Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Tỉ lệ học sinh bỏ học đã giảm nhiều trong 2 năm học qua

24/03/2008 14:54 GMT+7

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học 2007 -2008. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã có ý kiến chính thức phản hồi về vấn đề này:

“Trước hết phải khẳng định rằng không có hiện tượng học sinh bỏ học tràn lan, mà trái lại, trên phạm vi cả nước tỉ lệ học sinh bỏ học đã giảm nhiều trong hai năm học 2006-2007 và 2007-2008. Cụ thể, ở cấp Tiểu học: từ năm học 2003-2004 đến năm học 2006-2007, tỉ lệ học sinh bỏ học dao động từ 2,25% đến 3,33%; nhưng đến học kỳ I năm học 2007-2008, chỉ còn 0,19%. Ở cấp THCS và THPT: từ năm học 2003-2004 đến năm học 2005-2006, tỷ lệ học sinh bỏ học dao động từ 6,29% đến 7,59%; năm học 2006-2007, tỷ lệ này chỉ còn 2,07%; học kỳ I năm học 2007- 2008, chỉ còn 1,2%.

Tuy nhiên, số lượng học sinh bỏ học vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm và phải tích cực khắc phục. Cũng cần phải quan tâm đến một số địa phương có nhiều học sinh bỏ học. Ví dụ, cấp Tiểu học bên cạnh 29 tỉnh, thành phố tỉ lệ học sinh bỏ học xấp xỉ 0% vẫn còn 5 tỉnh tỉ lệ học sinh bỏ học ở mức cao (0,95% - 2%). Đối với trung học, trong khi có 30 tỉnh tỉ lệ học sinh bỏ học thấp hơn 1%, vẫn còn 9 tỉnh tỉ lệ từ 2% đến 9,81%.

Các tỉnh có tỉ lệ học sinh bỏ học cao đều là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ. Do dân cư sống rải rác, đường xá đi lại khó khăn, nhà xa trường, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhiều học sinh thiếu ăn, suy dinh dưỡng, mặc không đủ ấm... Các trường học ở đây thường thiếu thiết bị, sân chơi, bãi tập; giáo viên ít có cơ hội giao lưu sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ hơn ở các nơi khác. Còn một nguyên nhân khác là do nhận thức của các cấp lãnh đạo, của người dân và của chính học sinh về tầm quan trọng của tri thức và việc học tập còn hạn chế.

Ở các tỉnh, thành phố có kinh tế - xã hội phát triển cũng vẫn còn học sinh bỏ học ở làng chài, vùng kinh tế mới. Các gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, con ở nhà với ông bà nên thiếu điều kiện chăm sóc, động viên theo dõi việc học hành. Ở các đô thị các quán chơi điện tử, các tụ điểm tệ nạn xã hội luôn là nơi rình rập, lôi kéo học sinh bỏ học khi thiếu sự theo dõi, quản lý của gia đình. Có ý kiến cho rằng trong khi mở ra nhiều khu công nghiệp, một bộ phận học sinh trung học phổ thông đã sớm rời ghế nhà trường để đi làm thì đó là một dấu hiệu tích cực của sự phân luồng tự nhiên sau cấp trung học cơ sở.

Để khắc phục điều bất cập từ nguyên nhân chủ quan ở chương trình, nội dung dạy học, một bộ sách giáo khoa thống nhất sử dụng trong cả nước rất khó phù hợp với tất cả các vùng miền, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, các nhà trường dạy học linh hoạt, nghĩa là được chủ động điều chỉnh trong phạm vi cho phép về nội dung, thời gian (khai giảng, nghỉ Tết, nghỉ hè), thời lượng dạy học trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên chưa mạnh dạn, chủ động thực hiện. Tuy chưa có sự đánh giá đầy đủ, khoa học nhưng hiện nay đã và đang có nhiều ý kiến cho rằng chương trình, nội dung sách giáo khoa còn bất cập, một số chỗ chưa phù hợp với với điều kiện dạy học và khả năng nhận thức của học sinh….

Về đội ngũ giáo viên, có một bộ phận tuy đã chuẩn hóa về bằng cấp nhưng do quá trình đào tạo không liên tục nên năng lực thực sự còn hạn chế. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng là khó khăn không nhỏ của lớp giáo viên cao tuổi đã quá quen với lối dạy học "đọc chép". Một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn vi phạm đạo đức nhà giáo, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, làm giảm uy tín chung của ngành.

