Vụ lừa đảo “đô la đen” ly kỳ

30/03/2008 00:17 GMT+7

Kỳ 1: Cú lừa tình ngoạn mục Sau khi Báo Thanh Niên đưa tin "Một phụ nữ làm quen với một người nước ngoài qua mạng internet và ngày 14.3 bị người này lừa gần 20.000 USD tại một khách sạn ở TP.HCM". Chiều 29.3, nạn nhân của vụ lừa đảo này đã tới tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội để tố cáo.

   

Những thứ giấy tờ được Jay dùng để lừa đảo

Khi đến gặp chúng tôi tại tòa soạn, chị N.T.M.S (sinh năm 1974, cử nhân ngoại ngữ) vẫn không giấu được vẻ bức xúc, phẫn nộ khi kể lại toàn bộ sự thật câu chuyện bị kẻ xấu làm quen trên mạng để lừa đảo.

Đầu năm 2008, chị S. Có quen một người đàn ông qua mạng internet. Ông này tự xưng là người Brazil, sinh năm 1970 tên là Jay Tessy Pedro (sau đây xin gọi là Jay). Jay có nói là bố mẹ ông ta đã bị mất trong một tai nạn máy bay vào ngày 25.4.2007, được thừa kế của bố mẹ 500.000 USD và muốn lập nghiệp ở châu Á nên chuyển số tiền này qua Thái Lan bằng đường Lãnh sự quán Mỹ. Jay có gửi cho chị S. qua đường e-mail 3 giấy biên nhận chuyển số tiền trên tới Thái Lan.

Tiếp theo, Jay và chị S. có trao đổi ảnh với nhau qua mạng. Sau khi nhận được ảnh của chị S. gửi sang, Jay đã viết một lá thư rất thống thiết trên mạng nói rằng hắn ta đã yêu chị ngay từ khi trông thấy ảnh, và vì hắn ta đã mất cả bố mẹ nên giờ đây rất cần một người vợ. Tiếp theo, Jay nói với chị S. là đã nhận được số tiền 500.000 USD thừa kế ở bên Bangkok và hẹn chị S. qua bên đó. Vì tin tưởng vào lời tỏ tình trên mạng, ngày 7.3.2008, chị S. sang Bangkok. Jay đón chị S. ở sân bay và đưa đến khách sạn King Park Avenue.

Khi đến khách sạn, chị S. thấy Jay đưa cho nhân viên lễ tân giấy đặt phòng khách sạn và sau khi ăn trưa trong phòng khách sạn thì Jay đưa chị S. về phòng nghỉ (2 người ở chung một phòng). Cũng trong ngày hôm đó, Jay có đưa cho chị S. xem 2 tờ giấy. Một tờ giấy bằng tiếng Anh có ghi nội dung vì lý do an ninh nên tất cả tiền chuyển của Jay từ Brazil qua Bangkok phải nhuộm thành màu đen. Vì Brazil không cho vận chuyển số tiền lớn ra nước ngoài nên Lãnh sự quán Mỹ phải nhuộm tiền và muốn lấy tiền thừa kế ra phải mua hóa chất của Lãnh sự quán Mỹ để rửa tiền rồi mới dùng được và họ có cho một lọ nhỏ hóa chất để thử. Một tờ giấy khác là giấy báo giá hóa chất  có ghi 17.500 USD/ nửa lít - một lít là 35.000 USD.

Trong phòng nghỉ, chị S. thấy Jay lấy trong túi ra một lọ hóa chất nhỏ, đổ vào một cái thùng bằng nhựa rồi cho thêm ít nước hóa chất (màu vàng như nước cam), sau đó anh ta thả 3 đồng tiền vào. Chị S. thấy 3 tờ giấy đó màu đen, có kích thước bằng tiền đô la có đóng dấu Alert Security

Company, Sao Paulo Brazil (dấu cũng màu đen). Trong giây lát màu đen dần biến mất, hiện lên 3 tờ giấy 20 đô la Mỹ, anh ta dùng tay để rửa những đồng tiền này một cách thành thạo làm chị S. kinh ngạc. Các đồng đô la mới rửa vẫn còn màu vàng và anh ta lại lấy thêm xà phòng để rửa tiếp. Anh ta hỏi chị S. mang đi bao nhiêu tiền, có đủ tiền cho anh ta vay 17.500 USD để mua hóa chất? Chị S. hỏi vì sao Jay không cho biết trước chuyện này qua mạng, Jay bảo vấn đề này không thể nói qua mạng. Khi Jay  rửa tiền, chị S. thấy lo sợ vì Jay làm có vẻ chuyên nghiệp điêu luyện như không phải anh ta rửa tiền lần đầu tiên. Chị S. thắc mắc sao không đeo găng tay vào rửa vì biết đâu hóa chất có thể làm tổn thương da, nhưng anh ta bảo là không việc gì. Chị S. rủ Jay đi chơi. Hai người đi taxi tới bến tàu điện trên không để du ngoạn. Chị S. lấy ra 100 USD để đổi tiền và Jay cũng đưa ra 60 USD vừa mới rửa để đổi sang tiền Thái Lan.

Trong ảnh là Jay - người bị chị S. tố cáo là kẻ lừa đảo (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

Tối về khách sạn, chị S. cảm thấy lo sợ vì Jay không có tên trong phiếu đặt phòng nhưng anh ta có thể ở lại đó qua đêm. Nhưng chị giả vờ như không sợ hãi và cố gắng ngủ. Sáng sớm hôm sau, chờ Jay ra khỏi khách sạn, chị S. vào phòng ăn, uống chút nước, vội vàng lên phòng dọn đồ, thanh toán, rồi mau chóng rời khách sạn đến luôn sân bay về ngay VN.

