Xung quanh đề án Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia

25/04/2008 23:54 GMT+7

Hôm qua 25.4 tại TP.HCM, cuộc tọa đàm do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức với nội dung xoay quanh đề án xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia đã có mặt đông đảo những gương mặt uy tín của làng sân khấu.

NSND Trọng Khôi (chủ tọa) trình bày tóm tắt về dự án là sẽ xây dựng một trung tâm hiện đại, vẫn giàu bản sắc dân tộc, đủ sức dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm hoành tráng của sân khấu nước nhà lẫn sân khấu thế giới. Trung tâm này đặt tại thủ đô Hà Nội, ngoài một khán phòng 2.000 người, còn có quảng trường đủ chỗ cho 10.000 người, cùng những tầng lầu khác làm nơi hội nghị, đào tạo, bảo tàng, lưu niệm, truyền thông, internet, siêu thị, nhà hàng, ẩm thực, dịch vụ... Nghĩa là một địa điểm vừa đầy đủ về văn hóa, vừa phong phú về dịch vụ để lấy dịch vụ nuôi văn hóa, Nhà nước chỉ góp vốn xây dựng ban đầu, sau đó mọi hoạt động của trung tâm đều lấy từ những nguồn thu này. Song song đó là những trung tâm vệ tinh tại các thành phố lớn như TP.HCM sẽ chuyên về cải lương, Đà Nẵng chuyên về tuồng, Tây Nguyên chuyên về văn hóa dân tộc... Dự toán kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng, và thời gian thực hiện từ 2010-2020.

Các nghệ sĩ có mặt đều tán thành. NSND Doãn Hoàng Giang nói: "Đến bây giờ mà chúng ta vẫn tự hào về hai nhà hát lớn tại Hà Nội và TP.HCM do Pháp xây gần một thế kỷ! Theo tôi thì nhục quá! Và nó cũng quá nhỏ nên mình viết cái gì, dựng cái gì cũng không dám tung tẩy sáng tạo như người ta. Ở các nước, người ta đánh giá quốc gia bằng những công trình văn hóa chứ không phải nhà hàng, khách sạn. Vậy xây trung tâm này là rất cần thiết".

NSND Huỳnh Nga: "Báo chí hay viết vở này hoành tráng, vở kia hoành tráng, nghe mắc cỡ quá. Có xem Chiếc áo thiên nga mới thương cho đạo diễn Hoa Hạ, muốn những cánh thiên nga bay lên mà hóa ra là... treo cổ thiên nga. Vì cứ phải treo lơ lửng một chỗ, chừng nào hạ màn thì tuột xuống. Nói thật, chúng tôi đã ước mơ xây dựng trung tâm như thế này từ hơn 50 năm qua, từ những ngày mới giải phóng thủ đô. Bây giờ làm thì cũng muộn rồi, nhưng chưa muộn lắm. Tôi không biết mình còn sống để thấy được nó ra đời!".

Hầu như các nghệ sĩ lão thành đều ôm ấp ước mơ này từ lâu, và cũng ưu tư như Huỳnh Nga là liệu mình có được trông thấy công trình, nhưng họ nhất trí là phải trao niềm hạnh phúc đó lại cho lớp nghệ sĩ con cháu. Bởi nói như ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: "Trước nay sân khấu chúng ta chỉ làm theo chiến thuật, còn đây mới gọi là chiến lược. Chỉ cần mỗi nhiệm kỳ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giải quyết một vấn đề chiến lược là đã đủ. Và đã làm thì theo tới cùng, mình làm không xong thì tới con cháu mình làm".

Sở dĩ ông nói như thế vì có nhiều ý kiến lo lắng không biết Bộ có đồng ý cho làm trong lúc tình hình kinh tế đất nước đang lạm phát, mọi thứ phải thắt lưng buộc bụng. NSND Đoàn Dũng đưa ra một ý kiến đáng chú ý, là cần huy động sự tiếp sức của các doanh nhân. Nếu sân khấu có người tiếp cận với họ, trình bày một vấn đề cụ thể, bổ ích, thì họ sẵn sàng hỗ trợ. Đừng bao giờ bỏ qua sức mạnh xã hội hóa.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.