Ngân hàng Thế giới lạc quan về kinh tế Việt Nam

02/04/2008 00:09 GMT+7

Hôm qua 1.4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bản báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về tình hình kinh tế của các nước Đông Á - Thái Bình Dương.

Về tình hình khu vực 6 tháng qua, WB nhấn mạnh: Kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,5% vào năm 2007, tăng trưởng 3 năm liên tiếp trên mức 8%/năm. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 40% GDP. Hàng loạt điều tra về môi trường kinh doanh đều cho thấy xu thế mở rộng cả về phạm vi và quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2008.

Tuy nhiên, nền kinh tế đã bộc lộ những dấu hiệu tăng trưởng quá nóng với tỷ lệ lạm phát tăng mạnh. WB cho rằng, tăng trưởng quá nóng không phải là kết quả của việc chi tiêu ngân sách quá cao của Chính phủ. Theo tiêu chuẩn quốc tế, mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2007 ước tính khoảng 1% GDP.

Đánh giá về gói chính sách mới đây về chính sách tiền tệ và tài chính của Chính phủ, WB cho rằng: thành công của nhóm giải pháp này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện trên thực tế và khả năng điều chỉnh của Chính phủ trong các hoàn cảnh cụ thể như thế nào.

Về nguyên nhân và kết quả của các khó khăn vừa qua của nền kinh tế, ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nói: Các dấu hiệu của một nền kinh tế tăng trưởng nóng là lạm pháp gia tăng, thâm hụt tài khoản vãng lai, "bong bóng" trên thị trường bất động sản... Các nguyên nhân theo ông là có cả trong nước lẫn bên ngoài, về lạm phát do ảnh hưởng bên ngoài ông có đề cập đến "hiệu ứng Trung Quốc" dẫn đến việc giá cả hàng nông sản và nguyên vật liệu tăng cao. Chuyên gia của WB này đề cập đến tình trạng "tam pháp bất khả thi": chu chuyển dòng vốn, tỷ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập. Ông Martin Rama kết luận: Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể duy trì được hai trong ba biện pháp đó đã là tốt rồi.

Về triển vọng cho năm 2008, WB đánh giá: kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, các dòng vốn chưa rõ ràng và dự báo hai kịch bản cho Việt Nam. Kịch bản thứ nhất: tăng trưởng GDP năm nay là 8%, năm 2009 là 8,5%. Kịch bản thứ hai khó xảy ra hơn là tăng trưởng GDP năm nay 7,5% và 2009 là 8,1%. Về các biện pháp, WB đề xuất nên cắt giảm và kiểm soát chi phí đối với nền kinh tế, chấm dứt tình trạng "bong bóng" trên thị trường bất động sản, vận hành dựa trên các cơ chế thị trường, siết chặt hoạt động vay vốn của khu vực công, tách rời ảnh hưởng của đồng đô la, cuối cùng là quản lý dòng vốn. WB cũng cho rằng, khó khăn trong việc bán trái phiếu một phần là do đầu tư bất động sản có lợi hơn nhiều. Việc giám sát hoạt động ngân hàng và quy định mức trần cho vay mua bất động sản có thể giúp kiềm chế lạm phát; tuy nhiên, nó cũng làm chậm tốc độ phát triển đô thị và đầu tư cho nhà đất.

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.