Quy trình viết SGK của chúng ta là quy trình ngược

08/05/2008 10:08 GMT+7

Chương trình sách giáo khoa (SGK) không ổn định trong những năm qua thể hiện rõ sự lúng túng trong chỉ đạo của Bộ GDĐT và hậu quả là sự chắp vá, thiếu tính liên thông... của SGK.

Biên soạn chương trình - lúng túng ngay từ khâu chỉ đạo

Không chỉ là lúng túng mà nhiều sự kiện cho thấy thiếu sự ổn định và chỉ đạo xuyên suốt cho chương trình SGK trong gần ba chục năm qua. Điều này thể hiện rõ ở một số mặt: Thứ nhất, năm 1993, Bộ Giáo dục có chủ trương phân ban, đến năm 1998 phân ban đã bị xoá bỏ. 4 năm sau, năm 2002 việc phân ban lại được khôi phục.

Nếu phân ban lần đầu là 3 ban thì lần này chỉ có 2 ban (tự nhiên và xã hội). Nhưng ngay đến năm 2003 việc phân ban này đã không được thực tiễn chấp nhận nên đã phải dừng lại 2 năm. Đến năm 2005 khi tiếp tục làm phân ban dự kiến đưa ra 4 ban thì bị phản đối, lại chỉnh lý lại còn 3 ban như hiện nay. Thứ hai, sau năm 1990 riêng môn toán có 3 bộ SGK, văn có 2 bộ SGK cho 2 miền Nam, Bắc, sau đó khi bị phản đối lại được biên soạn thành 1 bộ SGK cho mỗi môn trên.

Thứ ba, ngược trở về trước, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự chỉ đạo của GS Hoàng Xuân Hãn, chỉ sau hai tháng chuẩn bị, chúng ta có một bộ SGK phổ thông. Và bộ sách này được sử dụng liên tục 10 năm ở miền Bắc và hơn 20 năm ở miền Nam. Sau khi tiếp quản thủ đô, năm 1955 dưới sự chỉ đạo của các GS Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy, Lê Hải Châu, sau nửa năm biên soạn, chúng ta có được một bộ SGK mới và đã được dùng ổn định hơn 30 năm.

Mặt khác, nếu 3 lần thay đổi SGK trước đã đồng thời thay đổi toàn bộ SGK để thống nhất chương trình thì trong hai lần thay đổi SGK sau này (năm 1981 và 2002), lại làm theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu với nhiều hội đồng khác nhau.

GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra ví dụ với việc biên soạn cuốn SGK môn hoá vừa cồng kềnh, vừa không có hiệu quả và rất tốn kém: Có tới 12 hội đồng (HĐ) biên soạn, 12 HĐ thẩm định và có tới 64 HĐ thí điểm. Điều đó, theo GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn là hỏng về học thuật, dẫn tới phá vỡ tổng thể nội dung  ở bậc phổ thông.

Do đó, quy trình viết SGK của ta hiện nay đang là quy trình ngược. Bởi, việc viết SGK thực hiện khi chưa có chương trình chuẩn. SGK lại được hoàn chỉnh theo từng năm học, lớp học chứ chưa có tầm nhìn chung và dài hơi hơn của từng cấp học...

Để ổn định chương trình và tiết kiệm cho xã hội, cần có quy định bắt buộc chương trình SGK tối thiểu phải dùng được 10 năm như "ngày xưa" của chúng ta cũng như những nước tiên tiến đang áp dụng hiện nay.

Chương trình phổ thông mà không phổ thông

Chưa có chương trình SGK chuẩn bởi có nguyên nhân là các hội đồng biên soạn chưa có một hệ thống sách tham khảo thống nhất và chuẩn mực. Vì không có chương trình và sách tham khảo gốc nên khi biên soạn SGK khó có thể so sánh, học tập. Hậu quả như trên chúng tôi đã phân tích, xây dựng chương trình SGK khá tuỳ hứng, chắp vá. Không chỉ vậy, chúng ta càng chỉnh lý thì chương trình SGK phổ thông ngày càng nặng hơn - điều này đã được nhiều nhà giáo dục đề cập đến.

Trong đó, một số môn lại đưa cả chương trình ở đại học vào! Mặt khác, ngôn ngữ trong chương trình phổ thông hiện tại lại không phổ thông, đưa nhiều khái niệm trừu tượng nên thầy cô khó truyền đạt, học sinh cũng khó hiểu.

Thầy Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) - còn khẳng định: "SGK thiếu tính nhất quán, thiếu tính liên thông (cụ thể là hai bộ SGK chuẩn và SGK nâng cao) cũng như thiếu cả tính hỗ trợ giữa các bộ môn học cùng cấp của bộ SGK. Tất cả những hạn chế này đã khiến việc dạy, học của giáo viên và học sinh nói riêng cũng như vấn đề đào tạo cùng chế độ thi cử  nói chung rơi vào tình trạng "cập rập".

Trả lời trên Đài Truyền hình VN tháng 10.2006, GS Văn Như Cương - tác giả biên soạn SGK môn toán -  cho rằng, Bộ GDĐT ngay từ đầu đã độc quyền việc biên soạn SGK. Cụ thể, bộ toàn quyền mời, lựa chọn người biên soạn, người thẩm định và giao cho NXB Giáo dục tổ chức biên soạn và  in ấn SGK. Không chỉ GS Cương, cùng trong buổi truyền hình này, ông Ngô Xuân Ái - Tổng giám đốc NXB Giáo dục - cũng cho rằng mình cũng là nạn nhân của cơ chế độc quyền(!?).

Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ cần sớm vào cuộc để rà soát lại toàn bộ quy trình làm SGK, trong đó phải sớm xây dựng cho được chương trình chuẩn quốc gia, tạo sự ổn định và có hệ thống của chương trình SGK.

Một số hợp đồng kinh tế in SGK với NXBGD vào cuối tháng 1.2008 đều ghi: Hình thức hợp đồng là "Hợp đồng trọn gói, không thay đổi giá". Phần phụ lục của hợp đồng cũng cho biết: Đến ngày 15.4, cơ sở in ấn phải giao cho NXB gần 2/3 số sách theo hợp đồng. Và đến ngày 25.5 phải hoàn thành việc giao sách. Như vậy, đến thời điểm này về cơ bản SGK đã in gần xong, do đó việc dự kiến tăng giá sách lên 10% với lý do giá giấy, giá công in tăng có thuyết phục?

V.H

Vương Hà - Thể Uyên/Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.