Giao quyền tuyển giáo viên cho hiệu trưởng

06/04/2008 21:33 GMT+7

Được sự đồng ý của UBND thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đã giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở GD-ĐT tuyển dụng giáo viên.

Phấn khởi với quy trình mới

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi - ông Kiều Trung Tiến cho biết: "Trong bối cảnh nhiều sinh viên sư phạm ra trường phải "chen chân" mới có chỗ dạy như hiện nay thì không dại gì các trường lại không muốn chọn được người khá nhất. Có thi tuyển mới thấy có sự phân hóa rất rõ về năng lực giữa các em. Gọi là giao quyền cho hiệu trưởng nhưng lãnh đạo trường cũng không dại gì mà ôm hết. Chúng tôi giao trách nhiệm cho các tổ, nhóm chuyên môn lựa chọn giáo viên còn thiếu của tổ, nhóm mình, vì họ mới là những người trực tiếp “cọ xát” hằng ngày với giáo viên trong hoạt động giảng dạy. Cách làm này sẽ giúp chúng tôi lựa chọn được những giáo viên mà học sinh thực sự cần".

Đợt tuyển dụng vào trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa qua có 13 người đăng ký dự thi. Hiệu trưởng nhà trường, bà Nguyễn Thị Chinh phấn khởi nói: "Lãnh đạo nhà trường cũng như các tổ chuyên môn rất hài lòng với kết quả tuyển chọn. Các em đều giỏi,  yêu nghề và thích làm việc. Trong quá trình thi tuyển, chúng tôi được Sở nhắc nhở phải làm hết lương tâm, trách nhiệm để không đưa vào trường những "hạt sạn". Tuy nhiên, theo bà Chinh, nếu chỉ có sự "nhắc nhở" các hiệu trưởng thôi không đủ. Cần cụ thể hóa những quy định về trách nhiệm để các hiệu trưởng phải khách quan, công tâm khi nhận người. "Không thể nói rằng anh đã tổ chức thi xong, đã lấy được người là hết nhiệm vụ. Anh phải chịu một hình thức xử lý nào đó nếu đưa người không giỏi, không đủ tư cách về làm việc. Để hoàn thiện chính sách giao quyền cho hiệu trưởng, cần phải có một cam kết với các hiệu trưởng cho việc tuyển dụng này" - bà Chinh thẳng thắn nói.

Cơ chế ngăn ngừa tiêu cực

Xung quanh chủ trương giao quyền cho hiệu trưởng được tuyển giáo viên, đã có nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này sẽ "châm lửa" cho tiêu cực, bởi rất nhiều vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục bị phanh phui do sự chuyên quyền và độc đoán của một số hiệu trưởng các trường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội lại cho rằng: Dù hiệu trưởng được chủ động trong tuyển dụng giáo viên, nhưng việc tổ chức thi tuyển buộc phải tuân thủ những quy định nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, tạo điều kiện tối đa cho người tham gia thi tuyển. Ví dụ: thí sinh được biết trước đề (có 10 đề thi cho mỗi môn). Trước giờ thi, hội đồng sẽ cho một thí sinh rút thăm để căn cứ vào đó ấn định mã số đề thi cho tất cả các môn thi của tất cả thí sinh dự thi... Mặt khác, trường tổ chức thi tuyển nhưng Sở GD-ĐT sẽ thanh tra và thành phố (Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ) kiểm tra. Quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội là cầu thị. Các quy định về kỳ thi sẽ thường xuyên được cải tiến, khâu nào có thể làm tốt hơn được thì sẽ làm.

"Dư luận và các thí sinh thường nghĩ, để được trúng tuyển cần phải có "động tác" thế này, thế nọ... Nhưng thực tế, nếu hiệu trưởng nhận một người kém năng lực, kém tư cách, thì sẽ không thuận lợi cho hoạt động chuyên môn của nhà trường, trong khi đó, mục tiêu làm tốt hơn nữa các hoạt động chuyên môn của nhà trường mới là sức ép hằng ngày đối với các hiệu trưởng. Trước kia tôi tuyển (Sở GD-ĐT), tôi giao về cho anh (hiệu trưởng), anh chẳng phải chịu trách nhiệm gì về việc đó. Còn bây giờ, anh tuyển cho bản thân nên chẳng có lý do gì anh coi nhẹ năng lực và tư cách của người được tuyển" - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Thanh Kỳ nói.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.