H5N1 có lây truyền từ muỗi sang người?

24/03/2008 22:43 GMT+7

Từ những thông tin cầy vằn, hổ, lợn bị nhiễm cúm gia cầm; rồi máu của ruồi, muỗi có vi - rút H5N1... dư luận đang lo lắng về khả năng lây truyền bệnh từ các động vật này sang người.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Long Thành (ảnh) - Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư về vấn đề nêu trên. Ông Thành cho biết, vật chủ tàng trữ vi-rút H5N1 là ngan, vịt, chim trời (hiện đã xác định được 17/41 loài chim đã nhiễm và có thể chết vì H5N1 như cò, diệc, chim sẻ...). Tại một số nơi đã có những trường hợp thú hoang như chồn, cầy vằn... bị nhiễm H5N1 nhưng chưa xác định được vì sao. Các nhà khoa học đã phát hiện hổ (tại Thái Lan), báo (tại Hà Lan) và mèo nhà bị nhiễm H5N1 tự nhiên do ăn thịt gia cầm. Trong phòng thí nghiệm, khi cấy vi-rút H5N1 vào lợn thì lợn bị nhiễm ở thể nhẹ và không lây truyền bệnh sang các con lợn khỏe mạnh khác, gây bệnh cho chuột thì chuột mắc bệnh và chết, gây bệnh cho khỉ thì khỉ cũng bị nhiễm H5N1.

Gần đây nhất, tháng 2.2008, các nhà khoa học Thái Lan và Pháp công bố là đã phát hiện vi-rút H5N1 trong máu của muỗi. Theo đó, khi phân tích máu của những con muỗi ở gần các trang trại gà bị nhiễm H5N1 ở Thái Lan trong năm 2005 đã cho kết quả như trên. Trước đó, các nhà khoa học Nhật Bản công bố kết quả một công trình nghiên cứu cũng cho biết, trong máu của ruồi hút máu sống xung quanh trại gà bị nhiễm cúm gia cầm có chứa vi-rút H5N1.

* Vậy, cầy vằn, muỗi, lợn... nhiễm H5N1 có truyền bệnh sang con người không, thưa ông ?

- Các kết quả nghiên cứu kể trên mới chỉ có thể khẳng định về mức độ phong phú của vật tàng trữ vi-rút H5N1. Hiện các nhà khoa học đang trong quá trình tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi liệu vi-rút H5N1 có khả năng từ vật tàng trữ lây sang các động vật cảm thụ (từ cầy vằn lây sang cầy vằn và các động vật khác; từ muỗi lây sang chó, mèo...) và lây sang người hay không; và nếu có lây truyền thì cơ chế và mức độ lây truyền như thế nào.

* 3 tháng qua, tại Việt Nam đã có tới 5 người chết vì nhiễm H5N1, bằng với số ca tử vong liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm này trong cả năm 2007 trong khi dịch chủ yếu xảy ra lẻ tẻ, quy mô nhỏ. Có phải do vi-rút H5N1 đã biến đổi ?

- Kết quả của một loạt các thí nghiệm công cường độc trên gà, vịt đã tiêm vắc-xin cho thấy vi- rút H5N1 chưa có sự biến đổi. Mới đây nhất, tiến hành công cường độc trên gia cầm tại Thái Nguyên hồi đầu tháng 2.2008 cũng cho kết quả tương tự. Đúng là thời gian qua, dịch cúm gia cầm tái phát lẻ tẻ, quy mô nhỏ. Nhưng qua điều tra cho thấy, dịch xảy ra đa phần là do mầm bệnh đã có tại chỗ, khả năng do vi-rút chuyển từ nơi này sang nơi khác là không nhiều. Ở nước ta, người dân vẫn chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, mỗi gia đình nuôi dăm bảy con ngan, vài chục con gà. Thêm vào đó, hiện đã xác định có nhiều vật tàng trữ  vi-rút H5N1 và vi-rút H5N1 có mặt ở khắp nơi ngoài môi trường. Vì vậy, con người ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với vi-rút H5N1 khiến nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao.

* Vi-rút H5N1 có mặt khắp nơi và hiện đã có nhiều vật tàng trữ vi-rút này trong khi chúng ta chưa thể xác định được cúm gia cầm có lây từ vật tàng trữ sang người hay không. Vậy, ông có khuyến cáo gì với người dân ?

- Người chăn nuôi cố gắng chăn nuôi theo lối an toàn, xa nơi ở, không nuôi chung gia cầm với các động vật khác trong một không gian hẹp để tránh lây từ gia cầm sang vật nuôi khác rồi lây sang người (nếu có nguy cơ). Người dân cũng cần phải tiếp xúc an toàn với gia cầm bằng cách vệ sinh sạch sẽ, sử dụng bảo hộ lao động, thực hiện ăn chín uống sôi; khi có biểu hiện bệnh phải đi bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

Q.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.