Việc gia nhập WTO tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam

23/04/2008 22:36 GMT+7

Ngày 23.4, dự án Hỗ trợ thương mại đa biên do Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban châu u đã tổ chức Hội nghị đánh giá tác động từ việc gia nhập WTO đến kinh tế và xã hội Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia dự án, 90% doanh nghiệp đánh giá việc gia nhập WTO mang lại những thay đổi quan trọng trong chính sách kinh tế của Việt Nam; 84% doanh nghiệp cho rằng quan hệ giữa Chính phủ với khu vực tư nhân đã thay đổi tích cực; 56% doanh nghiệp đánh giá Chính phủ đã thi hành các chính sách kinh tế hiệu quả hơn. Hiện đã có 1.800 dòng thuế được cắt giảm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, tăng khả năng lựa chọn đối với người tiêu dùng. Khả năng tiếp cận vốn nước ngoài cũng dễ dàng hơn do cổ phần hóa, mua bán doanh nghiệp tăng nhanh.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận xét: "Chưa bao giờ lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam lại có nhiều cảm xúc như hiện nay: vui có, buồn có, lo lắng có, thẫn thờ cũng có, nhưng nhìn chung lại là rất "nóng". WTO đã để lại dấu ấn rất rõ ràng. Gia nhập WTO làm tăng mạnh vốn FDI nhưng cũng dẫn đến thừa vốn, một trong những yếu tố chính làm tăng lạm phát". Bà Phạm Chi Lan, chuyên viên kinh tế cao cấp cho biết: "Kinh tế tăng trưởng nhưng hiện nay nông nghiệp trong nước vẫn chưa được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO, trong thu hút đầu tư nước ngoài, nông nghiệp vẫn đang bị lãng quên khi chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Thu nhập của nông dân có tăng lên nhưng đời sống nông dân không được cải thiện đáng kể do tốc độ tăng giá đầu vào sản xuất và hàng tiêu dùng". Về tác động đến môi trường đầu tư, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra kiến nghị: "Nỗ lực cải cách của Chính phủ hiện đang phân cấp mạnh cho địa phương, tăng tính năng động cho tỉnh nhằm làm giảm thời gian và chi phí gia nhập thị trường, song quá trình tiếp cận đất và giấy phép xây dựng còn nhiều khó khăn. Hạn chế về kết cấu hạ tầng, thiếu điện, giá đất và bất động sản bị đẩy lên cao đã làm tăng chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ phải đẩy mạnh thu hút đầu tư vào việc phát triển kết cấu hạ tầng và mạng lưới điện, cải cách hệ thống giáo dục, thực hiện công khai minh bạch, tham khảo ý kiến của doanh nghiệp trước khi ban hành các quy định pháp luật để tránh những tác động xấu".

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.