Đừng sợ chất béo!

05/04/2008 18:46 GMT+7

Không biết từ khi nào, chất béo - nhất là từ nguồn động vật - trong bữa ăn bỗng bị liệt vào hàng "kẻ xấu", bị nhiều người khuyến cáo không nên dùng vì lo sợ mắc các chứng bệnh như béo phì, tim mạch... Có đúng như thế không?

Chất béo sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm nếu...

... Ăn nhiều hoặc ăn không hợp lý chất béo dẫn đến tình trạng tăng hàm lượng triglyxerit, dẫn tới cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim.

Lipid máu bao gồm các axít béo tự do, triglyxerit, phospholipit, cholesterol tự do và cholesterol este hóa. Do không tan trong nước, nên các thành phần trên chỉ được vận chuyển trong máu nhờ kết hợp với protein thành các tiểu thể lipoprotein. Phần protein của lipoprotein là apolipoprotein. Lipoprotein có 3 thành phần chính là triglyxerit, cholesterol và aproprotein. Tỷ trọng các lypoprotein khác nhau, trong thành phần nhiều triglyxerit thì tỷ trọng thấp, ngược lại nhiều aproprotein thì tỷ trọng cao hơn.

Các lipoprotein gồm có các loại như: chylomicron, được tạo nên bởi các tế bào niêm mạc ruột; VLDL có tỷ trọng rất thấp, chủ yếu do gan tổng hợp, mang các triglyxerit nội sinh; HDL là lipoprotein có tỷ trọng cao, được tổng hợp từ gan, ruột có nhiệm vụ mang cholesterol từ tổ chức về gan; LDL là lipoprotein có tỷ trọng thấp, do gan tổng hợp từ chuyển hóa VLDL, mang cholesterol đi đến các tổ chức.

Trong các lipoprotein thì chylomicron và HDL không gây xơ vữa  động mạch, được coi là bạn của con người. Còn LDL và VLDL gây nên xơ vữa động mạch được coi là kẻ thù của con người.

Để phòng chống xơ vữa động mạch dẫn đến bệnh mạch vành, gây cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, trong chế độ ăn đúng là cần hạn chế (chứ không phải là bỏ hẳn) ăn chất béo động vật...

Là người bạn hữu ích

Đối với cơ thể con người, chất béo (lipid) có vai trò vô cùng quan trọng trong dinh dưỡng và cấu tạo cơ thể như: chất béo là nguồn giàu năng lượng nhất so với các chất dinh dưỡng khác - 1g lipid khi chuyển hóa sẽ cho 9 Kcalo, trong khi đó 1g gluxit hoặc protein chuyển hóa chỉ cho 4 Kcalo. Chất béo tham gia vào thành phần nguyên sinh chất của tế bào. Chất béo dưới da và quanh phủ tạng là tổ chức bảo vệ, giúp cơ thể tránh khỏi các tác động bất lợi của môi trường bên ngoài như nóng, lạnh, bảo vệ các cơ quan bởi các chấn động từ ngoài.

Chất béo còn là dung môi hòa tan rất tốt cho các vitamin không thể hòa tan trong nước. Nó là thành phần quan trọng trong cấu trúc tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh, não, tim, gan... vừa điều hòa các hoạt động trao đổi chất của tế bào như làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào.

Cholesterol (là một trong những loại chất béo) - là thành phần tham gia cấu tạo nên tế bào. Cholesterol giúp axít mật tham gia vào quá trình nhũ tương hóa ở ruột; tham gia tổng hợp các nội tiết tố vỏ thượng thận như coctizon, testoterol, andosterol, vitamin D3; làm tăng tính thẩm thấu của nguyên sinh chất với các chất khác nhau, tham gia vào quá trình liên kết nước bởi các mô; cholesterol có vai trò liên kết các độc tố tan máu (sapomin) và các độc tố tan máu của vi khuẩn, ký sinh trùng, bao vây các độc tố thâm nhập vào cơ thể.

Trong khẩu phần ăn hợp lý, nhu cầu năng lượng do lipid cung cấp khoảng 15-20% thức ăn giàu lipid, là nguồn năng lượng cần thiết cho người lao động nặng nhọc, cần thiết cho sự phục hồi sức khỏe đối với phụ nữ sau khi sinh và người mới đau ốm dậy...

Chất béo vừa là bạn (cần thiết cho cơ thể), vừa là kẻ thù (có hại cho sức khỏe). Vì vậy, phải biết sử dụng đúng cách và hợp lý để chất béo luôn trở thành người bạn tốt cho sức khỏe, đừng biến chất béo thành kẻ thù với sức khỏe con người. 

Lương y Vũ Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.