác. Khi nhận được lệnh điều xe thì tài xế lập tức đưa xe dự phòng đến đầu bến nhưng vẫn không kịp giờ, thế là bị phạt 800 nghìn đồng. Rồi do nhiều "lô cốt" thi công chiếm dụng lòng đường trong thời gian dài buộc ngành giao thông phải di dời không ít trạm dừng đến vị trí mới. "Điều bất hợp lý là trạm cũ không được tháo dỡ khiến hành khách không biết nên vẫn đứng ở trạm cũ chờ xe. Xe buýt không đến, hành khách chờ lâu không thấy xe đến nên phản ứng cho rằng xe buýt bỏ trạm, thế là... phạt. Đây là lỗi mà xe buýt bị phạt nhiều nhất" - ông Long nói. Theo ông Long, số vụ xe buýt bị phạt tăng rất nhanh: năm 2006 toàn thành phố có 2.000 vụ, năm 2007 là 4.000 vụ. Số tiền đóng phạt do tài xế và tiếp viên chịu.

Công việc căng thẳng, thu nhập kém, bị phạt nặng...  Đó là những nguyên nhân khiến số tài xế xe buýt bỏ việc ngày càng tăng.

N.Đ.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.