Cần bỏ "giấy phép con" trong biểu diễn

10/04/2008 00:02 GMT+7

Thủ tục xin cấp phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa nhạc đang khiến các nhà tổ chức, sản xuất ngán ngẩm. Việc cần phải loại bỏ hình thức "giấy phép con" này đang được nhiều người đồng tình.

Thủ tục vẫn là... thủ tục

Các bước chuẩn bị để xin cấp phép tổ chức biểu diễn một chương trình nghệ thuật hay sản xuất băng đĩa nhạc hiện rất nhiêu khê một cách vô lý. Trước nhất là nộp đơn xin cấp phép kèm theo danh mục bài hát và ca từ của từng ca khúc được in ra trên giấy, cộng thêm kịch bản chi tiết của toàn bộ chương trình nộp tại Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) địa phương. Sau khi có giấy phép này (thường từ 5 đến 7 ngày nếu không gặp trở ngại hay trục trặc về ca khúc trong danh mục xin cấp phép có được phép biểu diễn hay không), nhà tổ chức chương trình tiến hành việc biểu diễn chương trình gọi là tổng duyệt để hội đồng phúc khảo (do Sở VHTT địa phương thành lập) xem xét.

Ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: "Về mặt quản lý Nhà nước, riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa có luật hay văn bản pháp lý của Chính phủ, chỉ có văn bản dưới luật. Cục NTBD luôn tạo điều kiện để các thủ tục xin cấp phép đơn giản hơn. Tôi nghĩ việc cấp phép biểu diễn, sản xuất phát hành băng đĩa không vướng mắc gì cả. Tác phẩm hay chương trình đã công bố rồi thì không duyệt lại nữa".

Trong khi đó thì nhà sản xuất (các công ty băng đĩa nhạc) phải có thêm một thủ tục nữa là xin cấp phép phát hành. Có giấy phép phát hành, lại tiếp tục gửi đơn lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) xin cấp tem kiểm định dán vào sản phẩm trước khi tung ra thị trường.

Đó chỉ là công đoạn bình thường nếu thủ tục xin cấp phép không bị vướng quy chế cấp phép biểu diễn theo Quyết định 55/1999/QĐ-BVHTT ra ngày 5.8.1999 của Bộ VHTT (quy định về bài hát mới hoặc các ca khúc chưa được phép biểu diễn). Đa số các đơn vị, công ty tổ chức biểu diễn và sản xuất băng đĩa nhạc đều cảm thấy rất "nhọc nhằn" trong việc tiến hành những thủ tục này.

Biến tướng của "giấy phép con"

Việc nhiêu khê khi làm thủ tục để có trong tay giấy phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất, phát hành băng đĩa đã khiến nhiều người "nản lòng" hoặc bực bội. Vấn đề ở đây là tất cả những thủ tục này biến thành một thứ "giấy phép con" và để được việc thì hầu như tất cả những nhà tổ chức chương trình, sản xuất băng đĩa nhạc đều phải làm cho xong những thủ tục để những người trong "hội đồng duyệt chương trình" duyệt. Khổ nỗi trong hội đồng duyệt thì đa phần các thành viên lại không phải là những chuyên gia về âm nhạc hay bậc thầy về tổ chức biểu diễn nên những ý kiến đóng góp của họ ít khi được các đạo diễn nghe theo.

Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Cục NTBD sẽ tiến hành cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ. Ông Phạm Đình Thắng (Trưởng phòng Quản lý chương trình và băng đĩa nhạc - Cục NTBD) cho biết, cũng trong năm nay, Cục NTBD sẽ đưa danh sách các ca khúc được phép phổ biến lên website đồng thời có văn bản gửi đến Sở VHTT các tỉnh thành để phổ biến rộng khắp. Sự nhất quán trong việc quản lý văn hóa sẽ khiến tình trạng Sở VHTT các tỉnh thành cấp phép cho ca khúc này rồi sau đó lại chính Cục NTBD bác bỏ sẽ không còn xảy ra như đã từng xảy ra trước đây nữa.

Việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, quy định chặt chẽ bằng quy chế tổ chức biểu diễn với đầy đủ các biện pháp chế tài kèm theo, đồng thời phổ biến công khai các ca khúc được phép biểu diễn trên website sẽ là những động thái tích cực để giảm bớt thủ tục hành chính, hạn chế “đẻ” ra thêm "giấy phép con" trong việc xin cấp phép biểu diễn và sản xuất băng đĩa hiện nay.

Ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Bến Thành Audio-Video: "Điều buồn cười là cứ mỗi lần chúng tôi sản xuất chương trình hay xin phát hành băng đĩa lại phải nộp cho Sở VHTT TP.HCM đầy đủ ca khúc với ca từ được in rõ trên giấy dù đã nộp trước đó rất nhiều lần. Ở các nước, người ta quản lý văn hóa đâu bằng những thủ tục như mình đang làm. Với những quy định cụ thể về thuần phong mỹ tục, về chính trị, tác quyền... nhà sản xuất nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hoàn toàn không cấp bất cứ giấy phép nào về tổ chức biểu diễn cả. Nếu quy định chặt bằng quy chế, tôi dám chắc không nhà sản xuất hay tổ chức nào dám vi phạm. Xã hội hóa nhưng cứ bị bao vây bằng đủ thủ tục thì hóa ra chỉ làm chậm sự phát triển".

Ông Lê Quốc Thắng - Giám đốc Trùng Dương Audio: "Hiện nay công nghệ thông tin đang phát triển, các nhà quản lý văn hóa cần ứng dụng để giải quyết vấn đề thủ tục giấy phép biểu diễn và sản xuất băng đĩa nhạc gọn nhẹ hơn. Tôi từng gặp trường hợp một ca khúc được Nhà xuất bản Trẻ cấp phép in trong tập nhạc nhưng khi xin cấp phép biểu diễn hay sản xuất băng đĩa nhạc lại bị cơ quan quản lý văn hóa từ chối. Rõ ràng cách làm việc của các cơ quan đại diện Nhà nước về quản lý văn hóa chưa đồng bộ. Tại sao không công khai ca khúc được phép biểu diễn, người tổ chức chương trình ca nhạc hay nhà sản xuất băng đĩa nào vi phạm thì có hình thức chế tài. Việc chế tài này được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.