Chúng tôi cũng muốn bàn về ảnh hưởng của cuộc vận động "Hai không" đến tình hình học sinh bỏ học. Trước hết cần khẳng định cuộc vận động là một giải pháp đột phá cần thiết và hiệu quả để giáo dục bộc lộ đúng thực trạng và tạo động lực thúc đẩy sự cố gắng của thầy và trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điều đó đã bước đầu làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học trong cả nước (như đã nêu ở phần trên). Nhưng "Hai không" cũng làm cho một số học sinh bỏ học do không nắm được những kiến thức cơ bản, không theo kịp bạn bè, lại không giấu được sự yếu kém nên chán nản. Từ năm học 2006-2007, các nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra đánh giá, phân loại và phụ đạo học sinh yếu kém nhằm hạn chế học sinh bỏ học vì học yếu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, một bộ phận học sinh phổ thông nếu không khắc phục được tình trạng hổng kiến thức, không thể học tiếp được thì việc rời ghế nhà trường để tham gia lao động sản xuất và tham gia theo học tại các trung tâm học tập cộng đồng (đã có ở 80% số xã, phường ở nước ta) là một sự cần thiết, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của của học sinh và gia đình. Từ những thực tế này, chúng tôi không đồng tình với một số bài báo nói rằng học sinh bỏ học là "hệ lụy" của cuộc vận động "Hai không".

Từ việc xác định rõ các nguyên nhân và nguy cơ dẫn đến học sinh bỏ học, đầu tháng 4.2008, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao để cùng tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trên phạm vi cả nước, Hội Khuyến học, Cựu giáo chức, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam... đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội đến trường như: cuộc vận động "Giúp bạn đến trường" nhằm quyên góp áo ấm, sách vở; lập quỹ "Vì trẻ em nghèo" hỗ trợ học sinh vùng khó; phổ biến, nhân rộng các mô hình khu dân cư khắc phục tình trạng trẻ em bỏ học được Hội khuyến học, Hội Phụ nữ thực hiện thành công ở một số địa phương; phát hiện và giới thiệu nhiều tấm gương vượt khó học giỏi cho chương trình "Thắp sáng tương lai" được phát sóng trên VTV1.

Ngành giáo dục, với sự cộng tác của các Hội đã triển khai việc đánh giá chương trình, nội dung sách giáo khoa phổ thông để có sự điều chỉnh phù hợp đối với từng vùng miền. Bộ tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn việc dạy học linh hoạt, nhất là đối với cấp Tiểu học, trong đó có việc xem xét cho học sinh dân tộc thiểu số có thể học lớp 1 trong hai năm để các em vững tiếng Việt và tăng cường thể lực trước khi học những lớp trên.

Các nhà trường tăng cường, phối hợp với các lực lượng xã hội trong việc xác định nguyên nhân cụ thể đối với từng học sinh có nguy cơ bỏ học cao để có biện pháp phù hợp, phòng ngừa, vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Đồng thời tích cực phụ đạo học sinh yếu kém trong năm học và trong thời gian hè. Cố gắng huy động để 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo tạo tâm thế tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu đề tài khoa học nhằm đưa ra những biện pháp giảm thiểu học sinh bỏ học; xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của từng cấp học làm căn cứ cho việc xác định nội dung đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại giáo viên, vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống, mạng lưới trường lớp hợp lý để học sinh đi học thuận lợi, tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng nhà công vụ, kiên cố hóa trường lớp để đảm bảo tốt điều kiện dạy và học; đẩy mạnh dạy học 2 buổi/ngày, phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc, miền núi.

Duy trì sĩ số học sinh, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học là việc làm thường xuyên và lâu dài của nhà trường, gia đình và cộng đồng. Xét về tổng thể, vừa do sự tiến bộ của xã hội, sự đầu tư của Nhà nước cho giáo dục và quan trọng nhất là sự chuyển biến về thái độ của gia đình và xã hội đối với sự phát triển của giáo dục, đặc biệt sự quan tâm của các thầy cô giáo tâm huyết với nghề nghiệp đã làm cho áp lực bỏ học giảm đi rất mạnh".

 TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.