Những ngày sau đó, Jay liên tục liên lạc với chị S. qua mạng.  Anh ta nói là sẽ chết nếu chị S. không yêu thương và không đưa tiền để mua hóa chất tẩy rửa. Còn chị S., thời điểm đó đang trong nỗi đau của một người phụ nữ bị bỏ rơi (người yêu của chị S. ở TP.HCM chia tay chị cách đó mấy tháng), nên chị đã tin vào những chuyện viển vông tình ái của Jay. Anh ta lại viết những lá thư tình qua mạng với những lời đường mật hứa hẹn gặp chị S. ở TP.HCM.  Sau đó, Jay nói số tiền đô la đen kia phải chuyển qua đường lãnh sự quán sang Việt Nam để anh ta nhận tiền tại TP.HCM và gửi cho chị S. giấy chứng nhận đã chuyển số tiền đô la đen hết 1.250 USD. Jay nói chỉ cần chị S. đưa cho anh ta vay tạm 18.500 USD để vào Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM mua thuốc rửa tiền, thì anh ta sẽ có ngay số tiền 500.000 USD được thừa kế, thừa sức trả nợ chị và mua nhà để 2 người sống với nhau. Chị S. dần bị thuyết phục bởi những lá thư tình nồng nàn của Jay, nên đã lấy hết số tiền tiết kiệm của mình và vay mượn thêm bạn bè để có đủ số tiền 18.500 USD cho Jay mua hóa chất và lãnh tiền tại TP.HCM. Khi chuẩn bị đủ số tiền trên, chị S. hẹn gặp Jay tại TP.HCM vì chủ quan nghĩ rằng: nếu ở bên Thái Lan thì có thể còn bị lừa, chứ ở Việt Nam thì rất khó bị một người nước ngoài lừa đảo.

Ngày 10.3.2008, Jay đi đường bộ và nghỉ ở Campuchia vài ngày, rồi đi qua cửa khẩu Mộc Bài vào đến TP.HCM lúc gần 2 giờ chiều ngày 13.3 bằng xe bus của du lịch Mekong. Jay đến gặp chị S. tại nhà một người bạn của chị ở đường Bùi Đình Túy (chị S. gửi tiền ở nhà người bạn này). Sau đó, Jay và chị S. thuê phòng nghỉ tại một khách sạn. Sau khi ăn tối xong, Jay bỗng dưng khóc lóc, năn nỉ chị S. đến nhà bạn để lấy cho anh ta vay số tiền đó. Thấy mủi lòng, chị S. đã đồng ý cùng Jay quay lại nhà bạn lấy số tiền 18.500 USD mang về khách sạn. Khi Jay lấy số tiền của chị S. ra để đếm trước mặt hai người, chị S. đã khóc và nói với Jay đây là số tiền lớn của chị nên đừng nhẫn tâm lừa chị mà phải trả lại ngay sau khi rửa được số tiền đô la đen kia. Jay cũng ôm chị S. vào lòng và y khóc còn to hơn chị, hứa rằng sau khi rửa xong tiền sẽ trả lại ngay số tiền vay của chị S.

Sáng 14.3, chị S. và Jay rời khỏi khách sạn đi đến Lãnh sự quán Mỹ (trước khi đi, Jay có đưa cho chị S. một hộ chiếu để làm tin). Jay bảo 10 giờ lãnh sự quán mới làm việc nên hai người đi ăn sáng. Họ lên tầng 2 của một quán ăn gần Lãnh sự quán Mỹ. Khi đang ăn thì Jay đi xuống nhà, lấy lý do là không ăn được món ăn đó, gọi món khác. Chị S. ngồi ở tầng 2, sau 5 phút không thấy anh ta đi lên, chị xuống tìm thì anh ta đã biến mất. Lúc đó, chị S. mới hiểu rằng mình đã bị lừa. Chị S. gọi điện ngay cho bạn bè, ai cũng khuyên chị nên báo công an phường sở tại. Nhưng việc lấy lời khai, lập biên bản tại Công an phường 5, Q.Bình Thạnh đã làm cho chị S. không còn thời gian làm gì khác. Chị S. có nói với mấy anh công an là Jay đang chạy ra biên giới, nếu không ngăn chặn hắn sẽ chạy thoát. Khi Jay trốn, chị S. có hỏi lại khách sạn (nơi 2 người nghỉ qua đêm) thì nhân viên lễ tân cho biết anh ta đã dùng một hộ chiếu mang quốc tịch Lào để vào ra Việt Nam, số  hộ chiếu: 98LC 78336, tên trên hộ chiếu là: EDWARD SCAVAN, sinh năm: 1970, số visa vào VN: KJ0524293, thời hạn ngày 27.3.2008.

Thời điểm ấy, chị S. vẫn cố gắng để liên lạc với Jay bằng số di động mà chị mua cho hắn là 0988035847, nhưng Jay chỉ trả lời quanh co. Đến 13 giờ chiều 14.3 thì Jay tắt máy. Chị S. gọi điện đến số cố định 0668769431 liên lạc với Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, khi chị S. đọc số hộ chiếu và họ tên thì 15 phút sau được cán bộ biên phòng trả lời là Jay đã qua biên giới  lúc 13 giờ chiều rồi. (Còn tiếp) 

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.