Những người “lái” vệ tinh VINASAT-1

14/04/2008 22:55 GMT+7

Ngày 19.4 tới, vệ tinh địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 sẽ chính thức được đưa lên quỹ đạo. Nhận trọng trách điều khiển vệ tinh có tổng trị giá đầu tư gần 4.800 tỉ đồng là 21 kỹ sư, phần lớn chưa quá 30 tuổi.

Trung tâm đảm nhiệm việc điều khiển VINASAT-1 (đặt tại Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương, Hà Tây) những ngày này nhìn bên ngoài khá bình lặng. Nhưng bên trong khu nhà có những chảo ăng-ten parabol khổng lồ, đội ngũ kỹ sư đang hối hả với những công việc chuẩn bị cuối cùng trước ngày VINASAT-1 vào quỹ đạo. Điều bất ngờ nhất đối với chúng tôi là tổ đảm nhiệm việc điều khiển VINASAT-1 đều là những kỹ sư có tuổi đời rất trẻ. Có tới 17 trong số 21 thành viên là những người thuộc thế hệ 8X, trong đó người trẻ nhất mới 23 tuổi. 

Ngoài Trạm điều khiển Quế Dương (Hà Tây), tại Bình Dương cũng có một trạm điều khiển dự phòng cho VINASAT-1. Trong trường hợp trạm điều khiển chính gặp sự cố vì một lý do nào đó hoặc có thiết bị cần bảo trì thì việc điều khiển VINASAT-1 sẽ do trạm dự phòng đảm nhiệm.

Chức danh là Phó đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương nhưng trên thực tế, kỹ sư Hoàng Phúc Thắng là người đứng đầu tổ điều khiển VINASAT-1. "Được giao nhiệm vụ điều khiển VINASAT-1 là một vinh dự lớn, nhưng cũng là công việc đầy thách thức. Đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ chưa từng có ở Việt Nam và hầu như chúng ta chưa có kinh nghiệm gì về vấn đề này" - Thắng bộc bạch. Anh kể, hầu hết kỹ sư trong nhóm VINASAT-1 đã được đào tạo căn bản tại ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện kỹ thuật quân sự, thêm vào đó tất cả đã trải qua các khóa đào tạo của đối tác Lockheed Martin (Mỹ) và Ses Astra (Luxembourg). Thắng tự tin cho rằng, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đảm đương công việc không hề đơn giản này.

Các kỹ sư tại trạm điều khiển - Ảnh: T.S

Chỉ cho chúng tôi chiếc ăng-ten có đường kính 13,5m mới được lắp đặt tại trạm Quế Dương, Thắng cho biết đó chính là cầu nối giữa VINASAT-1 và trạm mặt đất. "Ngoài nhiệm vụ thu các tín hiệu về tình trạng hoạt động, hướng đi và các thông số khác vệ tinh gửi về trung tâm để phân tích, xử lý, ăng-ten này cũng chính là nơi phát các lệnh điều khiển đến VINASAT-1" - anh nói.

Trong quá trình hoạt động, VINASAT-1 sẽ chịu nhiều yếu tố tác động của ngoại cảnh khiến vệ tinh không giữ được đúng vị trí ban đầu. Chính vì vậy, việc theo dõi và xử lý các tín hiệu từ VINASAT-1 phải được đảm bảo 24/24 giờ. Nếu VINASAT-1 hoạt động ổn định, việc điều chỉnh vệ tinh trở về vị trí chính xác được tiến hành định kỳ mỗi tuần một lần. Trong trường hợp phát hiện có thông số nào sai lệch thì việc điều chỉnh cho VINASAT-1 phải được tiến hành ngay lập tức. VINASAT-1 được đảm bảo hoạt động ở một khung ± 0,05 độ tính từ vị trí chuẩn. Ở khoảng cách gần 36.000 km so với mặt đất, con số trên sẽ tương đương hàng trăm km thực tế. "Nếu lệch khỏi khung độ, VINASAT-1 ngay lập tức sẽ mất khả năng kết nối cung cấp dịch vụ", Thắng nói. 

Trong nhóm kỹ sư vận hành VINASAT-1 có 8 thành viên được chuyển từ trạm thông tin mặt đất (thuộc Công ty viễn thông Quốc tế VTI, chuyên làm nhiệm vụ khai thác dịch vụ từ vệ tinh quốc tế Intelsat) sang. Đây là các thành viên đã có nhiều kinh nghiệm nhưng đối với lĩnh vực điều khiển vệ tinh thì lại  hoàn toàn mới. 13 kỹ sư còn lại mới được tuyển dụng khi Trung tâm Thông tin vệ tinh được thành lập vào tháng 8.2007. Mặc dù 100% thành viên của tổ điều khiển VINASAT-1 đã trải qua các khóa huấn luyện tại Mỹ, Luxembourg và trực tiếp tại trạm Quế Dương dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài nhưng tất cả mới chỉ trên lý thuyết và mô hình giả lập. Chính vì vậy kinh nghiệm là thử thách lớn nhất đối với nhóm kỹ sư điều khiển VINASAT-1 hiện nay. Chị Lê Thu Hằng, 26 tuổi, kỹ sư nhóm vệ tinh, cho biết trong quá trình học tại Mỹ và Luxembourg, các thành viên trong đoàn Việt Nam phải cố gắng hết sức để tiếp thu những kiến thức vô cùng mới và khó từ phía các chuyên gia nước ngoài. "Nhiều vấn đề chúng tôi phải nghiên cứu tài liệu và rút kinh nghiệm từ quá trình điều khiển giả lập vì có nhiều điều mình muốn tìm hiểu, đặt câu hỏi nhưng các chuyên gia nước ngoài lại không muốn tiết lộ" - Hằng kể.

Bạn Phạm Tiến Tuấn, sinh năm 1985, thành viên trẻ tuổi nhất tại Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương cho biết được tuyển dụng vào nhóm kỹ sư vận hành VINASAT-1 ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa. Bên cạnh việc tích cực tìm hiểu về lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này, Tuấn còn được sự hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm từ những người đi trước. "Mặc dù ở trường ĐH mình chưa được cung cấp kiến thức về lĩnh vực này nhưng càng tìm hiểu mình thấy rằng đây là một lĩnh vực rất thú vị nhưng cũng rất khó. Qua quá trình làm việc thực tế mình sẽ biết được cần phải bổ sung những kiến thức gì. Mình tin rằng các kỹ sư Việt Nam sẽ sớm làm chủ công nghệ này" - Tuấn nói.

Sau khi VINASAT-1 được đưa lên quỹ đạo, nhà cung cấp dịch vụ Lockheed Martin sẽ còn phải thực hiện đo kiểm đảm bảo sự ổn định cho vệ tinh trong vòng 1 tháng trước khi chính thức bàn giao việc điều khiển cho phía VN. Ngoài ra - theo anh Hoàng Phúc Thắng - sẽ có chuyên gia của Lockheed Martin trực tiếp hỗ trợ tại Trung tâm vệ tinh Quế Dương ít nhất 6 tháng kể từ sau khi VN tiếp nhận VINASAT-1.

T.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.